Thực hiện dân chủ ở cơ sở góp phần bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân
Theo quy định của pháp luật, thực hiện dân chủ ở cơ sở là phương thức nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, để mọi tầng lớp nhân dân được thông tin kịp thời cũng như được thể hiện ý chí, nguyện vọng, chính kiến của mình thông qua việc thảo luận, tham gia ý kiến, quyết định và kiểm tra, giám sát các vấn đề ở cơ sở theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của thực hiện dân chủ ở cơ sở, ngày 18/2/1998, Bộ Chính trị khóa VIII đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TW về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, trong đó chỉ rõ khâu quan trọng và cấp bách trước mắt là phát huy quyền làm chủ của nhân dân tại cơ sở, phải đặt việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở trong cơ chế tổng thể của hệ thống chính trị.
Trên cơ sở của Chỉ thị số 30-CT/TW, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nhiều văn bản về việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở như: Nghị quyết số 45/1998/NQ-UBTVQH10 ngày 26/2/1998 về việc ban hành quy chế thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Nghị quyết số 55/NQ-UBTVQH10 ngày 30/8/1998 về việc ban hành quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan,…
Đặc biệt, ngày 20/4/2007, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn (Pháp lệnh số 34).
Sau 15 năm thực hiện Pháp lệnh số 34, để tiếp tục thể chế hóa quan điểm của Đảng về thực hành dân chủ ở cơ sở gắn liền với phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" theo tinh thần của Đại hội XIII, đồng thời khắc phục một số hạn chế, bất cập của Pháp lệnh số 34 vì không còn phù hợp bối cảnh mới, ngày 10/11/2022, Quốc hội đã thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (có hiệu lực từ ngày 1/7/2023). So với Pháp lệnh số 34, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở có nhiều điểm mới phù hợp yêu cầu thực hiện dân chủ ở cơ sở trong tình hình mới hiện nay.
Về phạm vi điều chỉnh, nếu Pháp lệnh số 34 chỉ quy định phạm vi thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn thì Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022 mở rộng điều chỉnh đến việc thực hiện dân chủ trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức có sử dụng lao động.
Về nguyên tắc thực hiện, nếu Pháp lệnh số 34 đề ra 5 nguyên tắc thì Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022 xác định 6 nguyên tắc, trong đó có những điểm nhấn mới hết sức quan trọng như yêu cầu bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội trong thực hiện dân chủ ở cơ sở; thực hiện dân chủ ở cơ sở trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm trật tự, kỷ cương, không cản trở hoạt động bình thường của chính quyền địa phương cấp xã, cơ quan, đơn vị, tổ chức có sử dụng lao động...
Đặc biệt, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022 bổ sung thêm nguyên tắc hoàn toàn mới, đó là phải: "Tôn trọng ý kiến đóng góp của Nhân dân, kịp thời giải quyết kiến nghị, phản ánh của Nhân dân".
Về quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, nếu như Pháp lệnh số 34 không có quy định cụ thể về vấn đề này thì Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022 đã dành hẳn hai điều (Điều 5, Điều 6) trong Chương 1 (Những quy định chung) để nêu rõ: các công dân không chỉ có quyền mà còn phải có nghĩa vụ trong thực hiện dân chủ ở cơ sở như: Tuân thủ quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở; tham gia ý kiến về các nội dung được đưa ra lấy ý kiến ở cơ sở theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; chấp hành quyết định của cộng đồng dân cư, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức có sử dụng lao động…
Đặc biệt, trong Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022 có bổ sung thêm Quyền thụ hưởng của công dân tại Điều 7. Đây được xem là một bước tiến rất quan trọng trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, giúp cho quyền làm chủ của người dân ngày càng đi vào chiều sâu.
Về vấn đề công khai thông tin ở xã, phường, thị trấn, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022 bổ sung một số nội dung công khai (gồm 14 nội dung) phù hợp quy định trong Luật Tiếp cận thông tin.
Việc điều chỉnh, bổ sung nội dung và hình thức công khai thông tin tại xã, phường, thị trấn của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022 so với Pháp lệnh số 34 không chỉ góp phần bổ sung, thể chế hóa những quy định mới của pháp luật về quyền tiếp cận thông tin của người dân mà còn góp phần quan trọng trong việc cung cấp đầy đủ các nguồn thông tin chính xác đến người dân, giúp nhân dân nâng cao nhận thức, chủ động, tích cực, tự giác trong thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước cũng như tạo cơ sở để dân biết, dân bàn theo đúng chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật.
Có thể khẳng định, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở ra đời thay thế cho Pháp lệnh số 34 là hết sức kịp thời và cần thiết. Sau hơn một năm triển khai, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Việc công khai rộng rãi, đầy đủ mọi thông tin với nhiều hình thức dân bàn cùng những cơ chế hiệu quả để dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, nhờ vậy giúp người dân ngày càng nhận thức đầy đủ hơn cũng như thực hiện tốt hơn quyền làm chủ của mình.
Để phát huy hơn nữa hiệu quả của việc thực hiện các quy định về dân chủ ở cơ sở, thời gian tới chúng ta cũng cần nghiêm túc khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay. Đó là tình trạng một số cấp ủy đảng, cơ quan chính quyền, tổ chức, đơn vị cấp cơ sở nhất là người đứng đầu còn chưa nhận thức hết tầm quan trọng của vấn đề này cho nên chưa đề cao quyết tâm, thiếu những cách làm hay, sáng tạo.
Vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên ở một số cấp cơ sở do có những biểu hiện suy thoái, tiêu cực, tham ô, tham nhũng nên dù biết rõ những quy định pháp luật vẫn cố tình làm trái để trục lợi cá nhân từ đó vi phạm nghiêm trọng đến thực hiện dân chủ ở cơ sở, xâm phạm đến quyền làm chủ của người dân. Mặt khác, một bộ phận người dân chưa có ý thức tự giác, chấp hành nghiêm những quy định trong Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở…
Để khắc phục những hạn chế, thiếu sót nêu trên, thời gian tới chúng ta cần triển khai đồng bộ một số giải pháp sau: Tăng cường các biện pháp, cơ chế để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở; đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị nhất là ở cấp cơ sở về tầm quan trọng và ý nghĩa của việc thực hiện các quy định pháp luật liên quan dân chủ ở cơ sở.
Cùng với đó cũng phải đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đến mọi đối tượng với hình thức và cách làm phù hợp, góp phần đưa chính sách, pháp luật vào cuộc sống. Chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện, kịp thời tuyên dương, khen thưởng, động viên, nhân rộng, lan tỏa các gương điển hình, những mô hình tốt, cách làm hay; đồng thời phát hiện và xử lý nghiêm trường hợp các cá nhân, tổ chức có các hành vi vi phạm.
Tiến sĩ HOÀNG THU TRANG
Theo: nhandan.vn
Tin cùng chuyên mục
- Tinh-gọn-mạnh-hiệu năng-hiệu lực-hiệu quả 05.11.2024 | 14:15 PM
- Chống lãng phí - Thông điệp mạnh mẽ của Tổng Bí thư Tô Lâm 30.10.2024 | 15:58 PM
- Triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác tuyên giáo 30.09.2024 | 17:56 PM
- Nhiều giải pháp sáng tạo nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền đại hội Đảng các cấp 28.09.2024 | 18:29 PM
- Thành phố: Phổ biến Quy định số 144-QĐ/TW và Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị cho đội ngũ báo cáo viên 24.07.2024 | 16:49 PM
- Thành phố: Tổng giá trị sản xuất tăng 5,7% 09.07.2024 | 16:10 PM
- Khai giảng lớp thứ nhất bồi dưỡng cán bộ quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV 09.07.2024 | 09:02 AM
- Quy định 144-QĐ/TW: Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới 04.07.2024 | 08:58 AM
- Giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác định giá tài sản 02.07.2024 | 17:14 PM
- Đảng ủy Công an tỉnh: Tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng 06.06.2024 | 17:45 PM
Xem tin theo ngày
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh