Thứ 7, 23/11/2024, 10:18[GMT+7]

Hồ Chí Minh với đạo đức người làm báo

Thứ 5, 20/06/2013 | 16:33:12
1,791 lượt xem
Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam, người khai sinh ra tờ báo cách mạng đầu tiên của nước nhà - báo Thanh niên, ngày 21-6-1925. Kể từ bài báo đầu tiên “Vấn đề dân bản xứ” đăng trên tờ Nhân đạo (L’Humanité) của Đảng Cộng sản Pháp ngày 2-8-1919, đến bài báo cuối cùng “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng” đăng trên báo Nhân Dân ngày 1-6-1969, Hồ Chí Minh đã để lại một di sản quý báu với khoảng 2.000 bài báo với rất nhiều thể loại, bút danh

Bác Hồ viết báo. Ảnh: Tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam, người khai sinh ra tờ báo cách mạng đầu tiên của nước nhà - báo Thanh niên, ngày 21-6-1925. Kể từ bài báo đầu tiên “Vấn đề dân bản xứ” đăng trên tờ Nhân đạo (L’Humanité) của Đảng Cộng sản Pháp ngày 2-8-1919, đến bài báo cuối cùng “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng” đăng trên báo Nhân Dân ngày 1-6-1969, Hồ Chí Minh đã để lại một di sản quý báu khoảng 2.000 bài báo với rất nhiều thể loại, bút danh khác nhau. Sử dụng báo chí như một công cụ đắc lực phục vụ sự nghiệp cách mạng, nhà báo kiệt xuất Hồ Chí Minh đã tạo dựng nên một phong cách, một tấm gương đạo đức sáng ngời cho những người chiến sĩ cầm bút đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, định hình nên những chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp cho người làm báo Việt Nam.

Ghi nhận những đóng góp to lớn của báo chí đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, nhân kỷ niệm 85 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (2010), Đảng và Nhà nước ta đã trao tặng Huân chương Sao Vàng - phần thưởng cao quý nhất - cho ngành báo chí. Tuy nhiên, trong thời đại thông tin, phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế hiện nay, báo chí nước ta đang bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, yếu kém. Một trong những yêu cầu bức thiết đặt ra hiện nay đối với những người làm báo là xây dựng và rèn luyện theo những chuẩn mực đạo đức của người làm báo mẫu mực Hồ Chí Minh.  Theo cách nói của nhà báo lão thành Hữu Thọ, muốn tâm sáng, lòng trung, bút sắc thì phải ra sức học tập tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh về báo chí và tự mình hoàn thiện kỹ năng, trình độ và đạo đức để trở thành nhà báo chuyên nghiệp, có tâm, có tầm phục vụ cách mạng và nhân dân.

Nghiên cứu quy tắc ứng xử đạo đức của nhà báo trong Bản Tuyên ngôn của Đại hội Liên đoàn Nhà báo quốc tế năm 1954 (bổ sung năm 1986); 10 điều trong Quy tắc đạo đức của các nhà báo ASEAN (được Ủy ban Đạo đức báo chí ASEAN thông qua năm 1987) và 9 điều Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam (thông qua tại Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam ngày 13-8-2005), chúng ta đều thấy những nội dung này đã được thể hiện trong các bài nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có thể khái quát thành một số chuẩn mực đạo đức cơ bản đối với người làm báo Việt Nam:

Một là, phải có lập trường chính trị vững chắc và không ngừng tu dưỡng đạo đức cách mạng Bằng sự nêu gương và thực hành đạo đức trong chính sự nghiệp báo chí của mình, Hồ Chí Minh đã định hình một hệ thống những chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử, quy tắc nghề nghiệp đối với những người làm báo, chủ thể quyết định của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Trong bài nói tại Đại hội lần thứ hai Hội Nhà báo Việt Nam, ngày 16-4-1959, Người khẳng định: “… tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành, v.v..) phải có lập trường chính trị vững chắc”. Hồ Chí Minh nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc trau dồi tư tưởng, bản lĩnh chính trị và không ngừng tu dưỡng đạo đức cách mạng như là một nguyên tắc quan trọng hàng đầu, là một chuẩn mực đạo đức cơ bản của người làm báo. Mọi khuyết điểm của người làm báo, theo Người cũng đều “nắm vấn đề chính trị không được chắc chắn”, “đều do chủ nghĩa cá nhân đẻ ra”. Nghề báo cũng là một nghề và làm tốt chính là hoàn thành nhiệm vụ cách mạng của mình. “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng”.

Theo Hồ Chí Minh, giữ vững lập trường chính trị và tự giác tu dưỡng đạo đức cách mạng của người làm báo là yêu cầu quan trọng để thực hiện trách nhiệm của báo chí với nhân dân, với đất nước. Người đã viết: “Về trách nhiệm báo chí, Lênin có nói: báo chí là người tuyên truyền, người cổ động, người tổ chức chung, người lãnh đạo chung. Vì vậy, nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang. Muốn hành thành tốt nhiệm vụ ấy thì phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản;…”

Hai là, phải có trách nhiệm với nghề, yêu nghề, thông tin chân thật, khách quan

Trong Điện mừng Hội Nhà báo Á - Phi, 4-1965, Hồ Chí Minh viết: “Đối với những người viết báo chúng ta, cái bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng để động viên quần chúng đoàn kết đấu tranh”. Người làm báo không chỉ có bản lĩnh chính trị vững vàng, chú trọng bồi dưỡng đạo đức cách mạng mà còn phải có lòng yêu nghề, có trách nhiệm cao với nghề “Cho nên làm báo phải hết sức cẩn thận về hình thức, về nội dung, về cách viết”. Người làm báo cũng như người làm công tác tuyên truyền, điều cốt lõi nhất, theo Hồ Chí Minh “bao giờ ta cũng tôn trọng sự thực”. Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, mục VI, Chống thói ba hoa, Hồ Chí Minh chỉ ra những khuyết điểm về cách viết như dài dòng, rỗng tuếch; có thói cầu kỳ; khô khan, lúng túng; lụp chụp, cẩu thả… và cách khắc phục những khuyết điểm đó. Trong cách viết, phải luôn dùng những lời lẽ, những thí dụ giản đơn, thiết thực và dễ hiểu; chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết; chớ viết kiểu “dây cà, dây muống”, quan trọng nhất là phải thiết thực, “nói có sách, mách có chứng”, tức là nói cái việc ấy ở đâu, thế nào, ngày nào, nó sinh ra thế nào, phát triển thế nào, kết quả thế nào?. Người còn hướng dẫn cụ thể cách khai thác tài liệu để viết báo, tránh việc ngồi bàn giấy viết, đọc báo cáo viết.

Ba là, phải thật sự gần gũi với nhân dân, phục vụ lợi ích của nhân dân Khi nói về các khuyết điểm của báo chí, Hồ Chí Minh lưu ý “để làm trọn nhiệm vụ tuyên truyền, tổ chức, hướng dẫn, thì các báo chí ta cần phải gần gũi quần chúng hơn nữa, đi sâu vào công việc thực tế hơn nữa, cách làm việc của các báo chí phải cải thiện hơn nữa”. Nhân dân là đối tượng tác động của báo chí nên “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”. Người làm báo phải đặt lợi ích của nhân dân, của đất nước lên trên lợi ích của bản thân. Người làm báo phải phản ánh được những tâm tư, tình cảm, nhu cầu, lợi ích của nhân dân. Đồng thời hướng dẫn, thuyết phục, tổ chức, giáo dục nhân dân theo Đảng. Phụng sự nhân dân với người làm báo chính là tác phẩm làm ra phải hướng tới quần chúng nhân dân, “mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết, phải tỏ rõ cái tư tưởng và lòng ước ao của quần chúng”.

Bốn là, không ngừng học tập, trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ

Hồ Chí Minh nhắc nhở người làm báo muốn giỏi thì “phải học nữa, phải học mãi”. Người làm báo phải không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn để đáp ứng được yêu cầu của công việc, của nhiệm vụ người chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng.

Văn phong báo chí Hồ Chí Minh, nhân cách Hồ Chí Minh hợp thành một tấm gương tiêu biểu, một chuẩn mực nghề nghiệp mà các thế hệ nhà báo, những người làm báo tìm hiểu và vận dụng vào trong công việc của mình. Học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với những người làm báo chính là nói, viết, làm và sống như Người đã sống, đã chỉ dạy để phụng sự nhân dân, phụng sự Tổ quốc, phụng sự cho sự nghiệp báo chí cách mạng của Việt Nam.

Theo TapchiXaydungDang

  • Từ khóa