Thứ 7, 23/11/2024, 10:26[GMT+7]

Kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ về thăm Thái Bình lần thứ ba (26/10/1958 - 26/10/2023) Luôn có Bác trong tim

Thứ 6, 20/10/2023 | 08:23:16
7,784 lượt xem
Trong đình Phương Cáp, xã Hiệp Hòa (Vũ Thư), tấm ảnh chụp Bác Hồ về thăm, nói chuyện với cán bộ và nhân dân tại đình làng năm ấy được giữ gìn và treo trang trọng trên tường. Bức ảnh không chỉ là kỷ vật quý giá mà còn là lời nhắc nhở cán bộ, nhân dân nơi đây niềm vinh dự, tự hào được đón Bác về thăm.

Đình Phương Cáp, xã Hiệp Hòa (Vũ Thư) - nơi Bác Hồ về thăm.

Luôn có Bác trong tim

Năm nay đã gần 90 tuổi nhưng bà Đỗ Thị Xoa, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Thư Trì (nay là huyện Vũ Thư) vẫn nhớ như in những lần được gặp Bác Hồ, trong đó có lần gặp tại đình Phương Cáp. Bà hồi tưởng: Dù là cán bộ huyện nhưng tôi cũng không biết mình sẽ được đón Bác. Từ đêm ngày 31/12/1966, chúng tôi được lệnh triệu tập họp ở Hợp tác xã Tân Phong (Việt Hùng). Sáng sớm ngày 1/1/1967, chúng tôi được thông báo thay đổi địa điểm họp tại đình Phương Cáp (Hiệp Hòa). Khi Bác đến, tôi và tất cả mọi người đều vô cùng ngạc nhiên, xúc động. Bác khen Hợp tác xã Tân Phong đạt năng suất lúa cao, khen xã Hiệp Hòa trồng cây giỏi... Bác còn căn dặn nhân dân và cán bộ toàn tỉnh về công tác sản xuất, xây dựng Đảng, phấn đấu đưa Thái Bình trở thành tỉnh gương mẫu về mọi mặt... Bác không quên nhắc nhở, phê bình thói xấu đánh chửi vợ của nam giới. Kết thúc buổi nói chuyện, mọi người quây quần bên Bác để chụp ảnh lưu niệm tại sân đình. Bác bảo các đồng chí nam giới nhường cho chị em phụ nữ ở hàng trên để không bị che khuất mặt. Thấy tôi ngồi hàng thứ hai nhưng ngồi hơi thấp, Bác vỗ vai tôi bảo: “Cháu ngồi chống chân cao lên kẻo chú Tố Hữu che mất mặt”. Tôi cũng cố ngồi cao hơn nhưng quả thật về sau ngắm ảnh, gương mặt tôi vẫn bị khuất, chỉ nhìn thấy chỏm đầu, tôi cứ tiếc mãi...

Dù được nhìn thấy Bác tại đình làng cách đây đã hơn nửa thế kỷ nhưng cho tới nay hình ảnh Bác Hồ vẫn vẹn nguyên trong tâm trí ông Bùi Đình Mậu, thôn Phương Cáp, xã Hiệp Hòa. Ông kể: Khi đó tôi là thành viên của tổ khoa học kỹ thuật - thuộc hợp tác xã, vẫn đi làm như mọi ngày. Đến khoảng 9 giờ sáng thì đồng chí Bí thư Chi bộ cho biết: Bác Hồ về thăm nhân dân Thái Bình tại đình Phương Cáp, đề nghị tổ kỹ thuật về gấp. Khi đó, niềm vui như vỡ òa. Chúng tôi vội vã về nhưng đứng mãi đằng xa. Tuy vậy cũng được chứng kiến Bác nói chuyện với cán bộ và nhân dân Thái Bình. Lúc bấy giờ chỉ có một số ít cán bộ thôi chứ chủ yếu là xã viên Hợp tác xã Tân Phong. Bác đã động viên, khích lệ, tiếp thêm nghị lực và niềm tin để các thế hệ hăng hái tham gia lao động, chiến đấu, học tập theo tấm gương của Người. Về sau, khi vào bộ đội, nhớ lại những hình ảnh thân thương của Bác đã cho tôi thêm ý chí chiến đấu và hoàn thành nhiệm vụ.

Khát vọng trên chặng đường mới

Ông Đỗ Như Thân, Bí thư Chi bộ thôn Phương Cáp cho biết: Từng vinh dự được đón Bác, chúng tôi hiểu rằng cần phát huy hơn nữa truyền thống lao động cần cù, đoàn kết và sáng tạo để xứng đáng với lời Người dạy năm xưa. Hiện toàn thôn có 75% hộ khá và giàu. Từ năm 2021 đến nay, nhân dân đã tự nguyện hiến đất nông nghiệp, đất vườn, ao, tháo tường dậu, thôn đã huy động đóng góp hơn 1,4 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới, trong đó lắp đặt thêm 2.980m hệ thống đèn điện thắp sáng đường quê, làm 4 đoạn đường nội xóm...

Ông Đào Trọng Loan, Bí thư Đảng ủy xã Hiệp Hòa chia sẻ: Trong sâu thẳm trái tim mỗi cán bộ, đảng viên, người dân xã Hiệp Hòa luôn khắc ghi niềm vinh dự, tự hào là mảnh đất được đón Bác về thăm, từ đó không ngừng phấn đấu, xây dựng quê hương ngày càng phát triển. 

Để giúp chúng tôi tận mắt thấy những minh chứng cụ thể, sinh động, ông Loan đưa chúng tôi tới thăm mô hình kinh tế của anh Đỗ Cao Cường, thôn An Để. Yêu ruộng đồng, quý từng tấc đất, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, anh Cường đã tìm được hướng đi mới để hướng đến nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa. Mô hình của anh cũng gợi mở nếp nghĩ, cách làm mới cho mọi người, góp phần giải bài toán ruộng hoang mà lâu nay nhiều địa phương còn loay hoay. 

Anh Cường chia sẻ: Qua những bài học, qua tư liệu lịch sử, tôi tự hào khi được sinh ra và lớn lên tại nơi Bác Hồ về thăm. Từ đó hình thành ý thức, trách nhiệm, khát vọng chinh phục tri thức và xây dựng quê hương. Bởi vậy, sau nhiều năm làm việc xa nhà, năm 2018 tôi bàn bạc với gia đình thuê 12ha đất chua trũng khó canh tác của các hộ dân trong thôn và đất của xã tiến hành chỉnh trang để cấy lúa. Đến nay tôi cấy 20ha lúa. Tôi đã đầu tư máy móc để phục vụ sản xuất và làm thêm dịch vụ, mỗi năm thu lãi 400 - 600 triệu đồng.

Ông Đào Trọng Loan thông tin thêm: Nửa chặng đường thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 - 2025, các chỉ tiêu cơ bản đạt và vượt kế hoạch đề ra. Kinh tế - xã hội có những chuyển biến tích cực, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc. Tận dụng thời cơ, vận hội mới, Đảng bộ và nhân dân Hiệp Hòa quyết tâm xây dựng quê hương sớm trở thành xã nông thôn mới nâng cao.

 Cán bộ, nhân dân xã Hiệp Hòa với bức ảnh Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, nhân dân tỉnh Thái Bình tại đình Phương Cáp.

Xuân Phương