Chủ nhật, 24/11/2024, 02:48[GMT+7]

Quê lúa in dấu chân Người

Thứ 6, 31/12/2021 | 08:42:36
5,831 lượt xem
Thái Bình vinh dự, tự hào khi 5 lần được đón Bác Hồ về thăm. Mỗi địa danh trên quê lúa, nơi Người đặt chân đến đã trở thành những địa chỉ đỏ cách mạng, những minh chứng lịch sử trực quan sinh động được nhân dân Thái Bình qua các thế hệ trân trọng, nâng niu, gìn giữ. 55 năm đã trôi qua song những lời căn dặn của Người vẫn vẹn nguyên giá trị, trở thành lời hịch thiêng liêng, động lực tinh thần to lớn thôi thúc Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thái Bình đoàn kết một lòng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Khu sơ tán của Văn phòng Tỉnh ủy tại xã Tân Hòa (Vũ Thư), nơi Bác Hồ nghỉ lại đêm ngày 31/12/1966.

Tân Hòa và Hiệp Hòa (Vũ Thư) là hai địa phương vinh dự được đón Bác khi Người về thăm Thái Bình lần thứ năm mừng công tỉnh đạt 5 tấn thóc/ha cách đây tròn 55 năm. Khu sơ tán của Văn phòng Tỉnh ủy - nơi Người nghỉ lại đêm ngày 31/12/1966 ở thôn Đại Đồng, xã Tân Hòa và đình Phương Cáp, xã Hiệp Hòa - nơi Người nói chuyện với cán bộ và nhân dân Thái Bình sáng ngày 1/1/1967 đều đã được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, dù nơi Bác đến và những đồ vật Bác dùng ngày nào nay đã nhuốm màu thời gian, cảnh vật đổi thay nhưng hình ảnh, lời nói của Người vẫn còn như hiện diện, vang vọng nơi đây.

Mỗi lần về lại Khu lưu niệm Bác Hồ tại xã Tân Hòa, tôi được ông Phạm Văn Đát, người trông coi Khu lưu niệm kể cho nghe câu chuyện về Bác. Hơn 20 năm gắn bó với công việc coi sóc di tích này, mỗi nhành cây, ngọn cỏ, mỗi kỷ vật, tư liệu đã trở nên rất đỗi quen thuộc với ông. Vừa chăm sóc cỏ cây vừa bảo quản, gìn giữ những tư liệu, hiện vật, ông Đát còn kiêm cả hướng dẫn viên mỗi khi có đoàn học sinh hay người dân đến thắp hương, tham quan di tích. Những câu chuyện về Bác gắn với nơi này ông khắc ghi trong lòng, càng trân quý và kính trọng vị lãnh tụ vĩ đại của Đảng, người Cha già của dân tộc. 

Ông Đát chia sẻ: Hiện nay, những kỷ vật của Bác vẫn còn lưu giữ nguyên vẹn tại Khu lưu niệm. Từ con thuyền đưa Bác qua sông Trà Lý, chiếc đèn bão, đôi dép cao su đến bộ ấm chén, chiếc phích, cái gạt tàn thuốc lá... là những đồ vật Bác sử dụng trong đêm cuối năm ấy như vẫn còn hơi ấm của Người. Những năm qua, Khu lưu niệm Bác Hồ tại xã Tân Hòa đã trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho các thế hệ người dân trong tỉnh.

Thực hiện mong ước của Người khi về thăm Thái Bình lần cuối, ngay sau đó, Đảng bộ xã Tân Hòa đã phát động phong trào thi đua trong toàn Đảng bộ, toàn dân, ra sức lao động sản xuất, công tác, học tập, phấn đấu đạt thành tích cao nhất. Tân Hòa đã giành thắng lợi toàn diện trong phát triển kinh tế, xây dựng quê hương, chi viện cho miền Nam, góp phần cùng cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. 

“Tròn 55 năm ngày Bác Hồ về thăm, Đảng bộ, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Tân Hòa luôn khắc ghi lời Bác dạy, đoàn kết, chung sức chung lòng xây dựng quê hương đổi mới, làm cho đời sống nhân dân được nâng cao, kinh tế - xã hội phát triển. Đó cũng là đóa hoa thơm góp vào vườn hoa thi đua yêu nước của tỉnh dâng lên Bác kính yêu” - ông Bùi Công Trứ, Bí thư Đảng ủy xã Tân Hòa chia sẻ.

Từ Khu lưu niệm Bác Hồ, chúng tôi xuôi theo tỉnh lộ 223 về xã Hiệp Hòa. Đường thênh thang rộng mở, lòng người thêm rộn rã. Những nếp nhà cao tầng, những con đường bê tông khang trang đến từng dong ngõ là minh chứng cho sự đổi mới của quê hương. Đích thân Bí thư Đảng ủy xã Đào Trọng Loan đưa chúng tôi đến thăm đình Phương Cáp. Suốt quãng đường đi, anh kể cho chúng tôi nghe về Hiệp Hòa - vùng đất có truyền thống cách mạng lâu đời. Vượt qua khó khăn, Hiệp Hòa hôm nay đã trở thành miền quê trù phú. Dự án trùng tu, tôn tạo đình Phương Cáp sau hơn 1 năm triển khai đã hoàn thành và bàn giao đúng dịp kỷ niệm 55 năm ngày Bác Hồ về thăm Thái Bình lần thứ năm. Ngôi đình có tuổi đời trăm năm ấy là báu vật của người dân nơi đây và là điểm tựa tinh thần của các thế hệ người dân Hiệp Hòa.

Ông Hoàng Bá Sinh, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Việt Hùng, dù không có cơ hội được gặp Bác nhưng ông vẫn nhớ khí thế thi đua sôi nổi làm theo lời Bác 55 năm trước. Ông chia sẻ: Hiếm có HTX nào mà chỉ chưa đầy một năm hai lần được Bác Hồ gửi thư khen như HTX Tân Phong, xã Việt Hùng. Từ Tân Phong - ngọn cờ đầu trong phong trào thâm canh lúa, phong trào thi đua cải tiến canh tác nông nghiệp như làn gió mới lan ra toàn huyện, toàn tỉnh phấn đấu đạt năng suất lúa cao. Nhờ thế, trong những năm tháng chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, nhân dân Thái Bình vẫn hăng hái sản xuất, thực hành tiết kiệm, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn, củng cố và bảo vệ vững chắc hậu phương lớn với tinh thần “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”.

Lời căn dặn trong lần cuối về thăm Thái Bình “Bác mong các đồng chí và đồng bào đều cố gắng hơn nữa để làm cho Thái Bình trở thành một tỉnh gương mẫu về mọi mặt” vẫn luôn được các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân Thái Bình khắc ghi và chuyển thành hành động cụ thể. Những thành tựu toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian qua đã minh chứng cho điều đó. Năm 2021 - tròn 55 năm ngày Bác Hồ về thăm Thái Bình lần thứ năm (31/12/1966 - 31/12/2021), cũng là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 song Thái Bình đã hoàn thành mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả vừa đạt được những kết quả toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực. Tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn ước đạt 57.112 tỷ đồng, tăng 6,68% so với năm 2020. Tổng giá trị sản xuất ước đạt 169.712 tỷ đồng, tăng 9,77%.

Đoàn viên, thanh niên huyện Vũ Thư thăm Khu lưu niệm Bác Hồ tại xã Tân Hòa (Vũ Thư).

Thái Bình hôm nay đã và đang vững bước trên con đường đổi mới với quyết tâm mở cửa, sẵn sàng đón những cơ hội, vận hội mới. Với sự đoàn kết, đồng sức đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân, bước sang năm 2022 và những năm tiếp theo Thái Bình sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa, sớm thực hiện được mục tiêu trở thành tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng.

Tất Đạt