Thứ 7, 23/11/2024, 14:09[GMT+7]

Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác bầu cử

Thứ 4, 04/05/2016 | 18:27:53
1,222 lượt xem
(Chuyên đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh phục vụ sinh hoạt chi bộ tháng 5/2016)

Ảnh tư liệu.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh là đại biểu ưu tú, là linh hồn của Quốc hội nước ta. Những đóng góp của Người cho việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam nói chung, trong công tác bầu cử nói riêng đã trở thành di sản vô giá.

 

Ngọn cờ độc lập tự do của Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định trong Tuyên ngôn độc lập ngày 02-9-1945, đã được thể chế hóa bằng cuộc tổng tuyển cử ngày 06-01-1946 là mục tiêu đấu tranh, là động lực của toàn dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến và xây dựng đất nước. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, trong hoàn cảnh chính quyền non trẻ gặp muôn vàn khó khăn, cùng một lúc phải chống lại thù trong, giặc ngoài và giặc đói, giặc dốt, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn đề nghị Chính phủ lâm thời “tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu”[1]…

 

Đúng một tuần ngay sau ngày tuyên bố độc lập, ngày 8-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời ký Sắc lệnh số 14 về việc tổng tuyển cử bầu quốc dân đại hội. Sắc lệnh nêu rõ: “Nhân dân Việt Nam do quốc dân đại hội thay mặt là quyền lực tối cao để ấn định cho nước Việt Nam một Hiến pháp dân chủ cộng hòa. Trong tình thế hiện giờ, sự triệu tập quốc dân đại hội là rất cần thiết để cho toàn dân tham gia vào công cuộc củng cố nền độc lập chống ngoại xâm”[2].

 

Ngày 20-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 34 về việc thành lập Ủy ban dự thảo thể lệ cuộc tổng tuyển cử. Trong những ngày gian khó, phức tạp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo Hội đồng Chính phủ giải quyết những vấn đề trọng đại về quốc kế dân sinh, trong đó, việc tổ chức thành lập Quốc hội được đề ra thành chương trình nghị sự quan trọng của Đảng, Chính phủ và đồng bào. Thực hiện ý chí đó, cuộc tổng tuyển cử đã được chuẩn bị rất khẩn trương, chu đáo trong khắp cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết rất nhiều bài đăng trên Báo Cứu quốc và một số báo khác nhằm tuyên truyền, động viên nhân dân đi bỏ phiếu, thực hiện quyền làm chủ nước nhà: “Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình”[3].

 

Ngày 6-1-1946, cuộc tổng tuyển cử Quốc hội đầu tiên của đất nước diễn ra trong điều kiện cực kỳ khó khăn; nhưng dưới sự lãnh đạo kiên cường và sáng suốt của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với sự tin tưởng tuyệt đối và quyết tâm cao của toàn dân ta, cuộc tổng tuyển cử đã thành công tốt đẹp. Thắng lợi của tổng tuyển cử đầu tiên đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về thể chế dân chủ của nước ta. Người dân Việt Nam từ thân phận nô lệ, lầm than đã tự vươn mình trở thành chủ nhân của một nước tự do, độc lập. Sau ngày Quốc hội được bầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Tất cả đại biểu Quốc hội hứa với đồng bào là được cử vào Quốc hội để làm đại biểu Quốc hội không phải là để làm quan, không phải là để ngồi trên ăn trốc mà là người đầy tớ tuyệt đối trung thành của đồng bào”. “Những người được cử vào Quốc hội… hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, phục vụ chủ nghĩa xã hội” và “để xứng đáng với vinh dự to lớn là người đầy tớ tuyệt đối trung thành của nhân dân, cả đại biểu Quốc hội và cán bộ chính quyền cần phải: thực hành cần, kiệm, liêm chính; chí công, vô tư. Gương mẫu về mọi mặt. Đoàn kết công tác, học tập, lao động. Luôn luôn giữ tác phong khiêm tốn, chất phác và hòa mình với quần chúng thành một khối”[5].

 

Cùng với việc tiến hành tổng tuyển cử bầu Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước Việt Nam, công việc xây dựng chính quyền làng xã và bầu cử các đại biểu của nhân dân vào Hội đồng nhân dân các cấp ở địa phương cũng luôn được Người coi trọng. Người nhấn mạnh “Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực ở địa phương”.

 

Ngay từ thời kỳ đầu thành lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất quan tâm tới việc xây dựng hệ thống chính quyền ở các địa phương, đó là thành lập các Ủy ban Nhân dân. Trong bài viết “Cách tổ chức các Ủy ban Nhân dân” đăng trên báo Cứu quốc (11-9-1945), Người đã chỉ ra rằng: Các Ủy ban Nhân dân (làng, huyện, tỉnh, thành phố) là hình thức chính phủ trong các địa phương, phải chọn trong đó những người có công tâm, trung thành, sốt sắng với quyền lợi của dân chúng, có năng lực làm việc, được đông đảo nhân dân tín nhiệm. Nhất thiết không thể nhờ tiền tài hay một thế lực gì khác mà chui lọt vào đó được... Theo đó, ngày 25-3-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 152 quy định về thể lệ bầu cử vào Ủy ban hành chính kháng chiến. Ngày 25-5-1950, Người ký Sắc lệnh số 80 về việc bầu cử Hội đồng Nhân dân các cấp (tỉnh, huyện và xã). Đặc biệt, Người luôn nhắc nhở: Chính phủ là công bộc của dân và công việc của Chính phủ đều nhằm vào mục đích duy nhất là mưu cầu hạnh phúc, tự do cho mọi người, cho nên Chính phủ nhân dân bao giờ cũng phải đặt quyền lợi của dân lên hết thảy. Để xứng đáng là những người đại biểu của dân, là công bộc của dân, cán bộ phải không ngừng rèn luyện phẩm chất và năng lực cách mạng của mình.

 

Ngày hội lớn của toàn dân - ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 đang đến gần. Học tập quan điểm, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác bầu cử, càng thấy rõ hơn sự vĩ đại và công lao to lớn của Người. Mỗi chúng ta, bằng suy nghĩ và việc làm cụ thể, tích cực thi đua lập thành tích chào mừng cuộc bầu cử và kỷ niệm 126 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2016); sáng suốt lựa chọn những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân bầu vào Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021!

 

NGUỒN: BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY

 

Tài liệu tham khảo:

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, Hà Nội.2000, tr.8

[2] Việt Nam dân quốc Công báo, số ngày 29-9-1945

[3],[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, Hà Nội.2000, tr.145

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 10, Nxb CTQG, Hà Nội.1996, tr.177

 

  • Từ khóa