Thứ 7, 23/11/2024, 14:50[GMT+7]

Mừng thọ, chúc thọ theo gương Bác

Thứ 2, 25/02/2013 | 09:30:03
5,024 lượt xem
Mừng thọ, chúc thọ là một nét đẹp văn hóa có từ lâu đời của người Việt Nam cần được giữ gìn và phát huy. Nhưng để việc mừng thọ, chúc thọ trở nên có ý nghĩa, các gia đình và chính quyền địa phương cần tổ chức tiết kiệm, tránh khoa trương.

Ảnh: Thành Tâm

“Kính lão, trọng thọ”, “Kính già, già để tuổi cho”... vốn là truyền thống tốt đẹp từ bao đời nay của dân tộc Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm chăm lo đời sống tinh thần, vật chất, sức khỏe của người cao tuổi (NCT), kịp thời biểu dương những NCT có đóng góp lớn cho công cuộc kháng chiến, kiến quốc.

 

Năm 1948, tuy bận trăm công nghìn việc, Người vẫn tự tay viết thư chúc thọ cụ Phùng Lục, một phụ lão cứu quốc ở huyện Ứng Hòa (Hà Ðông cũ). Bác thay mặt Chính phủ cảm ơn cụ đã miễn sự tế lễ linh đình trong ngày chúc thọ và dùng tiền mừng thọ ủng hộ Quỹ kháng chiến. Ðầu năm 1956, trong bài “Các cụ già nhiều tuổi nhất của nước ta” đăng trên Báo Nhân Dân, ngày 26 tháng 1, ngoài việc biểu dương những cụ trên 100 tuổi và một số cụ gần 100 tuổi, Người yêu cầu “Ðịa phương nào có các cụ ngoài 80 tuổi, xin viết thư cho báo”. Người luôn quý mến và kính trọng NCT, đặc biệt là những NCT sống thọ và làm được nhiều việc có ích cho đời. Khi đất nước còn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, Bác vẫn “sữa để em thơ, lụa tặng già”.

 

Noi theo gương Bác, các vị Chủ tịch nước sau này đã chú trọng tới việc chỉ đạo tổ chức lễ mừng thọ, chúc thọ; dành thời gian cùng các đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà nước đến thăm, chúc thọ, tặng lụa, tặng quà các cụ tròn 100 tuổi ở một số nơi. Năm 1995, Hội NCT Việt Nam được thành lập, các cấp Hội, đặc biệt là Hội NCT xã, phường, thị trấn, hàng năm đều tổ chức lễ mừng thọ, chúc thọ, tặng quà cho các cụ tuổi chẵn 70, 75, 80, 85, 95 và trên 100 tuổi. Ðó là hoạt động tình nghĩa mang đậm tính nhân văn, nét đẹp truyền thống văn hóa ứng xử của người Việt Nam được không chỉ các cấp Hội NCT duy trì, làm tốt mà còn được cả xã hội quan tâm. Những năm gần đây, nhất là khi có Luật NCT ra đời (1/7/2010) lễ mừng thọ, chúc thọ đã được cấp ủy, chính quyền địa phương phối hợp với Hội NCT tổ chức vào các ngày 4 đến mồng 6 Tết Nguyên đán, càng làm cho ngày lễ thêm long trọng, ý nghĩa, các cụ và con cháu phấn khởi, trân trọng.

 

Thi hành Nghị định số 06/2011/NÐ-CP, ngày 14/1/2011 của Chính phủ, Bộ Tài chính quy định cụ thể việc chúc thọ và tặng quà chúc thọ NCT như sau: Người thọ 100 tuổi được Chủ tịch nước chúc thọ và tặng quà gồm 5 mét vải lụa và 500.000 đồng; người thọ 90 tuổi được Chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phố chúc thọ và tặng quà gồm hiện vật trị giá 100.000 đồng và 300.000 đồng tiền mặt. Ở tỉnh ta, ngày 20/10/2012, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2508 điều chỉnh tăng mức quà mừng thọ cho NCT. Theo đó: các cụ tuổi chẵn 70, 75, 80, 85 được nâng mức quà từ 100.000 lên 200.000 đồng/cụ; các cụ tuổi 95 nâng từ 100.000 lên 300.000 đồng/cụ; các cụ trên 100 tuổi nâng từ 100.000 lên 500.000 đồng/cụ. Ðây là mức quà tặng khá cao so với nhiều tỉnh, thành trong cả nước dù Thái Bình là tỉnh còn nhiều khó khăn, điều này càng thêm chứng tỏ cấp ủy, chính quyền rất quan tâm chăm lo cho các bậc cao niên.

 

Cách thức tổ chức lễ mừng thọ, chúc thọ mỗi nơi có khác nhau, tùy thuộc vào phong tục của từng địa phương. Có nơi, con cháu tổ chức lễ mừng thọ, chúc thọ cho các cụ tại gia đình từ ngày hôm trước, sáng sớm hôm sau các cụ mặc quần áo đẹp (thường là: các cụ tròn 100  tuổi mặc áo dài lụa đỏ, quần đỏ, đội khăn xếp đỏ thêu hình con rồng; các cụ tròn 90, 95 mặc áo dài lụa vàng, quần vàng, đội khăn xếp vàng; các cụ tròn 80 và 85 mặc áo đỏ ngắn, đội mũ xếp đỏ; các cụ 70, 75 tuổi chỉ đội mũ đỏ…) con cháu rước các cụ ra đình làng hoặc UBND xã - nơi tổ chức lễ mừng thọ, chúc thọ. Có địa phương, các cháu học sinh, đại diện lãnh đạo xã, thị trấn, cán bộ Hội NCT chia thành từng đoàn, trống rong, cờ mở đến từng nhà rước các cụ ra nơi tổ chức. Cũng có nơi, các cụ được rước ra nơi làm lễ chung cho các bậc cao niên, sau đó con cháu lại đón các cụ về tổ chức mừng thọ, chúc thọ tại gia đình…

 

Theo phong tục, trong ngày mừng thọ, chúc thọ con cháu sẽ chúc rượu thọ, nói những lời tốt đẹp để tỏ lòng biết ơn, mong cha mẹ, ông bà được sống lâu, sống thọ, tặng lễ vật ý nghĩa với người già, như: tấm áo, chiếc khăn, tặng thơ, câu đối, tặng tranh… để ông bà vui lòng và giữ làm kỷ niệm. Trường hợp người được mừng thọ, chúc thọ ốm hoặc yếu không đến dự buổi lễ, Ban tổ chức đến tận nhà trao giấy mừng thọ, chúc thọ và tặng quà. Lễ mừng thọ, chúc thọ dù cách thức tổ chức khác nhau nhưng đều bảo đảm trang trọng, ấm cúng, an toàn, tiết kiệm. Thông qua việc tổ chức mừng thọ, chúc thọ người già sẽ thấy hạnh phúc hơn vì con cháu hiếu thảo, công sức bao năm bỏ ra để nuôi dạy con cái, cống hiến cho xã hội đã được đền đáp xứng đáng. Con cháu cũng sẽ thấy tự hào về ông bà, cha mẹ cũng như truyền thống gia đình, vui vì đã có cơ hội để báo hiếu, làm vui lòng ông bà, cha mẹ.

 

Mừng thọ, chúc thọ là một nét đẹp văn hóa có từ lâu đời của người Việt Namon> cần được giữ gìn và phát huy. Nhưng để việc mừng thọ, chúc thọ trở nên có ý nghĩa, các gia đình và chính quyền địa phương cần tổ chức tiết kiệm, tránh khoa trương.

 

Đỗ Hiền

 

  • Từ khóa