Chủ nhật, 24/11/2024, 03:04[GMT+7]

Bác về Thái Bình lần cuối

Thứ 6, 31/12/2021 | 08:17:52
8,069 lượt xem
Năm 1966, vào một buổi sáng mùa đông tiết trời chưa rét lắm, tôi về công tác ở Hợp tác xã Tân Phong. Thời điểm ấy đang giữa thời vụ thu mùa làm chiêm, làm đê điều thủy lợi, lại phải lo công tác phòng không chiến đấu, trật tự trị an. Chiến tranh phá hoại của địch ngày càng gay gắt.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với đại biểu cán bộ, đảng viên xã Hiệp Hòa, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình khi Người về thăm và chúc Tết đồng bào, ngày 1/1/1967. Ảnh tư liệu

Ở hội trường Hợp tác xã Tân Phong, trong lúc tôi đang say sưa báo cáo kinh nghiệm làm lúa xuân với cán bộ các xã trong tỉnh thì anh Nguyễn, Trưởng Ty Công an đến gặp tôi và nói: “Anh Linh trên Bộ Công an về gặp”. Sợ mất việc, tôi trả lời: “Tôi đang bận, anh cứ làm việc với anh ấy đi”. Anh Nguyễn cầm tay tôi khẩn khoản: “Anh ấy ở chỗ anh Kỳ về, cần gặp anh cơ mà”. Nghe nói anh Linh ở chỗ anh Kỳ (chỗ Bác) về, biết là có việc quan trọng, tôi dặn anh Nguyễn: “Thế thì anh cho đợi một tiếng nữa, nói chuyện với anh em xong, tôi sẽ gặp anh ấy nhé”.

Lớp học hôm ấy nghỉ sớm nửa giờ. Tôi mời anh Linh lên xe cùng về thôn Đại Đồng, chỗ tôi ở. Anh Nguyễn nói nhỏ với tôi: “Bác về”. Tôi rất ngạc nhiên, Bác già, thời chiến, đường sá đi lại khó khăn... làm gì có chuyện ấy.

Ngồi trên xe, nhớ lại lần Bác về thăm tỉnh Thái Bình năm 1958, chúng tôi chưa có kinh nghiệm, tổ chức cuộc mít tinh chưa được chu đáo, Bác không bằng lòng. Từ đó, chúng tôi không dám nghĩ đến chuyện mời Bác về nữa. Nào ngờ, năm 1962, một hôm đồng chí Khai, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng báo với tôi: “Bác muốn về Thái Bình thăm Nam Cường và Đông Lâm (Tiền Hải)”. Tôi báo cáo là phong trào Nam Cường chưa có gì nổi. Đồng chí Khai nói: “Bác bảo, Bác biết rồi nhưng Bác muốn về thăm xem hợp tác xã làm ăn thế nào, chứ bà con ta vừa mới quai đê lấn biển thì đã có gì sao được”. Nhưng năm ấy còn hòa bình, Bác còn khỏe và Bác đi lại bằng máy bay trực thăng, chứ năm nay, chiến tranh gay gắt thế này, làm sao có chuyện Bác về thăm tỉnh Thái Bình được!

Khi về đến cơ quan, anh Linh nói với tôi: “Bác muốn về thăm Thái Bình, nhưng đây mới còn là dự kiến thôi, vậy mai mời anh lên gặp anh Kỳ”. Tôi phấn khởi quá nhưng cứ phấp phỏng.

Sáng hôm sau (30/12/1966), tôi và anh Nguyễn đi Hà Nội. Tới nơi, tôi gọi dây nói cho anh Kỳ. Anh mời tôi vào ngay. Thấy anh Nguyễn cùng vào, anh Kỳ nói nửa đùa nửa thật: Đồng chí Trưởng ty vào ngồi chỗ khuất này, kẻo Bác trông thấy thì khó đấy. Bác không muốn các đồng chí mất nhiều thì giờ của cán bộ và nhân dân đâu. Tôi lo Bác không về nên đành để anh Nguyễn ngồi ở nhà ngoài, rồi hai chúng tôi vào nhà trong gặp Bác. Gian phòng nhà trong không rộng lắm, có kê một bộ bàn ghế tre. Tôi được gặp Bác mấy lần, lần nào Bác cũng ở nhà ngoài. Nay vào nhà trong, lại chưa thấy Bác, nên tuy có bàn ghế mà tôi vẫn không dám ngồi. Tôi đang băn khoăn thì Bác mở cửa bước vào. Tôi chào Bác, Bác gật đầu và đứng cùng chúng tôi, Bác hỏi:
- Hợp tác xã Tân Phong năm nay đạt 7 tấn rưỡi có đúng không?
- Thưa Bác đúng ạ!
Bác lại hỏi:
- Từ đây về Tân Phong đi xe thường phải mất mấy tiếng?
Tôi trả lời:
- Thưa Bác, đi lối Nam Định mất 3 tiếng, đi lối Hưng Yên thì mất hơn 3 tiếng ạ.
Bác nói:
- Bác muốn về thăm Thái Bình, thăm Tân Phong, nhưng trong thời chiến, Bác chỉ gặp cán bộ trong một cuộc họp độ năm chục người thôi.

Biết chắc là nay mai Bác về Thái Bình rồi, tôi mừng quá luống cuống không nhớ Bác nói những gì thêm nữa. Chợt nhớ Thái Bình có 13 huyện, thị, tôi tính mỗi địa phương cử 5 đồng chí cộng với một số đại biểu các ngành ở tỉnh, nên tôi xin Bác cho họp bảy chục người. Ngần ngại một lát nhưng rồi Bác cũng đồng ý, Bác dặn tôi phải giữ bí mật và trước khi vào nhà trong Bác còn quay lại hỏi anh Kỳ: “Chú ấy ở tỉnh lên, chú có gì chiêu đãi không?”. Anh Kỳ nói: “Thưa Bác, anh ấy đã ở nhà khách của Trung ương rồi đấy ạ”. Bác gật đầu tỏ ý bằng lòng rồi Bác vào nhà trong.

Sau đó, tôi cùng anh Kỳ, anh Nguyễn hội ý chương trình. Anh Kỳ cho biết, trong thời chiến, Trung ương không muốn để Bác đi xa, nhưng sau thấy Bác quyết tâm về thăm Thái Bình, tỉnh 5 tấn, nên Trung ương không dám can Bác nữa. Anh Kỳ bảo tôi báo cáo tình hình phong trào Thái Bình để anh chuẩn bị đề cương cho Bác nói chuyện với cán bộ. Và anh còn dặn thêm: “Khi Bác về, phải bảo đảm an toàn; không được triệu tập đông người và nếu để công an, bộ đội rải ở dọc đường thì Bác không bằng lòng đâu. Còn vấn đề ăn uống của Bác, trên này chúng tôi lo. Bác không cho phép địa phương bày ra ăn uống tốn kém đâu. Năm ngoái, Bác về tỉnh X, anh em bày ăn uống. Khi Bác biết chuyện này, Bác bảo: “Các chú làm thế này thì lần sau dân không ai mong Bác về nữa!”. Vì vội quá, tôi khất với anh Kỳ là về nhà sẽ gửi báo cáo cho anh. Nhưng mãi đến 3 giờ chiều hôm ấy mới về đến nhà mà ngày mai phải đón Bác rồi nên tôi chỉ kịp nhắc văn phòng triệu tập hội nghị đặc biệt và cử người đi Tân Phong chuẩn bị địa điểm; mặt khác, nhắc công an giữ trật tự cho tốt, đồng thời thu dọn nhà cửa chỗ tôi ở để đón Bác về.

Đúng 4 giờ ngày 31/12, tôi sang huyện Tiên Hưng, họp Thường vụ Tỉnh ủy, báo cáo về việc Bác về. Tôi và nữ đồng chí Định được phân công ra bến phà Triều Dương đón Bác. Chúng tôi đến Triều Dương thì trời vừa nhá nhem tối. Đồng chí bảo vệ đã đến đây từ trước. Gặp tôi, đồng chí nói nhỏ: “Bác đã đến, đang đi sau”. Xe của Bác sang phà rất bí mật nên anh em chở phà không ai biết. Đồng chí bảo vệ báo cáo với Bác: Có đồng chí Bí thư và đồng chí Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình đến đón Bác. Bác khẽ gọi tôi lên xe cùng ngồi. Trong xe không bật đèn, tôi không trông rõ Bác nhưng nghe giọng nói hơi khàn khàn của Bác tôi cảm thấy Bác yếu hơn mấy năm trước.

Xe chạy thẳng đường 39 tới đò Cống Vực để qua sông Trà Lý sang đất Thư Trì. Chị Định vẫn đi xe sau. Khi dừng xe, Bác hỏi: “Lúc nãy cô nào ra đón Bác nữa kia mà”. Tôi gọi chị Định tới chào Bác, Bác vui vẻ hỏi: “Các cô, các chú đã ăn cơm chưa?”. Chúng tôi trả lời: “Thưa Bác chưa ạ”. Bác nói: “Bác cũng chưa ăn, nhưng Bác và các đồng chí đây đã có cơm rồi. Riêng đồng chí Hoàng Anh là Bộ trưởng Nông nghiệp thì các cô, các chú ở tỉnh phải chiêu đãi”. Anh Kỳ nói: “Thưa Bác ở nhà đã chuẩn bị rồi”. Bác lại đùa: “Không nguyên tắc đâu đấy nhé”. Thấy Bác tuy đã già, đường xa, đi mệt nhưng vẫn vui chúng tôi rất phấn khởi.

Nghĩ đến việc đưa Bác qua sông lần ấy, nay chúng tôi vẫn áy náy. Bởi vì lúc chiều, khi sang sông đi đón Bác tuy nước lớn nhưng tôi đi bằng con thuyền nhỏ ở bến phà nên vừa gọn vừa nhanh. Nhưng khi Bác về vì muốn cẩn thận hơn nên các đồng chí bảo vệ mời Bác sang sông bằng ca nô và không sang ở bến phà mà lui xuống quãng sông dưới. Nhìn sườn đê hơi dốc, tôi nghĩ đến sức khỏe của Bác, tôi hơi ngần ngại nhưng cũng phải theo ý các đồng chí. Chẳng ngờ, khi sang sông thì nước cạn, ca nô không vào sát được bờ. Bác hỏi tôi: “Bây giờ mà báo động thì nhảy xuống sông à?”. Tôi đang luống cuống thì đã thấy mấy chục người xách đèn đuốc kéo xuống bãi sông, họ buộc dây cáp vào ca nô vừa hò vừa kéo nhưng ca nô không sao vào được. Tôi biết trong thời chiến Bác không muốn tập trung nhiều người mà ở đây lại kéo ra đông thế này và đã gần nửa tiếng rồi mà vẫn chưa xong việc. Tôi rất lo, tuy trời rét mà tôi vẫn mồ hôi gần như ướt áo. Vì trời tối nên tôi lúc đó không rõ Bác khó chịu như thế nào, nhưng hình như Bác cảm thấy sự lo lắng của tôi thì phải. Bác ôn tồn bảo tôi: “Để yên cho anh em người ta làm, đừng rối lên làm cho họ luống cuống”. Nghe Bác nói vậy, tôi thấy nhẹ hẳn người. Mãi sau anh em phải đem thuyền con ra chở, chúng tôi mới vào được bờ. Khi lên ô tô, tôi nói với Bác: “Thưa Bác, lúc chiều cháu qua sông bằng thuyền nan nên đi rất nhanh, lúc về anh em lại thay bằng ca nô, gặp lúc nước xuống nên mới không vào được”. Không thấy Bác nói gì, tôi tưởng Bác chưa nghe rõ nên một lúc sau tôi lại nhắc lại. Biết tôi muốn thanh minh, Bác bảo: “Nói một lần đủ nghe thì thôi, không cần phải nhắc đi nhắc lại nữa”.

Phải nói thêm một chi tiết về tình cảm của đồng chí lái ca nô đối với Bác. Bác xuống ca nô, tôi đưa Bác vào chỗ buồng lái. Để giữ bí mật, Bác đứng khuất sau tôi. Khi khách đã xuống hết, đáng lẽ phải mở máy cho ca nô sang sông thì đồng chí ấy lại ngồi sụp xuống góc buồng lái. Tưởng máy bị hỏng, tôi hơi khó chịu, nhưng khi tôi hỏi đồng chí lại nói là máy rất tốt. Nghĩ là đồng chí này không phải là người lái chăng, tôi hỏi: Đồng chí lái đâu? Đồng chí này luống cuống đứng dậy: Thưa tôi đây ạ. Tôi bảo: “Thế thì đồng chí cho sang ngay đi chứ”. Lúc ấy đồng chí mới từ từ mở máy cho ca nô sang sông. Sau tôi mới vỡ lẽ là lúc Bác bước vào buồng lái, qua ánh đèn pin của đồng chí bảo vệ, đồng chí lái ca nô trông thấy Bác nên vừa cảm động, luống cuống, vừa ngần ngại vì buồng lái chật, đồng chí lại đứng trước Bác, sợ vô lễ với Bác mới ngồi sụp xuống như thế.

Khoảng 8 giờ tối thì chúng tôi về tới nhà. Thấy Bác mệt, tôi đưa Bác vào phòng nghỉ. Tôi chưa kịp mời thì Bác đã tươi cười nói với mọi người: “Mời các đồng chí ngồi”. Bác nghỉ độ mười lăm phút thì các anh phục vụ sắp cơm mời Bác và các đồng chí xung quanh. Bác cho tôi và chị Định được ngồi bên Bác. Mọi người đều ăn cơm nấu. Riêng Bác, Bác vẫn ăn cơm nắm - nắm cơm thơm ngon, giản dị của Bác - mặc dù chị Định khẩn khoản mời thế nào Bác vẫn không ăn cơm nấu. (Được gặp Bác nhiều lần, tôi hiểu đây là ý thức chấp hành hết sức nghiêm túc nguyên tắc tài chính và cũng là tác phong vô cùng giản dị của Bác).

Ăn cơm xong, Bác nghe tôi báo cáo tình hình. Bác hỏi: “Toàn tỉnh có bao nhiêu đảng viên, bao nhiêu thanh niên? Tình hình các xã và hợp tác xã, vấn đề dân chủ có tốt không?... Hiện nay, có bao nhiêu hợp tác xã sản xuất giỏi như Tân Phong?”. Tôi báo cáo với Bác: Vấn đề dân chủ ở các địa phương đang có nhiều tiến bộ, trong tỉnh có nhiều hợp tác xã đang cố gắng đuổi kịp Tân Phong. Bác nói: “Bác muốn biết có mấy hợp tác xã đã đuổi kịp Tân Phong rồi”. Tôi hơi lúng túng. Bác cười và nói: “Tập quán xấu đánh vợ, đánh con còn không?”. Tôi trả lời: Thưa Bác còn, nhưng ít thôi ạ. Bác nói thêm: “Đấy là một thói xấu cần phải chấm dứt”. Đêm đã khuya, chỉ còn hơn một giờ nữa là hết năm. Đồng chí Hoàng Anh mời Bác đi nghỉ.

Sáng sớm mùng 1 tháng 1 năm 1967, tuy là ngày tết nhưng tôi cứ bận sận lo lắng làm sao ấy. Bác sắp ra nói chuyện với cán bộ rồi mà địa điểm họp lại phải thay đổi, ban tổ chức rất bị động, tôi cũng chẳng nhớ gì ngày tết nữa. Tôi đang ở nhà ngoài báo cáo chương trình tổ chức với các đồng chí Hoàng Anh và Tố Hữu thì Bác tay xách đèn bão từ trong nhà bước ra: “Năm mới, Bác chúc Tết các đồng chí”. Lúc ấy tôi mới ngớ người ra và nhận thấy thiếu sót là có mấy anh em Tỉnh ủy ngay đây mà không nhớ đến việc chúc Tết Bác. Nhìn thấy trên bàn còn nửa đĩa xôi, vì bận việc tôi chưa kịp ăn lót dạ, Bác bảo: “Chú ngồi ăn đi đã”. Tôi nhìn Bác: Thưa Bác, cháu no rồi ạ. Bác bảo: “Phải lượng sức mình trước, nếu ăn không hết thì 2 người ăn một đĩa, không nên bỏ thừa”.

Vì địa điểm họp trước định đặt ở Tân Phong, sau lại chuyển về Hiệp Hòa nên sáng hôm đó Bác phải đợi đến gần 10 giờ mới tới họp được. Cuộc họp này triệu tập rất bí mật, không nói là đi đón Bác nhưng anh em cán bộ vốn rất tinh, người nào cũng đoán là Bác về nên tuy phải chờ đợi nhưng việc giữ bí mật vẫn rất tốt và ai nấy đều vui vẻ.

Từ đường cái vào đình Phương Cáp, Bác phải đi bộ hơn 300 mét. Trời rét, Bác đội mũ bông và quấn khăn quàng. Thấy các anh em quay phim, chụp ảnh chạy theo Bác, Bác bảo: “Hôm nay các chú chẳng làm ăn được, trời rét, Bác không biểu diễn đâu”.

Vào đến hội trường, anh em vỗ tay chào Bác. Tôi định nói vài câu theo thủ tục nghi lễ. Nhưng không muốn mất thì giờ, Bác giơ tay ra hiệu ngừng vỗ tay. Và Bác tự giới thiệu: “Hôm nay, Bác và hai đồng chí trong Ban Bí thư Trung ương Đảng: Hoàng Anh và Tố Hữu về thăm các đồng chí”, rồi Bác nói chuyện luôn. Bác rất vui. Tuy giờ đã muộn, Bác vẫn nói chuyện đến hai tiếng. Bác khen Hợp tác xã Tân Phong sản xuất giỏi. Bác hỏi thăm xã Đông Lâm và Hợp tác xã Nam Cường nơi Bác đã về thăm lần trước. Bác đề nghị các hợp tác xã khác phải đuổi kịp Tân Phong. Bác khen phong trào bình công, báo công, ghi công của Thái Bình là phương pháp phát động tư tưởng và là hình thức dân chủ rất tốt, cần phải phát huy. Bác phê bình những nơi còn thói hư tật xấu như đánh vợ, chửi con, khinh miệt phụ nữ; đó là tàn dư của giai cấp phong kiến lạc hậu cần phải xóa bỏ. Bác khuyên các đồng chí trong Đảng ủy xã, ban quản trị hợp tác xã phải dân chủ đối với xã viên và nhân dân, phải cùng nhau bàn bạc trong công việc làm ăn, tuyệt đối không hống hách, nhất là không được vay mượn quỹ của hợp tác xã và tiền quỹ của xã.

Trong khi Bác ngồi nói chuyện, hai đồng chí Tố Hữu và Hoàng Anh vẫn đứng sau Bác. Các đồng chí nhà báo và điện ảnh vẫn quay phim, chụp ảnh. Bác bảo tôi ngồi xuống cạnh ghế của Bác. Tất nhiên là tôi không ngồi vì hai đồng chí trong Ban Bí thư Trung ương Đảng vẫn đứng. Bác quay lại nắm tay tôi, vừa kéo tôi ngồi xuống ghế vừa bảo: “Gớm chú lại còn phân giai cấp à!”. Cả hội trường cười ran. Ai nấy đều phấn khởi và cảm thấy sao mà Bác gần gũi, yêu thương chúng ta đến thế. Ít ngày sau, các đồng chí nhà báo gửi cho tôi tấm ảnh chụp tôi ngồi bên ghế là có ý cho phép tôi thay mặt Đảng bộ Thái Bình được ngồi bên Bác.

Nói chuyện xong, Bác lên xe, tôi cũng đi để tiễn chân Bác. Ra tới đò Vực thì đúng 12 giờ trưa. Rút kinh nghiệm tối hôm trước, chúng tôi không qua sông bằng ca nô nữa. Bác cháu cùng xuống một con thuyền gỗ nhỏ hai mái chèo. Các đồng chí Ty Giao thông nhẹ nhàng chèo thuyền qua sông. Trời hửng nắng, sông nước dịu dàng. Tuy thời chiến nhưng thuyền bè tấp nập ngược xuôi. Ra đến giữa sông, nhìn trời, nhìn Bác, nhìn sông nước, bãi màu, ruộng mạ tốt tươi, tôi thấy trong lòng vô cùng sung sướng. Qua sông, tôi đưa Bác và các đồng chí đi cùng với Bác vào trụ sở của Huyện ủy Tiên Hưng tạm nghỉ. Thật may mắn cho ngôi nhà nhỏ này được Bác Hồ nghỉ chân ăn cơm giữa ngày Tết. Tôi xin phép Bác cho các đồng chí trong Ban Huyện ủy được gặp Bác. Bác đồng ý. Tôi tìm các đồng chí nhưng ai nấy đều đi công tác vắng; mấy đồng chí sang Thư Trì nghe Bác nói chuyện vẫn chưa về tới nhà, nên ăn cơm xong Bác đi ngay. Ngồi trên xe, tôi thấy Bác hơi mệt, lại thúng thắng ho nhưng Bác vẫn vui vẻ nói chuyện với anh em. Vui chuyện, bác sĩ A nói chuyện sông Cửu Long (Nam Bộ) có những con tôm to bằng bắp tay. Anh Kỳ không tin, bảo anh này chỉ nói khoác, Bác cũng cười nói: “Chả thế mà có người nói Đồng Tháp Mười có những con muỗi to lắm, muỗi đậu ở ngoài màn, người trong màn nắm được chân nó, nó giãy, hai cánh nó đập như cái quạt máy ấy”. Anh em đều cười ầm cả lên. Đến bến phà Triều Dương hết địa phận Thái Bình, Bác bắt tay và nói: “Cảm ơn Tỉnh ủy nhé”.

Tôi hết sức cảm động giơ hai tay nắm tay Bác. Trong đời hoạt động cách mạng của mình, tôi đã được gặp Bác nhiều lần. Lần này, Bác về thăm Thái Bình, quê hương 5 tấn, tôi lại vinh dự thay mặt Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thái Bình bắt tay Bác và cũng là chia tay Bác.

Trên bến Triều Dương, tôi còn lưu luyến đứng lại giờ lâu nhìn Bác sang sông. Không ngờ lần ấy là lần cuối cùng Bác về thăm Thái Bình mà không hẹn ngày trở lại.

Thái Bình, tháng 5 năm 1975

Ngô Duy Đông 
(Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình)


Theo sách: Thái Bình ơn Bác, Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Tỉnh ủy Thái Bình xuất bản, 1975.

  • Từ khóa