Thứ 6, 15/11/2024, 12:55[GMT+7]

Thái Thụy 10 năm thực hiện nghị quyết 03 của Tỉnh ủy về dân số - KHHGĐ

Thứ 4, 15/09/2010 | 10:52:03
2,676 lượt xem
Số sinh giảm từ 3600 trẻ xuống còn 3300 trẻ, tỷ lệ sinh giảm từ 1,37% xuống còn 1,23%, số nạo hút thai giảm từ 0,96/1 ca đẻ xuống còn 0,47 lần/1 ca đẻ, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em giảm từ 25,5% xuống còn 18,8%..., đó là những kết quả nổi bật sau 10 năm Thái Thụy thực hiện Nghị quyết 03 của Tỉnh uỷ về dân số-KHHGĐ giai đoạn 2001-2010.

Thái Thụy thực hiện tốt Nghị quyết 03 của Tỉnh uỷ về dân số-KHHGĐ

Triển khai Nghị quyết 03 của Tỉnh uỷ, Thái Thụy đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Huyện uỷ, chỉ sau hai tháng triển khai, hầu hết các tổ chức cơ sở Đảng và các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội trên địa bàn huyện đã triển khai xong việc học tập Nghị quyết.

Tỷ lệ cán bộ chủ chốt của huyện tham gia học tập đạt 100%, tỷ lệ cán bộ, đảng viên cơ sở tham gia học tập đạt 75-85%, tỷ lệ hội viên, đoàn viên các tổ chức đoàn thể tham gia học tập đạt 70-80%, 100% đảng bộ xã, thị trấn đều xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết, các tổ chức đoàn thể đều xây dựng cơ chế phối hợp thực hiện, các chi bộ đảng, chi hội đoàn thể cơ sở, các thôn làng, khu phố các cơ quan đơn vị đều đăng ký thực hiện nghiêm túc Nghị quyết và chương trình hành động đề ra.

Bám sát vào nội dung Nghị quyết, hướng dẫn của Ban tuyên giáo Tỉnh uỷ và các văn bản pháp luật về Dân số-KHHGĐ, các ngành trong binh chủng tư tưởng của huyện đã cụ thể hoá Nghị quyết thành nội dung tuyên truyền. Hàng năm, cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn, đơn vị đưa công tác DS-KHHGĐ vào trong chương trình kinh tế xã hội của địa phương, coi đây là tiêu chí để bình xét thi đua.

Với sự triển khai này, công tác dân số-KHHGĐ chuyển biến rõ nét, các ban ngành, đoàn thể đã vào cuộc đưa công tác dân số bước sang một chặng đường với nhiều hoạt động mới. Ngành dân số tích cực đổi mới hoạt động truyền thông, chú ý cả bề nổi và chiều sâu, quan tâm đến những vùng khó khăn, đến những đối tượng cụ thể đề ra nội dung hoạt động phù hợp.

Đoàn thanh niên vận động, duy trì các câu lạc bộ tiền hôn nhân vận động thanh niên thực hiện nếp sống văn hoá, thực hiện CSSKSS vị thành niên, thanh niên, thực hiện KHHGĐ. Hội phụ nữ với phong trào nuôi con khoẻ, dạy con ngoan, CSSKSS, bình đẳng giới, phấn đấu các chi hội không có người sinh con thứ ba. Mặt trận tổ quốc có phong trào “Xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, phong trào “ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”, “Họ giáo bốn gương mẫu”... Ngành y tế tổ chức tốt việc chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ bà mẹ, trẻ em, mở các đợt chiến dịch mạnh về công tác DS-KHHGĐ, đa dạng hoá các biện pháp tránh thai...

Bên cạnh sự hoạt động của các ngành, các địa phương cũng tăng cường đầu tư cho công tác truyền thông bằng nhiều hình thức, nhiều xã đã đưa hình thức sân khấu hoá vào hoạt động truyền thông nên nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt của nhân dân. Ngoài việc đầu tư nhân lực, hàng năm, từ huyện đến xã còn hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động dân số.

Với sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống từ huyện đến cơ sở đã tạo thành cuộc vận động lớn làm chuyển biến nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. 10 năm thực hiện Nghị quyết, mỗi năm toàn huyện có hàng trăm lượt thôn xóm, họ giáo, chi hội phụ nữ không có người sinh con thứ ba trở lên, có những thôn như Kiên Thắng (Thái Thuỷ), khu 3 thị trấn Diêm Điền có từ 11-16 năm không có người sinh con thứ ba, xã Thái Thuỷ 3 năm không có người sinh con thứ ba...

Bên cạnh những kết quả đạt được, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết, công tác dân số-KHHGĐ tại Thái Thuỵ cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Số sinh, tỷ lệ sinh giảm nhưng số sinh thứ ba, tỷ lệ sinh con thứ ba có chiều hướng tăng trở lại. Đến năm 2009, tỷ lệ sinh con thứ ba toàn huyện ở mức 13,63% (tăng so với năm 2001 gần 2%).

Tại một số địa phương, cấp uỷ đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên có biểu hiện xem nhẹ, lơi lỏng công tác dân số-KHHGĐ. Trong 10 năm thực hiện Nghị quyết vẫn còn 30 đảng viên, 23 cán bộ trong huyện vi phạm chính sách dân số. Các vấn đề như tình trạng nạo hút thai, bất bình đẳng giới trong KHHGĐ, tỷ lệ mất cân bằng giới tính ở trẻ mới sinh... cũng là những vấn đề còn nổi cộm.

Trước những hạn chế và tồn tại trên, Thái Thụy đã đưa ra sáu nhiệm vụ trọng tâm trong công tác dân số-KHHGĐ thời gian tới. Nhiệm vụ được nhấn mạnh là yêu cầu các cấp uỷ Đảng, chính quyền phải nghiêm túc kiểm điểm, tổng kết đánh giá tình hình thực hiện chính sách dân số-KHHGĐ, kiên quyết ngăn chặn khuynh hướng sinh nhiều con, quan niệm sai về giới tính đồng thời yêu cầu các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của các địa phương đơn vị phải trực tiếp, thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện công tác DS-KHHGĐ, nêu cao vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong thực hiện, xử lý kỷ luật nghiêm những Đảng viên vi phạm chính sách dân số theo điều lệ Đảng.

Cùng với nhiệm vụ trọng tâm trên là việc củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác dân số từ huyện đến xã, thôn, tiếp tục hoàn thiện hệ thống dịch vụ CSSKSS, tích cực thực hiện chủ trương xã hội hoá công tác DS-KHHGĐ, huy động sự đóng góp của cộng đồng cho công tác DS-KHHGĐ.

Trần Hương

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày