Thứ 7, 23/11/2024, 13:54[GMT+7]

Nâng cao hiệu quả giáo dục di sản tư tưởng Hồ Chí Minh

Thứ 6, 04/08/2023 | 08:20:22
2,422 lượt xem
Có một loại hình di sản đặc biệt quan trọng, đó là di sản tư tưởng Hồ Chí Minh. Giáo dục di sản tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ là một phần thiết yếu của công tác giáo dục nhằm phát huy những giá trị vô giá của di sản, mà còn góp phần đào tạo nhân sinh quan, đạo đức, lối sống, nhân cách con người, nhất là với thế hệ trẻ.

Học sinh tham quan nhà sàn, ao cá Bác Hồ trong Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. (Ảnh Yến Kim).

Làm thế nào để nâng cao hơn nữa hiệu quả giáo dục di sản trong bối cảnh hiện nay là đòi hỏi cấp thiết từ thực tế đối với các bảo tàng, di tích, trong đó có Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (Khu Di tích Phủ Chủ tịch). 

Khu di tích Phủ Chủ tịch là một loại hình bảo tàng lưu niệm đời sống danh nhân được hình thành ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời (ngày 2/9/1969). Ðây là nơi Người sống và làm việc lâu nhất (trong suốt 15 năm cuối đời, từ tháng 12/1954 đến ngày 2/9/1969), gắn liền nhiều sự kiện lịch sử trọng đại trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh nói riêng và của lịch sử dân tộc Việt Nam nói chung. Trải qua 54 năm, Khu Di tích vẫn được bảo tồn tương đối nguyên vẹn. Những hiện vật đơn sơ gắn bó với Bác từ lúc sinh thời như ngôi nhà gỗ nhỏ bên bờ ao, chiếc áo kaki sờn cổ, đôi dép cao su mòn gót, chiếc quạt làm từ lá cọ, hay căn phòng Người điều trị bệnh rồi đi xa... là những minh chứng sắc nét, sinh động nhất về tấm gương đạo đức của người cộng sản mẫu mực cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Ðây cũng là nơi lưu giữ biết bao câu chuyện giàu giá trị, ý nghĩa về Bác. 


Ấy là chuyện Người từ chối ở tòa nhà Phủ Toàn quyền sang trọng, lựa chọn ở ngôi nhà của người công nhân thợ điện phục vụ Toàn quyền thời đó, nơi mùa hè rất nóng, mùa đông rất lạnh, chỉ bởi lý do duy nhất là đất nước ta còn nghèo, đời sống nhân dân còn khổ. Ấy là chuyện khi đời sống kinh tế người dân khó khăn, phải ăn cơm độn ngô, khoai, sắn, Bác đã dặn cán bộ rằng nhân dân ăn độn bao nhiêu phần trăm thì độn cho Bác từng đó.

Hay chuyện Người kiên quyết không nhận xe ô-tô mới, để dành cho các cán bộ làm công tác ngoại giao; không lắp máy điều hòa nhiệt độ, nhường cho trại điều dưỡng thương bệnh binh... Những câu chuyện bình dị, hiện vật đơn sơ mang tới những bài học quý về tấm lòng bao dung, phong cách sống giản dị của một vị lãnh tụ vĩ đại luôn đặt lợi ích nhân dân lên hàng đầu.

Chứa đựng giá trị và ý nghĩa giáo dục sâu sắc, thời gian qua, Khu Di tích Phủ Chủ tịch đã trở thành “địa chỉ đỏ”, “trường học thực tiễn” sinh động của mọi tầng lớp nhân dân khi tới tham quan, học tập, nghiên cứu về di sản Hồ Chí Minh, đặc biệt là từ năm 2003 thực hiện Quyết định số 35/2003/QÐ-BGDÐT đưa môn Tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành môn học chính thức trong tất cả các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trên cả nước. Theo thống kê, từ năm 1969 đến nửa đầu năm 2023, Khu Di tích đã đón hơn 85 triệu lượt khách, trong đó có hơn 70 triệu lượt khách trong nước đến tham quan, học tập, nghiên cứu, sinh hoạt chính trị. 


Gần đây, số lượng khách tham quan là học sinh, sinh viên ngày càng tăng với hình thức đi theo đoàn, đặc biệt ở khối tiểu học. Việc kết hợp giảng dạy giữa lý thuyết tại nhà trường và tham quan thực tế giúp thế hệ trẻ có cái nhìn chân thực, khách quan, sống động về lịch sử, từ đó thêm biết ơn vị Cha già kính yêu của dân tộc, được bồi đắp niềm tự hào, nâng cao nhận thức chính trị, tích cực vận dụng tư tưởng của Bác vào giải quyết thực tiễn cuộc sống.

Ðể phát huy giá trị di sản tư tưởng Hồ Chí Minh, những năm qua, Khu Di tích Phủ Chủ tịch đã nỗ lực triển khai nhiều hoạt động, như: Chủ động phối hợp các nhà trường, học viện xây dựng chương trình giáo dục di sản cho học sinh, sinh viên; thường xuyên tổ chức những buổi hội thảo, giao lưu, tọa đàm, triển lãm liên quan tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh; bên cạnh cách thuyết minh truyền thống, tích cực nâng cấp hệ thống website, xây dựng các tour tham quan ảo phục vụ du khách không có điều kiện đến tham quan trực tiếp...

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, so với tiềm năng, giá trị to lớn của những di sản vật thể, phi vật thể tại Khu di tích, việc phát huy hiệu quả giáo dục di sản vẫn chưa như kỳ vọng: Nội dung, phương pháp tuyên truyền chưa thật sự phong phú; đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ trong xây dựng các chương trình giáo dục di sản tại Khu di tích còn nhiều hạn chế.

Trao đổi tại Hội thảo khoa học “Chương trình giáo dục di sản ứng dụng công nghệ ở Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch” vừa diễn ra tại Hà Nội, nguyên Phó Giám đốc phụ trách Khu Di tích Ðỗ Hoàng Linh cho hay, nếu chỉ chờ đợi và đón học sinh, sinh viên tự đến hoặc do các trường tự tổ chức tham quan thì Khu Di tích sẽ ở thế bị động trong thu hút người trẻ và lan tỏa giá trị di sản tư tưởng Hồ Chí Minh. Vì thế, cần phải chủ động xây dựng nội dung tuyên truyền sao cho phù hợp từng đối tượng phân theo độ tuổi, khả năng tiếp thụ, đồng thời có hình thức tuyên truyền, giáo dục trực quan, sinh động, sáng tạo hơn, hợp với sự phát triển của thời đại kỹ thuật số, giúp gợi mở tư duy, tạo hứng thú tìm hiểu, học hỏi của học sinh, sinh viên.

Chia sẻ kinh nghiệm nâng cao hiệu quả giáo dục di sản trong thời đại công nghệ số, Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Thủy, Trưởng Ban quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò cho biết: Theo khảo sát, trung bình cứ 10 học sinh trung học phổ thông, sinh viên thì có hơn 5 em sở hữu điện thoại cá nhân có các ứng dụng mạng xã hội. Vì vậy, bên cạnh tổ chức các chương trình giáo dục di sản theo cách truyền thống, việc sử dụng các kênh Facebook, Instagram, YouTube, Spotify... với nội dung hấp dẫn, sinh động về di sản là hướng đi hiệu quả để tiếp cận giới trẻ.

Việc sản xuất nội dung bằng nhiều hình thức như bài thiết kế, video ngắn (reels), câu chuyện (story) hay phát thanh trực tuyến (podcast) là các phương pháp được Di tích Nhà tù Hỏa Lò áp dụng thường xuyên thời gian qua và nhận về sự phản hồi tích cực từ các bạn trẻ.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Thủy, Trưởng Ban quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò


Trong khi đó, Thạc sĩ Ðường Ngọc Hà (Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám) đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của các trò chơi trải nghiệm ứng dụng công nghệ trong xây dựng chương trình giáo dục di sản cho người trẻ. “Ðến nay, có hơn 30 chủ đề giáo dục với những nội dung đa dạng về di sản đã được vận hành tại di tích dành cho học sinh từ bậc mẫu giáo tới trung học phổ thông tham gia - Thạc sĩ Ðường Ngọc Hà thông tin. 

Trên cơ sở tiếp thu bài học kinh nghiệm trong giáo dục di sản từ các bảo tàng, di tích liên quan, Khu Di tích cần xây dựng kế hoạch chiến lược về giáo dục di sản với mục tiêu giáo dục tư tưởng, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng phương pháp mới. Ðó là giáo dục trải nghiệm dựa trên di sản, di tích trong đó ứng dụng công nghệ là một biện pháp mới, hữu ích để nâng cao chất lượng giáo dục.

Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý - Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam


Khu Di tích cũng cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ nói chung và cán bộ phòng tuyên truyền giáo dục nói riêng, đầu tư để hằng năm có các trưng bày chuyên đề làm cơ sở cho việc triển khai các chương trình giáo dục dành cho học sinh phổ thông. Bên cạnh đó, Khu Di tích cũng cần kết nối với mạng lưới các di tích, bảo tàng cùng loại hình trong nước và quốc tế để chia sẻ, học hỏi và phát huy nguồn lực một cách hiệu quả, bền vững... 

Theo: nhandan.vn