Chủ nhật, 24/11/2024, 08:53[GMT+7]

Bác Hồ với nông dân

Thứ 2, 14/12/2020 | 10:36:32
11,149 lượt xem
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến phong trào cách mạng của các địa phương, trong đó có tỉnh Thái Bình. Bác dành cho nhân dân Thái Bình, nhất là giai cấp nông dân tình yêu thương vô bờ bến và những lời căn dặn ân cần. Nhớ ơn Bác, nông dân Thái Bình một lòng đi theo Đảng, vượt mọi khó khăn, thử thách, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Niềm vui được mùa.

Sinh ra từ một làng quê nghèo nên Bác rất thấu hiểu cuộc sống của người nông dân. Bác đã dành cả cuộc đời đấu tranh không mệt mỏi vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân; trước hết là đánh đổ ách thống trị của thực dân, phong kiến, đưa dân tộc ta thoát khỏi kiếp nô lệ lầm than, đem lại cơm no, áo mặc cho nhân dân mà đại bộ phận là nông dân. Đối với nông dân Thái Bình, hình ảnh Bác Hồ in đậm trong tâm trí mọi người. Từ năm 1946 đến ngày Bác đi xa, dù bận bao công việc nhưng đã 5 lần Người về thăm Thái Bình. Đi đến đâu Bác cũng gần gũi, thăm hỏi đời sống, sản xuất của nhân dân, động viên nông dân thi đua sản xuất nâng cao đời sống, phục vụ kháng chiến kiến quốc. 

Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Phạm Ngọc Đáp, nguyên Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh tâm sự: Cuộc đời tôi vinh dự nhiều lần được gặp Bác Hồ. Sau lần Người về thăm Thái Bình lần thứ hai năm 1946, khắc ghi lời Bác dặn, bà con nông dân toàn tỉnh thi đua đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược quan trọng là kháng chiến và kiến quốc. Hơn một triệu nông dân Thái Bình trước đây thường xuyên đói rách thì sau hòa bình lập lại đã tạm đủ ăn, đủ mặc và có điều kiện học hành. Mỗi người nông dân khi có cơm ăn, áo mặc đều nhớ tới “Bát cơm Cụ Hồ”, “Tấm áo Cụ Hồ”. Trong cải cách ruộng đất, cắm thẻ nhận ruộng, người nông dân cũng gọi là “Ruộng Cụ Hồ”. Những năm sau đó, phong trào thi đua làm ruộng có năng suất cao được phát động rộng rãi, mạnh mẽ và liên tục. Nhờ sức người, vụ mùa năm 1958 bội thu, Thái Bình vinh dự được đón Bác Hồ về thăm lần thứ ba. Bác khuyên nông dân làm ruộng có năng suất lúa và hoa màu cao, nông dân chung sức chung lòng đi theo con đường làm ăn tập thể để ngày một ấm no, nông thôn thêm giàu mạnh. 

Những lời Bác dạy đã biến thành sức mạnh trên đồng ruộng, thôi thúc bà con nông dân thi đua lao động sản xuất để đưa Thái Bình trở thành tỉnh đầu tiên của miền Bắc đạt năng suất 5 tấn thóc/ha năm 1966. Bà Đỗ Thị Xoa (xã Hiệp Hòa, huyện Vũ Thư), nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Thư Trì, nay là huyện Vũ Thư kể lại: Bất kỳ ai cũng cảm nhận được những tình cảm rất đặc biệt Bác dành cho Đảng bộ và nhân dân Thái Bình. Người về động viên, chia sẻ với bà con nông dân “một nắng hai sương” khi nghe tin đê vỡ, nước ngập trắng đồng. Người về chung niềm náo nức của tỉnh trong phong trào khai hoang lấn biển mở rộng diện tích đất canh tác và toàn tỉnh đạt thành tích cao trong sản xuất. Trong tôi giờ vẫn vẹn nguyên ký ức hân hoan cùng với nhân dân được đón Bác tại đình Phương Cáp, xã Hiệp Hòa khi tỉnh Thái Bình đạt năng suất 5 tấn thóc/ha. Mỗi người dân Thái Bình đều khắc ghi trong tim lời căn dặn của Bác: “Bác mong các đồng chí và đồng bào đều cố gắng hơn nữa để làm cho Thái Bình trở thành một tỉnh gương mẫu về mọi mặt”. 

Đã hơn 50 năm từ ngày Bác đi xa nhưng những tình cảm sâu nặng, những lời dạy bảo ân cần và mong muốn của Bác vẫn luôn khắc ghi trong tâm trí mỗi người nông dân Thái Bình; trở thành động lực tinh thần to lớn, thôi thúc họ vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị trong các giai đoạn, thời kỳ cách mạng. Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Mận, xã Vũ Vân, huyện Vũ Thư kể lại: Đội thủy lợi Quang Trung của chúng tôi vô cùng tự hào khi được nhận thư khen của Bác Hồ. Vinh dự này đã tiếp thêm sức mạnh cho tất cả các thành viên trong Đội nỗ lực thi đua trên khắp các công trình thủy lợi của tỉnh, đưa dòng nước ngọt góp phần làm nên những cánh đồng 5 tấn rồi 7 tấn thóc/ha, góp phần đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Trong 3 năm 1967 - 1969, Đội thủy lợi Quang Trung luôn là lá cờ đầu của tỉnh, dẫn đầu toàn miền Bắc về năng suất, khối lượng làm thủy lợi, được Bác Hồ tặng cờ thi đua. 

Khắc ghi lời Bác dạy, những năm qua, nông dân Thái Bình ra sức thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu chính đáng. Cũng nhờ sự nỗ lực, tinh thần thi đua lao động sáng tạo của người nông dân, đến nay năng suất lúa của Thái Bình đạt trên 13 tấn/ha. Mỗi năm Thái Bình sản xuất trên 1 triệu tấn lương thực, không chỉ bảo đảm an ninh lương thực trong tỉnh mà còn tạo ra một lượng lớn sản phẩm hàng hóa phục vụ xuất khẩu. Bà con nông dân đã thay đổi cung cách làm ăn, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, đồng thời tích tụ ruộng đất, đưa sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, công nghệ cao. Đến nay, tỷ lệ cơ giới hóa toàn tỉnh đạt 100% khâu làm đất, 80% khâu thu hoạch đã giúp người nông dân giải phóng sức lao động. Thái Bình hiện có 13.998ha (gấp 1,3 lần năm 2015) diện tích sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn và cánh đồng có liên kết; diện tích cánh đồng có hợp đồng bao tiêu sản phẩm ngay từ đầu vụ là 9.723ha, gấp 1,4 lần năm 2015. Nhiều nông dân Thái Bình đã trở thành những ông chủ trên các cánh đồng, làm chủ các gia trại, trang trại chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, mỗi năm thu nhập từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng. Nông dân Thái Bình không chỉ giữ vai trò chủ đạo trong sản xuất nông nghiệp mà còn phát huy vai trò chủ thể hiến đất, góp công, góp của xây dựng nông thôn mới, góp phần làm thay đổi căn bản kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và cảnh quan, môi trường nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại. Hiện tỉnh đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị Chính phủ công nhận tỉnh Thái Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. 

Người nông dân Thái Bình giờ đây không còn lam lũ như xưa nữa. Đời sống của họ ngày càng no ấm, đủ đầy, con em họ được học hành đầy đủ. Trong niềm vui lớn ấy, chúng ta càng nhớ đến Bác Hồ kính yêu - vị lãnh tụ vĩ đại của Đảng và của dân tộc ta với lòng biết ơn vô hạn, Người suốt đời quan tâm đến nông dân, nông thôn Việt Nam. Bác Hồ sống mãi trong lòng dân tộc, hình ảnh của Bác mãi ở trong tim những người nông dân Thái Bình cần cù, chất phác, thủy chung.

Mạnh Cường