Thứ 7, 23/11/2024, 23:21[GMT+7]

Quyết tâm làm cho Thái Bình trở nên một trong những tỉnh khá nhất

Thứ 7, 26/03/2022 | 17:57:39
1,774 lượt xem
Năm 1962, được biết Thái Bình có phong trào lấn biển khai hoang và toàn tỉnh đạt thành tích cao trong sản xuất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm và động viên phong trào.

Cơ giới hóa các khâu sản xuất giúp giải phóng sức lao động, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Người đến thăm HTX Nam Cường, xã điển hình trong công tác khai hoang lấn biển; thăm và dự hội nghị phát động phong trào sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh tại xã Đông Lâm (Tiền Hải). Bác nói: “Thái Bình là một trong những tỉnh nhiều người nhất. Nhân dân sẵn có truyền thống anh dũng và cần cù. Đất đai tốt. Thủy lợi tiện. Lương thực nhiều. Nông nghiệp có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển… Đồng bào và cán bộ phải có quyết tâm làm cho Thái Bình trở nên một trong những tỉnh khá nhất, để góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, làm nền tảng vững mạnh cho công cuộc thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà”.

Khắc ghi lời căn dặn của Người trong phát triển kinh tế nông nghiệp, xuyên suốt lộ trình dài phát triển, Thái Bình luôn nhận thức rõ ràng và sâu sắc về lợi thế, tiềm năng, thế mạnh cũng như vai trò quan trọng của nông nghiệp trong phát triển kinh tế. Ở thời kỳ nào, tỉnh ta cũng xác định nông nghiệp là nền tảng trong phát triển kinh tế. Vì vậy, tỉnh luôn định hướng phát triển nông nghiệp toàn diện, không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả thông qua việc cải tiến công cụ, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh công tác làm thủy lợi, hoàn thiện hệ thống tưới, tiêu trong sản xuất nông nghiệp... 

Bà Nguyễn Thị Mận, Anh hùng Lao động, nguyên Đội trưởng Đội thủy lợi chuyên trách 202 Quang Trung, xã Vũ Vân (huyện Vũ Tiên, nay là huyện Vũ Thư) cho biết: Năm 1966, Ủy ban Hành chính tỉnh triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2 năm (1966 - 1967) với chỉ tiêu chính phấn đấu đạt năng suất lúa 5 tấn/ha. Theo đó, khâu thủy lợi được xác định là bước đột phá, các HTX, đội thủy lợi trong tỉnh đã có nhiều cách làm sáng tạo khơi dậy tinh thần lao động hăng say của từng tập thể, cá nhân, không quản ngại ngày đêm đào đắp sông, kênh mương, bờ vùng, bờ thửa sớm hoàn thành các công trình đưa vào sử dụng phục vụ tưới, tiêu cho sản xuất trồng trọt. Sau khi được tỉnh cho đi tham quan công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, tôi đã về họp chị em, đề xuất với địa phương chuyển từ dùng mai đào đất sang dùng kéo cắt. Đồng thời tận dụng gỗ của địa phương đóng 10 xe ba gác, 15 xe cút kít để chở đất thay cho gồng gánh, dùng gỗ ván để đẩy đất. Nhờ áp dụng công cụ cải tiến vào sản xuất đã giúp năng suất lao động tăng từ 300 - 400% nhưng lại giảm 70% sức lao động, đôi vai được giải phóng. Sau đó, các đội thủy lợi trong tỉnh đồng loạt phát động phong trào thi đua học và làm theo, tích cực đào sông, đắp đê, khơi đìa phục vụ sản xuất, góp phần quan trọng đưa Thái Bình trở thành tỉnh đầu tiên ở miền Bắc đạt 5 tấn/ha năm 1966.

Không chỉ là tỉnh đầu tiên ở miền Bắc dẫn đầu về năng suất lúa những năm kháng chiến chống Mỹ, mà từ đó đến nay Thái Bình vẫn là một trong những tỉnh có năng suất lúa cao nhất cả nước, bình quân đạt trên 13 tấn/ha/năm. Trong quá trình thực hiện định hướng, lộ trình phát triển, tỉnh luôn dành cho nông nghiệp sự quan tâm đặc biệt. Vì vậy, Tỉnh ủy đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình liên quan đến phát triển nông nghiệp. Đồng thời, HĐND tỉnh ban hành và thực hiện nhiều chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn bao phủ hầu hết các lĩnh vực, từ trồng trọt, chăn nuôi đến thủy sản và xây dựng nông thôn mới với tổng kinh phí hỗ trợ hàng nghìn tỷ đồng.

Với việc vận dụng tư tưởng, khắc ghi và thực hiện lời dạy của Bác trong lộ trình phát triển, nền nông nghiệp của tỉnh luôn giữ vững vai trò là nền tảng, trụ đỡ của nền kinh tế, phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Giai đoạn 2016 - 2020, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng 2,5%/năm. Toàn tỉnh xây dựng trên 200 cánh đồng sản xuất tập trung có liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, diện tích trên 14.000ha/năm. Hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng được đầu tư hoàn thiện, 100% diện tích đất sản xuất nông nghiệp được chủ động về tưới, tiêu. Việc cải tiến công cụ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp luôn được tỉnh chú trọng, nhờ đó tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp khâu làm đất, thu hoạch đạt 100%; đang tích cực đẩy mạnh cơ giới hóa khâu gieo cấy, góp phần làm tăng năng suất cây trồng, giảm chi phí sản xuất.

Ông Đỗ Quý Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), tỉnh đã ban hành nhiều chính sách phù hợp với thực tiễn và yêu cầu của địa phương trong từng giai đoạn. Hết năm 2020, toàn tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn NTM, hoàn thành trước 3 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra; có 7/7 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn quốc gia về NTM và thành phố Thái Bình được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; đến hết năm 2021, Thái Bình đã có 15 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. 100% đường giao thông nông thôn được nhựa hóa, bê tông hóa đạt chuẩn, 100% đường trục chính nội đồng đạt chuẩn theo quy định; chất lượng điện nông thôn ngày càng được cải thiện, ổn định, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân và phát triển sản xuất. 100% người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; hệ thống mạng di động 3G, 4G được phủ sóng rộng khắp. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 50,76 triệu đồng, tăng 4 lần so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm nhanh; đời sống văn hóa tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

Đã 60 năm trôi qua, song những lời dạy của Bác vẫn còn nguyên giá trị, nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên và người dân Thái Bình phát huy truyền thống quê hương, đoàn kết nỗ lực đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, từng bước đưa nền nông nghiệp Thái Bình phát triển theo hướng hiện đại, bền vững; xây dựng nông thôn trở thành các miền quê đáng sống, nâng cao đời sống vật chất cho người dân, nhất là người dân khu vực nông thôn.

Ngân Huyền