Thứ 4, 02/10/2024, 11:17[GMT+7]

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng xã hội học tập thời đại số

Thứ 4, 02/10/2024 | 09:25:23
222 lượt xem
Việc vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng xã hội học tập thời đại số trên địa bàn tỉnh Thái Bình có ý nghĩa quan trọng, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của nhân dân. Phóng viên Báo Thái Bình có cuộc trao đổi với ông Vũ Mạnh Hiền, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh xung quanh nội dung này.

Ông Vũ Mạnh Hiền, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh trao học bổng “Học không bao giờ cùng” cho các cá nhân.

Phóng viên: Thưa ông, Hội Khuyến học tỉnh học được ở Bác những bài học lớn nào trong công tác xây dựng xã hội học tập thời đại số? 

Ông Vũ Mạnh Hiền: Bài học thứ nhất là “học nhân dân” là học đồng chí và đồng bào. Thông qua các cuộc gặp gỡ, đi cơ sở, trao đổi, tọa đàm với nhân dân, chúng tôi lĩnh hội được nhiều kinh nghiệm quý báu trong nhân dân, từ đó vận dụng vào thực tiễn, giải quyết nhiều vấn đề phức tạp một cách đơn giản, nhanh gọn và hiệu quả. 

Bài học thứ hai là lấy “tự học làm cốt”, tức là việc học tập phải do chính người học quyết định, tự kiểm tra, đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm cho bản thân mà không cần tới sự hướng dẫn, nhắc nhở của người khác. 

Bài học thứ ba là “có kế hoạch tự học”, là người học phải tự mình chủ động vạch kế hoạch học tập cho bản thân, sắp xếp thời gian tự học, nội dung nào cần học trước, nội dung nào học sau để có hiệu quả học tập cao nhất. 

Bài học thứ tư là “học đi đôi với hành”; người học phải biết vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Theo Bác: “Học mà không hành thì vô ích, hành mà không học thì hành không trôi chảy” cũng như trong một gia đình có hàng tấn thóc trong nhà nhưng không có kỹ năng để chuyển thành cơm thì vẫn đói; nếu một người có rất nhiều bằng cấp, nhiều kiến thức không được áp dụng vào thực tiễn cuộc sống thì kiến thức đó trở thành vô nghĩa, cuộc sống vẫn khó khăn. 

Bài học thứ năm là “học không bao giờ cùng, càng học càng tiến bộ, càng thấy càng phải học thêm”. Ngày nay, tinh thần “Học không bao giờ cùng”, học tập thường xuyên, học tập suốt đời ở Thái Bình đã lan tỏa rộng khắp đến mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh. 

Phóng viên: Xin ông cho biết những kết quả tỉnh Thái Bình đạt được khi vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng xã hội học tập thời đại số? 

Ông Vũ Mạnh Hiền: Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ở tỉnh Thái Bình đã có nhiều đổi mới, sáng tạo theo hướng “chủ động - thiết thực - hiệu quả” tạo khí thế sôi nổi, lan tỏa đến tất cả các tổ chức khuyến học. Các cấp hội đã tích cực đẩy mạnh công tác xây dựng, củng cố, phát triển tổ chức hội, hội viên cả về chiều rộng và chiều sâu; lựa chọn cán bộ đủ 5 tiêu chí: tâm huyết, trí tuệ, tín nhiệm, thực tiễn và có thời gian làm cán bộ chủ chốt trong tổ chức hội. Hội khuyến học các cấp đã thể hiện vai trò nòng cốt, chủ động phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo tham mưu cho cấp ủy, chính quyền ban hành nhiều văn bản tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong các văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, các văn bản của Hội Khuyến học Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo và UBND tỉnh. 

Học tập tư tưởng, phong cách của Bác, cán bộ, hội viên đều nêu cao tinh thần tự giác, tích cực tham gia học tập. Bên cạnh học lý thuyết đã ứng dụng những kiến thức học được vào thực tiễn cuộc sống, qua đó thúc đẩy phong trào thi đua học tập thường xuyên, học tập suốt đời, đáp ứng yêu cầu xây dựng xã hội học tập. Đến nay việc xây dựng các mô hình học tập của tỉnh đều đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra. Cùng với đó, Hội Khuyến học tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển đổi số trong các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh chuyển đổi số trong các hoạt động quản lý, điều hành, nâng cao chất lượng công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, Hội Khuyến học tỉnh từng bước nâng cấp website, kênh youtube Khuyến học Thái Bình News, hình thành nhiều nhóm zalo từ tỉnh đến cơ sở để đẩy mạnh công tác truyền thông đến các hội viên nhanh chóng, tiện lợi, năng suất, hiệu quả hơn. 

Phóng viên: Để việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng xã hội học tập thời đại số đạt được nhiều kết quả hơn nữa, thời gian tới, Hội Khuyến học tỉnh sẽ thực hiện những nhiệm vụ gì, thưa ông? 

Ông Vũ Mạnh Hiền: Hội sẽ tập trung xây dựng xã hội học tập, trước hết phải xây dựng thành công và nhân rộng các mô hình học tập, trong đó mô hình “công dân học tập” là hạt nhân, là nền móng, là trung tâm, là mục tiêu của xây dựng xã hội học tập. Gắn kết chặt chẽ xây dựng các mô hình học tập với nội dung các phong trào thi đua ở địa phương, cơ quan, đơn vị tạo động lực thúc đẩy phát triển các mô hình học tập thực chất, hiệu quả. Cùng với đó, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai “mô hình đổi mới trung tâm học tập cộng đồng hoạt động chất lượng, hiệu quả” trong nền xã hội số và giáo dục chuyển đổi số phù hợp, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ, nhân lực chất lượng cao, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển nhanh và bền vững. 

Các trung tâm học tập cộng đồng thường xuyên ứng dụng công nghệ thông tin trong các buổi tập huấn.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động khuyến học; tạo ra kết nối, liên kết mạnh mẽ hơn giữa các tổ chức, cơ quan, đơn vị... với việc xây dựng các mô hình học tập trong môi trường số thúc đẩy xây dựng thành công xã hội học tập. Tham mưu cho các cấp, các ngành đổi mới cơ chế, chính sách, đầu tư cơ sở vật chất, huy động mọi nguồn lực để xây dựng xã hội học tập trong thời đại số, tạo điều kiện thuận lợi cho toàn dân học tập và có môi trường học tập, thúc đẩy xã hội học tập phát triển lành mạnh, hiệu quả thực chất. Cấp ủy, chính quyền các cấp và các cơ quan, đơn vị cần chú trọng xây dựng, nhân rộng các mô hình học tập trên nền tảng số, thúc đẩy xây dựng thành công xã hội học tập thời đại số và coi đây là nhiệm vụ, trách nhiệm của mình trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị. 

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Đặng Anh

(thực hiện)