Chủ nhật, 24/11/2024, 16:49[GMT+7]

Chủ tịch Hồ Chí Minh với luận cương dân tộc và thuộc địa của V.I.Lênin trong giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp ở Việt Nam

Thứ 4, 22/04/2020 | 08:42:35
5,517 lượt xem
V.I.Lênin (Vladimir Ilych Lenin) với 54 tuổi đời (sinh ngày 22/4/1870, mất ngày 21/4/1924), nhưng gần 30 hoạt động vì sự nghiệp cao cả, Người đã có những đóng góp vô cùng to lớn cho sự nghiệp cách mạng vô sản thế giới, đấu tranh vì hòa bình, độc lập, tự do của các dân tộc, vì hạnh phúc của con người.

Lãnh tụ V.I.Lênin đã lãnh đạo thành công Cách mạng Tháng Mười Nga. (Nguồn: tuyengiao.vn)

Một trong những giá trị tư tưởng tác động mạnh mẽ đối với Việt Nam đó là “Luận cương về dân tộc và thuộc địa” của Người được Hồ Chí Minh vận dụng sáng tạo vào việc giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người, điều đó được giới khoa học đánh giá đó là cuộc “gặp gỡ lịch sử” bởi nó đánh dấu bước ngoặt cho cách mạng Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá: “Lênin là người đã thực hiện và phát triển chủ nghĩa Mác. Là người cha của cách mạng vô sản và cách mạng dân tộc giải phóng. Là người thầy đã tạo ra những chiến sỹ cách mạng khắp thế giới, chẳng những bằng lý luận khoa học cách mạng nhất, mà còn bằng đạo đức cách mạng cao cả nhất”. Những tư tưởng, lý luận quý báu của V.I.Lênin đã, đang được Đảng và nhân dân ta vận dụng sáng tạo, phát triển phù hợp vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Mặc dù sự ra đi của Người để lại niềm tiếc thương vô hạn của nhân dân Xô viết và giai cấp vô sản trên thế giới, nhưng những gì Người để lại cho nhân loại tiến bộ là một kho tàng tư tưởng, lý luận đồ sộ, và trong kho tàng ấy phải kể đến Luận cương dân tộc và thuộc địa đã tác động mạnh mẽ đến tình cảm, tư tưởng, đường hướng cách mạng của chủ tịch Hồ Chí Minh. Đúng là như vậy, khi người mới bắt gặp Luận cương về dân tộc và thuộc địa của V.I.Lênin trong bối cảnh thật ngẫu nhiên nhưng nó trở thành tất yếu của lịch sử đã giúp người thanh niên Nguyễn Tất Thành đề ra được đường lối cứu nước trên cơ sở thực hiện được cả vấn đề giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp, giải phóng con người mà các bậc tiền bối trước đó, tiêu biểu như: Phan Bội Châu chủ trương thực hiện cuộc cải cách ở trong nước và đã chủ xướng phong trào Đông Du. Nhà chí sĩ Phan Chu Trinh theo phương châm “Pháp - Việt đề huề” để cải thiện dân sinh, tiến tới đòi lại quyền tự chủ cho dân tộc… đều không thành công. 

Trước hết, bằng sự cảm nhận của một người mẫn cảm với chính trị mà chỉ mới đọc Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin do những người bạn Pháp trao cho tờ báo Nhân đạo (L’Humanité) - Cơ quan ngôn luận của Đảng Xã hội Pháp, số ra ngày 16 và 17-7-1920 đăng sơ thảo lần thứ nhất, Người nói: “Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”. Từ đó tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba.”[1].

V.I.Lênin đề cập đến vấn đề dân tộc trong điều kiện chủ nghĩa tư bản đã chuyển sang giai đoạn đế quốc, Người cho rằng, vấn đề dân tộc là vấn đề mang tính quốc tế mà thực chất đó là vấn đề dân tộc thuộc địa. “Vấn đề dân tộc phải là nội dung quan trọng trong chiến lược, sách lược của các Đảng Cộng sản; phải kiên quyết đấu tranh chống lại mọi biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc tư sản, của chủ nghĩa sô vanh; phải tăng cường chủ nghĩa quốc tế vô sản. Các Đảng Cộng sản cần phải tăng cường quan tâm đến vấn đề dân tộc thuộc địa” [2]. 

Luận cương của V.I.Lênin nêu lên 5 tư tưởng chiến lược lớn: 

Một là, đặt vấn đề dân tộc đi đôi với vấn đề thuộc địa. Theo V.I.Lênin, quyền tự quyết của các dân tộc bao gồm quyền tự quyết của các dân tộc thuộc địa phải đi đến công nhận, thực hiện quyền độc lập tự chủ chứ không phải chỉ có tự trị văn hoá. Quyền độc lập tự chủ này không phải riêng cho các dân tộc da trắng, mà cho tất cả các dân tộc thuộc mọi màu da.

Hai là, chỉ rõ trách nhiệm trọng đại của các Đảng Cộng sản ở các nước đế quốc là phải ủng hộ, giúp đỡ một cách tích cực nhất đối với phong trào giải phóng của các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc.

Ba là, khẳng định các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc không những có nhiệm vụ giải phóng khỏi ách thống trị của nước ngoài, mà còn phải đấu tranh chống lại các lực lượng phản động ở ngay trong nước mình, những lực lượng đó thường là đồng minh của đế quốc thực dân. 

Bốn là, đề ra một nhiệm vụ lớn của cách mạng thế giới - sự đoàn kết chặt chẽ giữa phong trào giải phóng các dân tộc thuộc địa bị áp bức với các nước đã làm cách mạng xã hội chủ nghĩa thành công. 

Đây là bước phát triển, bổ sung cho quan điểm của C.Mác về lực lượng cách mạng không dừng lại ở quan điểm: “Giai cấp vô sản đoàn kết lại” mà ở cuối bản Luận cương, V.I.Lênin còn nêu rõ: để chiến thắng hoàn toàn chủ nghĩa tư bản, đảm bảo cho các dân tộc giành lại được độc lập, thì phải thực hiện sự liên minh, thống nhất của giai cấp vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới.

Năm là, Quốc tế III đóng vai trò bộ tham mưu chung của cách mạng thế giới. Nước Nga Xô viết là ngọn cờ đầu, là căn cứ địa, là thành trì của cách mạng thế giới.

Nguyễn Ái Quốc sớm nắm bắt được cốt lõi trong tư tưởng của V.I.Lênin, với tài năng trí tuệ kiệt xuất, có lối tư duy độc lập, tự chủ, nhất là qua hoạt động thực tiễn, từ đó giúp Người nhận thức rõ hơn lực lượng đấu tranh cách mạng đó là: Gắn kết phong trào công nhân với phong trào giải phóng dân tộc là vấn đề sống còn, là điều kiện tiên quyết trong sự nghiệp đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản. Điều này được thể hiện trong tác phẩm “Lênin và các dân tộc phương Đông” của Hồ Chí Minh đã viết năm 1924. Cũng từ sự ảnh hưởng to lớn của Luận cương về dân tộc và thuộc địa của V.I.Lênin, Hồ Chí Minh đã xác định nhiệm vụ, mục tiêu của cách mạng Việt Nam đó là: Mục tiêu Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội nhưng trước hết phải tập trung vào nhiệm vụ "dân tộc cách mệnh" "giành lấy quyền tự do bình đẳng của dân nước mình", để chuẩn bị những tiền đề cho cuộc cách mạng thứ hai (thế giới cách mệnh) về chính trị, tổ chức, kinh tế, văn hóa tức là “làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập”. Đây là cơ sở để giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội và giải phóng con người. Chỉ có độc lập tự do của đất nước mới đủ điều kiện để thực hiện quyền con người, quyền công dân.

Như vậy, Hồ Chí Minh đến với Luận cương dân tộc không dừng lại ở sự cảm nhận đơn thuần mà nó được truyền tải tới Người bằng cả khối óc và trái tim - Tình cảm đặc biệt dành cho Lênin, cho Quốc tế III – Quốc tế cộng sản – tổ chức vạch đường cho dân tộc thuộc địa tự giải phóng mình, trên cơ sở đoàn kết quốc tế” mà ngay trong phần đầu tác phẩm “Lênin và các dân tộc phương Đông” Hồ Chí Minh đã khẳng định: các dân tộc phương Đông đã coi Lênin là hiện thân của tình anh em bốn bể. 

31 năm sau khi V.I. Lênin qua đời, Bảo tàng Phòng làm việc và nơi ở của V.I. Lê-nin chính thức mở cửa. Người nước ngoài đầu tiên đến thăm Bảo tàng là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Hồ Chí Minh - Nguyễn Ái Quốc của những năm tháng sống và học tập, làm việc ở Liên Xô trước đây. Trên trang đầu của cuốn Sổ ghi cảm tưởng của Bảo tàng, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết:

“Lênin, người thày vĩ đại của cách mạng mạng vô sản. Cũng là một vị đạo đức rất cao, dạy chúng ta phải thực hiện cần kiệm, liêm, chính.

Tinh thần Lê-nin muôn đời bất diệt”. 

Thực hiện tư tưởng của Hồ Chí Minh, người học trò xuất sắc của V.I.Lênin, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn kiên trì mục tiêu: Độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội là nguyên tắc sống còn của cách mạng Việt Nam, tuy nhiên trong quá trình thực hiện có những lúc Đảng ta mắc sai lầm quá coi trọng vấn đề dân tộc hoặc vấn đề giai cấp, nhưng Đảng ta đã nhận ra, thẳng thắn tự phê bình và nghiêm túc sửa chữa, khắc phục có kết quả. Và qua mỗi vấp váp, sai lầm Đảng thêm trưởng thành.  Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, trước tình hình đại dịch Covid – 19 làm thế giới chao đảo, Việt Nam với lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, với tinh thần coi trọng sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết, Thủ tướng chính phủ kêu gọi “Chống dịch như chống giặc” với phương châm “Thần tốc”, tranh thủ từng giờ, từng phút chống dịch COVID-19. Điều này được nhiều báo quốc tế ca ngợi: Việt Nam đã phòng chống đại dịch COVID-19 bằng cách quản lý rất tỉ mỉ và có tổ chức, có sự chuẩn bị, thể hiện vai trò bảo vệ của Nhà nước đối với người dân và "chính quyền Việt Nam đã ngăn chặn virus SARS-CoV-2 theo cách rất nhân văn và áp dụng từng bước một" đã là quốc gia kiểm soát được dịch bệnh, không có ca tử vong. Đồng thời cũng phòng ngừa “trong dịch có giặc”: Đó là các thế lực thù địch và bọn cơ hội chính trị thường xuyên lợi dụng việc phòng chống dịch COVID-19 để chống phá cách mạng Việt Nam. Đó là những kẻ “nối giáo cho giặc”, là những người giấu bệnh, khai báo y tế không trung thực, chống và trốn cách ly, không chấp hành lệnh cấm tụ tập, tiếp xúc đông người… làm lây lan dịch bệnh. Đó là những kẻ lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ trục lợi, nâng giá, bắt chẹt người mua, sản xuất hàng giả buôn lậu hàng hóa y tế ra nước ngoài; lợi dụng dịch bệnh để phạm tội. Đó là những kẻ lợi dụng dịch bệnh để phao tin đồn nhảm, làm rối lòng quân, gây hoang mang trong dân gây ảnh hưởng xấu đến công tác phòng, chống dịch của Việt Nam…” 

Hơn lúc nào hết, chúng ta tiếp tục kiên trì mục tiêu mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta lựa chọn độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Mặc dù các lực lượng thù địch không ngừng tìm mọi cách phủ nhận nhưng sự thật là chân lý kiểm nghiệm Việt Nam gần 35 năm đổi mới đã đạt được thành tựu từ một nước nhược tiểu, đã vươn lên phát triển không ngừng. Chúng ta đã thoát nghèo thành công, trở thành một nước có thu nhập trung bình. Năm 2019, GDP đạt 7,02% thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu khu vực và trên thế giới. Kinh tế vĩ mô ổn định, quốc phòng được giữ vững, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Từ một đất nước 95% dân số mù chữ trước năm 1945, đến nay Việt Nam gần như xóa hẳn nạn mù chữ. Nền giáo dục Việt Nam được vinh danh trên thế giới với nhiều giải thưởng. Từ một đất nước đi đàm phán hòa bình, Việt Nam giờ đã trở thành một thành viên có trách nhiệm với hòa bình, trật tự thế giới. Quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế không ngừng mở rộng, chúng ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 187 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Thạc sỹ Phạm Thị Vân Anh

(Trưởng khoa Lý luận cơ sở, Trường Chính trị tỉnh)

Tài liệu tham khảo:

[1] V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Matxcova, 1978, tập 41, trang 199.

[2] V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Matxcova, 1977, tập 42, trang 343.

[3] V.I.Lênin. Toàn tập, t.41, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, tr.206.

[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, tập 10, trang 127.