Chủ nhật, 24/11/2024, 08:56[GMT+7]

Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về nông dân vào thực tiễn cách mạng Việt Nam

Thứ 3, 08/12/2020 | 08:13:22
9,535 lượt xem

Nông dân xã Ái Quốc, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương báo cáo kết quả sản xuất với Chủ tịch Hồ Chí Minh (ngày 31/5/1957). Ảnh tư liệu

Nắm vững quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về giai cấp nông dân, xuất phát từ tình hình đặc điểm xã hội Việt Nam và yêu cầu của cách mạng Việt Nam trong từng thời kỳ cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của giai cấp nông dân trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Ngay trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng (2/1930) đã xác định phải “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới chủ nghĩa cộng sản”. Để thực hiện được mục tiêu đó trước hết phải “xây dựng Chính phủ công nông binh” và “thâu hết ruộng đất của đế quốc chủ nghĩa làm của công chia cho dân nghèo”, “bỏ sưu thuế cho dân cày nghèo”. Như vậy, trong cách mạng giải phóng dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định vấn đề nông dân và ruộng đất là một trong những vấn đề cốt lõi của cách mạng. Sự nghiệp giải phóng dân tộc chỉ có thể thắng lợi hoàn toàn khi giải quyết được vấn đề nông dân và ruộng đất.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam xem xét vấn đề nông dân một cách toàn diện, nghĩa là không dừng lại ở vấn đề chính trị mà gắn liền với vấn đề kinh tế, vấn đề ruộng đất và kinh tế nông nghiệp. Từ thực tiễn cách mạng Việt Nam, khi xem xét về mặt chính trị của vấn đề nông dân là cơ sở để xây dựng khối liên minh công nông và trí thức, cơ sở để xây dựng mặt trận dân tộc thống nhất trong kháng chiến chống Pháp. Sau khi giành được độc lập dân tộc, liên minh công nông trí thức là nền tảng của chính quyền, là công cụ sắc bén trong công cuộc xây dựng và bảo vệ chủ nghĩa xã hội.

Thực tiễn khi đất nước được hoàn toàn thống nhất, Đảng, Nhà nước lãnh đạo toàn dân khôi phục kinh tế sau chiến tranh. Nông nghiệp, nông thôn và nông dân vẫn là 3 nhân tố góp phần quan trọng đưa đất nước thoát khỏi cơn khủng hoảng kinh tế - xã hội những năm đầu thập niên 80 để đổi mới đất nước. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986), Đảng ta khởi xướng đường lối đổi mới toàn diện, trước hết là đổi mới tư duy kinh tế, đưa nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất lớn, đẩy mạnh thực hiện 3 chương trình mục tiêu về lương thực - thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu, trong đó chương trình lương thực - thực phẩm là quan trọng nhất nhằm đảm bảo lương thực cho xã hội và có dự trữ một phần. Từ những năm đầu thập niên 90, sản phẩm nông nghiệp nước ta dần dần chiếm lĩnh và khẳng định được vị trí trên thị trường quốc tế.

Trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, với Nghị quyết 10 (ngày 5/4/1988) của Bộ Chính trị về chuyển đổi cơ chế quản lý nông nghiệp đã giao lại quyền tự chủ sản xuất, kinh doanh cho người nông dân, đảm bảo lợi ích chính đáng và thúc đẩy người nông dân hăng hái tăng gia sản xuất để ích nước, lợi nhà. Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị cũng đã mở đầu cho sự phát triển ngoạn mục của nông nghiệp, nông thôn nước ta. Đây chính là sự vận dụng sáng tạo những luận điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề nông dân vào hoàn cảnh thực tiễn Việt Nam, có tính đến xu hướng phát triển của thời đại.

Quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX đã chỉ rõ: “Đối với giai cấp nông dân... tập trung sự chỉ đạo và các nguồn lực cần thiết cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, phát triển nông thôn; thực hiện tốt các chính sách về ruộng đất, phát triển nông nghiệp toàn diện, tiêu thụ nông sản hàng hóa, bảo hiểm sản xuất và bảo hiểm xã hội; phát huy lợi thế từng vùng, giúp đỡ vùng khó khăn; phân bố dân cư theo quy hoạch, phát triển ngành nghề, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống, nâng cao dân trí, xây dựng nông thôn mới”.

Tại hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Đảng ta đã ra Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó khẳng định: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc phòng, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước. Những điểm căn cốt của Nghị quyết Trung ương 7 khóa X đánh dấu sự đổi mới quan trọng trong nhận thức, tư duy của Đảng về vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Đảng ta tiếp tục chỉ đạo cần tăng nhanh sản lượng và kim ngạch xuất khẩu nông sản, nâng cao thu nhập và đời sống nông dân; khuyến khích tập trung ruộng đất; phát triển trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp phù hợp về quy mô và điều kiện của từng vùng; đổi mới cơ bản phương thức tổ chức kinh doanh nông sản, trước hết là kinh doanh lúa gạo; bảo đảm phân phối lợi ích hợp lý trong từng công đoạn từ sản xuất đến tiêu dùng; đẩy nhanh áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ hiện đại trong sản xuất; hỗ trợ phát triển các khu nông nghiệp công nghệ cao... Triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới phù hợp với đặc điểm từng vùng theo các bước đi cụ thể, vững chắc trong từng giai đoạn; giữ gìn và phát huy những nét văn hóa đặc sắc của nông thôn Việt Nam. Đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Tạo môi trường thuận lợi để khai thác khả năng đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn, nhất là đầu tư của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thu hút nhiều lao động.

Sau hơn 30 năm đổi mới, thực hiện tư tưởng cũng như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với nông dân gắn liền với phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, tại Đại hội lần thứ XII, Đảng ta khẳng định, công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn có chuyển biến; nông nghiệp phát triển toàn diện hơn... Xây dựng nông thôn mới có nhiều tiến bộ. Yêu cầu trong giai đoạn này là cần phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh xuất khẩu. Đẩy nhanh cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp sinh thái phát triển toàn diện, thúc đẩy ứng dụng sâu rộng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào sản xuất, quản lý nông nghiệp và đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nông dân, gắn với phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới đã được Đảng và Nhà nước ta quán triệt, vận dụng trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đặc biệt, trong thời kỳ đổi mới, tư tưởng, chủ trương, đường lối, chính sách đó đã trở thành “kim chỉ nam” để Đảng ta xây dựng đường lối chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nói chung, trong đó có vấn đề nông dân, nông nghiệp và nông thôn.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy