Chủ nhật, 10/11/2024, 06:00[GMT+7]

Cao tuổi đâu phải đã già

Thứ 6, 28/09/2012 | 10:28:16
1,637 lượt xem
Dù đã lên chức bà, tham gia sinh hoạt Hội Người cao tuổi của xã An Thanh (Quỳnh Phụ) gần chục năm rồi nhưng bà Đào Thị Tái, thôn Thanh Mai vẫn là người phụ nữ hoạt bát, năng động, xông xáo.

Bà Đào Thị Tái (mặc áo đen) biểu diễn văn nghệ chào mừng Đại hội Hội NCT xã An Thanh

Theo Pháp lệnh Người cao tuổi thì người đủ 60 tuổi trở lên là người cao tuổi (NCT), theo các văn bản hướng dẫn trong Luật Hình sự thì 70 tuổi trở lên được gọi là người già. Người xưa có câu: NCT là có tuổi cao, người già là NCT, sức khỏe yếu, không làm được gì nữa. Thái Bình hiện có trên 268 nghìn NCT (chiếm khoảng 14% dân số toàn tỉnh), hội viên NCT là gần 250 nghìn người, trong đó: số hội viên từ 70 tuổi trở lên là trên 127 nghìn người. 92.000 NCT còn trực tiếp tham gia lao động sản xuất, nhiều người trở thành điển hình trong phong trào làm kinh tế giỏi, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng nông thôn mới tại địa phương, trong đó 1500 NCT là chủ trang trại, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh. Các cụ đã và đang khẳng định cho mọi người thấy rằng: cao tuổi đâu phải đã già.

Dù đã lên chức bà, tham gia sinh hoạt Hội Người cao tuổi của xã An Thanh (Quỳnh Phụ) gần chục năm rồi nhưng bà Đào Thị Tái, thôn Thanh Mai vẫn là người phụ nữ hoạt bát, năng động, xông xáo. Dưới sự chỉ đạo của bà, cơ sở sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng của gia đình  trực thuộc Công ty vận tải Xuân Bắc ngày càng “ăn ra, làm nên”, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho các thành viên trong gia đình cùng 6 công nhân, với mức lương 5 triệu đồng/người/tháng. Bà đã quản lý tốt đội tàu hút cát và công việc san lấp mặt bằng, đem về nguồn thu lớn cho gia đình, mặc dù đó là những công việc nặng nhọc, hợp với nam giới hơn nữ giới. Mỗi năm, bà thu về hàng tỷ đồng. Mới đây bà đã đầu tư nâng trọng tải của tàu từ 200 tấn lên 600 tấn để đáp ứng nhu cầu khai thác cát cho san lấp mặt bằng của người dân trong và ngoài xã. Không chỉ làm kinh tế giỏi, bà Đào Thị Tái còn đảm nhận cương vị Chi trưởng Chi hội NCT thôn Thanh Mai, đội trưởng đội tế, đội phó đội quy ở chùa, chủ nhiệm câu lạc bộ dưỡng sinh… công việc nào bà cũng hoàn thành xuất sắc và được cấp trên khen thưởng. Không buổi biểu diễn văn nghệ nào của thôn, của xã nhân các dịp lễ, tết, hội nghị … vắng diễn viên không chuyên Đào Thị Tái, thậm trí bà còn vận động cả chồng con tham gia hát giao duyên cùng mình. Bà đã bỏ ra gần 20 triệu đồng làm sân cầu lông cho hội viên đến cùng đánh để rèn sức khỏe, mua bộ đàn nhị phục vụ đội văn nghệ  NCT của xã tập luyện. Bà còn là người đi đầu trong phong trào làm từ thiện, thường xuyên giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, các cháu mồ côi, người già cô đơn về tiền và vật liệu xây dựng.

Đang say xưa nghe bà Tái hát giao duyên chợt ông Chủ tịch Hội NCT xã quay sang hỏi tôi: Cháu nhìn bà Tái xem bà ấy đã già chưa? Bà Tái ngừng hát, cười bảo: tôi chỉ cao tuổi thôi chứ chưa già, vì nếu tôi già tôi sẽ không thể múa hát phục vụ mọi người hay tham gia đánh cầu lông, làm công tác xã hội, đặc biệt là không thể đưa việc kinh doanh của gia đình phát đạt như hiện nay. Bà nói quả rất có lý.

Ở cái tuổi 78, ông Ngọc Tiến Ngà, xã Thụy Liên (Thái Thụy) thấy loa phát thanh xã kêu gọi nhân dân tham gia lao động xã hội chủ nghĩa đào đắp kênh mương, bờ vùng, bờ thửa, ông cũng vác cuốc, xẻng nhanh chân ra đồng. Mình ông tham gia đào đắp mấy chục ngày công. Để góp phần tạo nên diện mạo nông thôn mới tại địa phương, ông còn vận động con cháu chấp hành chủ trương của cấp ủy, chính quyền, thực hiện dồn điền đổi thửa, hiến đất làm đường, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư…

Còn rất nhiều NCT, có người đã hơn 70 vẫn hăng say lao động, sản xuất, kinh doanh làm giàu cho mình, cho gia đình và xã hội, trở thành những gương mặt tiêu biểu không chỉ trong làm kinh tế mà còn trong công tác khuyến học, khuyến tài, làm từ thiện, xây dựng nông thôn mới…, như: Nghệ nhân Trần Văn Sen, Tổng giám đốc Công ty Bia Đại Việt, năm nay đã hơn 70 tuổi, nhưng ông vẫn đưa công ty phát triển lớn mạnh không ngừng, sản phẩm xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, doanh thu hàng năm lến tới trên 3000 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước hàng trăm tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động. Mỗi năm ông đều dành thời gian, tiền của để làm từ thiện, giúp đỡ những người khó khăn. Ông đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân Chương Lao động hạng Ba, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, “Bàn tay vàng”, Cúp Thánh Gióng… Ông Phạm Đình Khiếu, xã Hồng Phong (Vũ Thư) chủ trang trại nuôi cá sấu, ba ba, ong và hươu, tạo việc làm cho 30 lao động, doanh thu mỗi năm từ 200 - 300 triệu đồng. Hay bà Trần Thị Nhật, thôn Thị An, Thị trấn Hưng Nhân (Hưng Hà) chủ doanh nghiệp đồ gỗ mỹ nghệ, với 50 lao động, đạt doanh thu 200 triệu đồng/năm. Ông Hoàng Công Vườn (Quỳnh Phụ), từ hai bàn tay trắng, mạnh dạn đầu tư xây dựng thành công trang trại nuôi gà, cho thu nhập mỗi năm 300 - 400 triệu đồng. Mô hình nuôi gà trên cát của ông Vườn đang được nhiều bà con học tập, làm theo…

            Đi đến bất cứ nơi nào trong tỉnh cũng dễ dàng bắt gặp những hội viên NCT đang ra sức phát huy tinh thần “Tuổi cao, chí càng cao” trên mọi lĩnh vực của đời sống, tranh thủ lúc còn khỏe cố gắng tham gia lao động, sản xuất, kinh doanh… làm giàu, để tiếp tục góp phần xây dựng quê hương, đất nước đẹp giàu và cũng là để không trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội.

Bài, ảnh: Đỗ Hiền

  • Từ khóa