Thứ 7, 23/11/2024, 10:04[GMT+7]

Tiếp tục hoàn thiện, nâng tầm Dự thảo Báo cáo kinh tế-xã hội với hàm lượng trí tuệ và tính thực tiễn cao

Thứ 4, 13/11/2024 | 19:36:59
453 lượt xem
Ngày 13/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì cuộc họp Tiểu ban Kinh tế-xã hội Đại hội XIV của Đảng.

Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì cuộc họp Tiểu ban Kinh tế-xã hội Đại hội XIV của Đảng. (Ảnh: Trần Hải).

Tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Tiểu ban và đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, Thường trực Tiểu ban, Tổ trưởng Tổ Biên tập kinh tế-xã hội trình bày báo cáo về quá trình bổ sung, hoàn thiện Dự thảo Báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2026-2030 (gọi tắt là Báo cáo kinh tế-xã hội) từ sau Hội nghị Trung ương 10 đến nay, Báo cáo về một số kịch bản tăng trưởng kinh tế cao năm 2025 và giai đoạn 2026-2030. 

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu kết luận, nhấn mạnh một số định hướng chiến lược. (Ảnh: Trần Hải).

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của Tiểu ban Kinh tế-xã hội, đứng đầu là Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, có tư duy đổi mới, đột phá mạnh mẽ, phát huy được trí tuệ tập thể để xây dựng dự thảo Báo cáo kinh tế-xã hội; đồng thời, chủ động, tích cực phối hợp các Tiểu ban Xây dựng văn kiện, bảo đảm sự nhất quán các nội dung văn kiện trình Đại hội trên nguyên tắc Báo cáo chính trị là báo cáo trung tâm, Báo cáo kinh tế-xã hội là báo cáo chuyên đề, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định đến việc hiện thực hóa các mục tiêu, quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế-xã hội.

Với tầm vóc của Đại hội XIV thì các dự thảo văn kiện, trong đó có Báo cáo kinh tế-xã hội phải tiếp tục "nâng tầm" hơn nữa, theo đó, để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Báo cáo kinh tế-xã hội, đồng chí Tổng Bí thư cho rằng sau 12 lần chỉnh sửa, Báo cáo đã đạt yêu cầu để trình ra Bộ Chính trị và đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh một số điểm như sau:

Một là, tiếp tục nhận thức sâu sắc tầm nhìn kỷ nguyên mới và quyết tâm thực hiện 2 mục tiêu 100 năm mà Nghị quyết Đại hội XIII đã xác định để rà soát, bổ sung, hoàn thiện Dự thảo Báo cáo; bảo đảm Báo cáo thật sự như "Chương trình hành động", phải thể hiện tinh thần của cả hệ thống chính trị, phải khởi xướng, phát động được phong trào, khí thế mới trong xây dựng, phát triển đất nước, trong cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân, lấy lợi ích quốc gia, dân tộc là trên hết, trước hết, phấn đấu xây dựng nước Việt Nam hoà bình, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tiếp thu các ý kiến hoàn thiện Dự thảo văn kiện. (Ảnh: Trần Hải).

Hai là, thống nhất quan điểm phát triển nhanh nhưng phải bền vững, tăng trưởng cao nhưng phải đảm bảo ổn định vĩ mô, hài hoà giữa phát triển kinh tế với văn hoá, xã hội và bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Cần bám sát mục tiêu năm 2030, 2045 để xây dựng kịch bản tăng trưởng từng năm, từng giai đoạn, từng lĩnh vực ở mức cao nhất có thể để nỗ lực phấn đấu thực hiện.

Phải đặt con người ở vị trí trung tâm, là chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển; lấy giá trị văn hoá, con người Việt Nam là nền tảng, động lực, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững. Mọi chủ trương, chính sách đều phải xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân; lấy hạnh phúc và ấm no của nhân dân là mục tiêu phấn đấu.

Ba là, cần phải có nỗ lực lớn, có giải pháp đột phá, đi tắt đón đầu, rút kinh nghiệm từ thực tiễn phát triển đất nước và các nước phát triển đi trước, lường trước được khó khăn, những biến số không thuận lợi, tận dụng được thời cơ vàng, không để lãng phí cơ hội của giai đoạn hiện nay; xác định được những phương hướng, nhiệm vụ có tính lâu dài, căn bản để tạo nền tảng đạt được mức tăng trưởng cao và duy trì trong dài hạn. Đặc biệt, quan tâm đổi mới, hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế phát triển nói chung, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nói riêng, coi đây là đột phá quan trọng nhất để khơi thông các điểm nghẽn, giải phóng mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Các đồng chí thành viên Tiểu ban Kinh tế-xã hội dự cuộc họp. (Ảnh: Trần Hải).

Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh; tập trung thực hiện đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát triển nhanh các mô hình kinh tế mới, đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện trong mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội, quản trị nhà nước…

Các đại biểu dự cuộc họp. (Ảnh: Trần Hải).

Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh; tập trung thực hiện đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát triển nhanh các mô hình kinh tế mới, đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện trong mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội, quản trị nhà nước…

Đồng chí Tổng Bí thư đánh giá, các ý kiến của các thành viên Tiểu ban Kinh tế-xã hội là rất phong phú, mang nhiều giá trị thực tiễn, đề nghị các đồng chí Thường trực Tiểu ban và Thường trực Tổ Biên tập nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến xác đáng để tiếp tục hoàn thiện, nâng tầm Dự thảo Báo cáo kinh tế-xã hội với hàm lượng trí tuệ và tính thực tiễn cao; trên cơ sở đó xây dựng bản tóm tắt Dự thảo Báo cáo kinh tế-xã hội với các nội dung cốt lõi, các điểm mới mang tính nổi bật, đột phá đã được thống nhất, trình Bộ Chính trị xem xét, trước khi gửi đại hội đảng bộ cấp cơ sở thảo luận, góp ý, tạo sự quan tâm, hưởng ứng, đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng.

Theo: nhandan.vn