Chủ nhật, 10/11/2024, 05:58[GMT+7]

Năm học mới ngẫm tư tưởng Hồ Chí Minh về xã hội học tập

Thứ 6, 07/09/2012 | 09:15:27
2,639 lượt xem
Tư tưởng về xã hội học tập của Hồ Chí Minh là một tài sản quý giá đối với mỗi người và đối với toàn xã hội, vận dụng sáng tạo tư tưởng giáo dục của Bác vào sự nghiệp đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục Nước nhà, chúng ta sẽ thành công.

Bác Hồ thăm lớp học vỡ lòng tại phố Hàng Than năm 1958. Ảnh tư liệu

.  Học để biết - Learning to know 

2. Học để làm - Learning to do

3. Học để chung sống - Learning together

4. Học để khảng định mình -Learning to be

Bốn mục tiêu này thể hiện tư duy mới của Unesco về giáo dục trong thế kỷ 21, khi cách mạng công nghệ đang bùng nổ trước xu thế toàn cầu hóa. Tuy nhiên, tinh thần của bốn mục tiêu đó ta có thể tìm thấy trong những bài viết, bài nói của Hồ Chí Minh về giáo dục. Tư tưởng Hồ Chí Minh về xã hội học tập là một tài sản quý, có tính chất phương pháp luận làm căn cứ cho quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục ở nước ta hiện nay.

Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng điển hình về tự học, tự làm và sáng tạo. Tư tưởng của Người cũng là cẩm nang thần kỳ cho mỗi người học. Bác căn dặn: “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn công tác lý luận với công tác thực tế. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày càng đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành cho kịp nhân dân”. Tư tưởng Hồ Chí Minh về xã hội học tập có thể khái quát thành những đặc trưng cơ bản như: Mọi người đều được học hành; học suốt đời; công nhân và nông dân phải trí thức hóa; dân tộc Việt Nam trở thành một dân tộc thông thái. Người nhấn mạnh thêm: môi trường tốt nhất cho toàn dân, cho xã hội học tập đó chính là phong trào thi đua yêu nước. Điểm nhấn trong phương pháp học tập của Người là: Học tập suốt đời. Để học tập có hiệu quả theo tư tưởng của Bác có thể tổng hợp thành những yếu tố cơ bản sau:

Một là, học đi đôi với tự học. Hồ Chí Minh khuyên: “Về cách học lấy tự học làm cốt”. Vai trò của tự học rất quan trọng, thầy không thể học thay trò, phụ huynh không thể học thay con em mình. Chỉ có phát huy cao độ tinh thần tự học của người học mới có thể mang lại hiệu quả cao.

Hai là, học phải hiểu. “Phải nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng”. “Đọc tài liệu thì phải đào sâu, hiểu kỹ không tin một cách mù quáng từng câu một trong sách...” . Học mà không nắm được bản chất vấn đề, không hiểu nội dung thì chỉ như con vẹt nói lại, nhắc lại những điều thầy nói, những điều sách vở viết. Không hiểu thì không có tri thức, không có tri thức thì không làm được việc. Thực tế hiện nay, nhiều em học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường không nắm vững chuyên môn nghiệp vụ, không khẳng định được mình trước đòi hỏi của công cuộc đổi mới đất nước và xu thế hội nhập.

Ba là, học trong sự hợp tác. Bác dạy: “Học lẫn nhau và học nhân dân”; “Đối với mọi vấn đề , thầy trò cùng nhau thảo luận, ai có ý kiến gì phải thật thà phát biểu”  . Học hợp tác, học tương tác giờ đang là một đòi hỏi cao đối với việc đổi mới phương pháp dạy và học ở tất cả các cấp học, bậc học. Học nhóm, làm việc theo nhóm là biểu hiện sinh động của Học hợp tác theo tư tưởng của Người. Đặc biệt trong xu thế toàn cầu hóa, hợp tác hóa như hiện nay kỹ năng hợp tác, kỹ năng cùng chung sống rất cần thiết cho mỗi người học và cho toàn xã hội. 

Bốn là, học để hành. Hồ Chí Minh dạy: “Học để hành. Hành để học. Học với hành phải đi đôi. Học mà không hành thì vô ích. Hành mà không học thì không trôi chảy” . Nếu chỉ học lý luận mà không học thực hành thì chỉ là cách học kinh viện sách vở. Chúng ta đang cố gắng đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thì việc đào tạo nghề, đào tạo đội ngũ người lao động có tay nghề cao là rất cần thiể. Vì lẽ đó, học cần gắn với hành. Mô hình những trường học thực nghiệm hiện nay đã và đang gặt hái được những thành công lớn trong dạy và học. 

Năm là, học để cống hiến. “Học để phụng sự Tổ Quốc, phụng sự nhân dân, làm cho dân giàu nước mạnh”. Có không ít kẻ học để phá hoại, để chống đối nhân dân, để phá hoại Đất nước. Tệ quan liêu tham nhũng hiện nay, theo tư tưởng của Hồ Chí Minh đều có chung một cái gốc đó là: Chủ nghĩa cá nhân. Muốn có được những con người thực sự hết mình về Tổ Quốc, vì nhân dân thì cần coi trọng cái gốc trồng người. Cụ thể theo tư tưởng của bác đó chính là: Học để làm người. Tiên học Lễ - hậu học văn. 

Hồ Chí Minh còn căn dặn cụ thể đối với từng cấp học, bậc học:

“Đại học thì cần kết hợp lý luận khoa học với thực hành, ra sức học tập lý luận và khoa học tiên tiến của các nước, kết hợp với thực tiễn của nước ta, để thực hiện giúp ích cho công cuộc nước nhà” . 

“Trung học thì cần đảm bảo cho học trò những tri thức phổ thông chắc chắn, thiết thực với nhu cầu và tiền đồ xây dựng nước nhà, bỏ những phần nào không thực tế cho đời sống”. 

Với bậc tiểu học Bác căn dặn cặn kẽ hơn: “Tiểu học thì cần dạy các cháu thiếu nhi: Yêu Tổ Quốc – yêu đồng bào, yêu lao động, yêu khoa học, trọng của công. Cách dạy phải nhẹ nhàng, và vui vẻ tránh gò ép thiếu nhi vào khuôn khổ người lớn. Phải đặc biệt chú ý giữ gìn sức khỏe của các cháu. Tôi cũng mong gia đình liên hệ chặt chẽ với nhà trường, giúp nhà trường giáo dục và khuyến khích con em chăm chỉ học tập, sinh hoạt lành mạnh và hang hái giúp ích nhân dân” .

Tư tưởng về xã hội học tập của Hồ Chí Minh là một tài sản quý giá đối với mỗi người và đối với toàn xã hội, vận dụng sáng tạo tư tưởng giáo dục của Bác vào sự nghiệp đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục Nước nhà tôi tin chúng ta sẽ thành công

Theo gdtd.vn

  • Từ khóa