Chủ nhật, 17/11/2024, 01:41[GMT+7]

Phương pháp dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua bài báo “Dân vận”

Thứ 3, 04/10/2016 | 08:39:38
3,479 lượt xem
(Chuyên đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh phục vụ sinh hoạt chi bộ tháng 10/2016)

Diện mạo làng quê Dũng Nghĩa (Vũ Thư) sau khi về đích nông thôn mới. Ảnh: Quỳnh Lưu.

 

Ngày 15/10/1949, Báo Sự Thật đăng bài “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh với bút danh X.Y.Z. Bài báo ra đời ở thời điểm cả dân tộc đang chuẩn bị bước vào những chiến dịch lớn trong cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp vô cùng gay go, quyết liệt, đòi hỏi công tác vận động quần chúng của Đảng phải đi vào chiều sâu, cụ thể, thiết thực nhằm động viên tối đa sức người, sức của cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Tác phẩm đã chỉ dẫn về nội dung, phương pháp dân vận vô cùng sâu sắc nhưng hết sức giản dị, tỏ rõ phong cách của vị lãnh tụ thiên tài.

 

Trước khi bàn về nội dung, phương pháp dân vận, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ cho cán bộ, đảng viên thấm nhuần về bản chất tốt đẹp của Nhà nước ta, đó là: “nước ta là nước dân chủ”. Chính nhờ có bản chất tốt đẹp đó mà Đảng ta đã hiệu triệu được toàn dân đứng lên theo Đảng tiến hành sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng nhà nước của dân, do dân và vì dân. Đây cũng là mục tiêu phấn đấu suốt cuộc đời hoạt động của Người để xây dựng một nhà nước tốt đẹp, trong đó người dân thực sự là chủ: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân”, “Bao nhiêu quyền lợi đều của dân”. Theo Hồ Chí Minh, bản chất công tác dân vận là “vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và đoàn thể giao cho. Trong quy trình dân vận Người đặc biệt chú ý đến dân chủ. Người chỉ rõ: “Bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương rồi động viên và tổ chức toàn dân ra sức thi hành”.

 

Quan điểm về dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh rất cụ thể, rõ ràng: “Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân (Liên Việt, Việt Minh...) đều phải phụ trách dân vận”. Quan điểm này chỉ rõ cho mọi cấp chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực, chủ động, sáng tạo để có biện pháp vận động quần chúng phù hợp, thiết thực, hiệu quả.

 

Về phương pháp dân vận, đây là vấn đề được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra với những yêu cầu hết sức nghiêm ngặt với cán bộ làm công tác dân vận, đó là: “Phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”.

 

Óc nghĩ được Hồ Chí Minh đặt ở vị trí hàng đầu, điều này cho thấy Người đặc biệt chú ý đến trí tuệ của người làm công tác dân vận. Hoạt động dân vận trước hết là sự hiểu biết về lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, về đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; khả năng tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục quần chúng; nắm bắt được tâm tư, tình cảm của quần chúng nhân dân để kịp thời tham mưu cho Đảng những chủ trương, giải pháp đúng đắn, kịp thời để phát huy tích cực và ngăn chặn mặt tiêu cực phát sinh trong quần chúng. Cán bộ dân vận phải tham mưu, đề xuất cho Đảng, Nhà nước xây dựng, ban hành được các chủ trương, đường lối, chính sách hợp lòng dân, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phải có trình độ tổ chức phong trào cách mạng của quần chúng.

 

Mắt trông là yêu cầu đặc biệt nghiêm ngặt đối với cán bộ dân vận. Cán bộ dân vận phải sát cơ sở, tuyệt đối không được quan liêu, chỉ ngồi nghe điện thoại, nhận báo cáo rồi nhận định, phán xét. Theo Hồ Chí Minh, muốn vận động quần chúng, muốn tham mưu được cho Đảng về công tác vận động quần chúng cho thiết thực, đạt hiệu quả cao thì điều đặc biệt quan trọng là phải mục thị được sự việc liên quan đến chức năng, nhiệm vụ công tác dân vận.

 

Tai nghe là phương pháp khoa học của công tác dân vận. Theo Hồ Chí Minh, người làm công tác dân vận phải nắm bắt kịp thời các thông tin quần chúng, phải biết nghe dân nói, phải hiểu được nguyện vọng chính đáng của dân và biết loại trừ những thông tin nhiễu, thiếu chân thực, không khách quan, không đúng sự thật. Nghe được dân nói nhưng không rơi vào tình trạng theo đuôi quần chúng mà phải biểu thị được thái độ vừa cầu thị, vừa định hướng dẫn dắt được quần chúng.

 

Chân đi là một đòi hỏi bức thiết luôn đặt ra đối với cán bộ dân vận. Đây là yếu tố chống căn bệnh quan liêu, hành chính về làm việc theo kiểu giấy tờ của các cơ quan. Sinh thời, dù bận nhiều công việc nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn dành thời gian đi cơ sở để khảo sát tình hình thực tế, lắng nghe ý kiến của dân và trực tiếp tháo gỡ những khó khăn nảy sinh trong dân.

 

Miệng nói là phương pháp không thể thiếu của người làm công tác dân vận. Người cán bộ dân vận phải thường xuyên có trách nhiệm tuyên truyền và cổ động nhân dân thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Theo Hồ Chí Minh, để dân hiểu, dân tin, dân ủng hộ và làm theo thì công tác tuyên truyền miệng phải đúng và phải khéo. Nói với dân phải đơn giản, rõ ràng, thiết thực và cụ thể, tránh mệnh lệnh. Theo Hồ Chí Minh, quần chúng của ta vốn không thuần nhất nên đến với từng đối tượng người cán bộ dân vận phải chọn cách thức phù hợp, nhưng điều đặc biệt quan tâm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh thường căn dặn cán bộ dân vận là đến với dân, nói với dân phải chân thành, bình đẳng và cầu thị.

 

Tay làm là phương pháp hết sức quan trọng và thiết thực của cán bộ nói chung và cán bộ làm công tác dân vận nói riêng. Nói đi đôi với làm là phạm trù đạo đức đối với tất cả chúng ta. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan đến đến vấn đề này. Người có nhiều bài viết, bài nói phê phán những cán bộ, đảng viên “nói không đi đôi với làm”, “đánh trống bỏ dùi”. Người nhắc nhở: “Muốn thực sự làm người lãnh đạo, người chỉ huy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải hết sức giữ gìn và nêu gương về mặt đạo đức. Bởi vì theo Người, sức hấp dẫn của chủ nghĩa xã hội và lòng tin của dân đối với Đảng không phải lý tưởng cao xa mà trước hết, cụ thể và trực tiếp nhất là ở tấm gương của những người cộng sản đang cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với dân, đặc biệt là những người có chức, có quyền.

 

Chỉ với 13 từ ngắn gọn, song những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hàm chứa thật đầy đủ những yêu cầu đặt ra đối với người làm công tác dân vận. Tất cả các nội dung đều thống nhất, hòa quyện chặt chẽ với nhau, bổ sung cho nhau, rất giản dị mà sâu sắc, trở thành cẩm nang cho người làm công tác dân vận của Đảng, chính quyền và đoàn thể nhân dân.

 

Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, trong mỗi giai đoạn cách mạng, các cấp ủy đảng trong tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt công tác dân vận. Thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” đã tạo sự chuyển biến quan trọng trong nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí, nhiệm vụ công tác dân vận. Các cấp, các ngành đã cụ thể hóa Nghị quyết bằng các cơ chế, chính sách, chương trình hành động cụ thể, phù hợp với thực tiễn và gắn với yêu cầu, nhiệm vụ của địa phương, đơn vị. Tập trung vào nhiệm vụ tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức cán bộ; giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc chính đáng của nhân dân, làm cho nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước. Công tác dân vận của các cơ quan nhà nước được quan tâm và đổi mới hơn, đã tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, từng bước xây dựng và thực hành phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, các hội quần chúng chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; tập trung hướng về cơ sở, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được các tổ chức, cá nhân thực hiện hiệu quả trên các lĩnh vực, gắn kết chặt chẽ với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đóng góp tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của các địa phương, cơ quan, đơn vị. Ở nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị trong tỉnh, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đã có những chuyển biến tích cực trong việc đổi mới lề lối, tác phong làm việc, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, hệ thống chính trị vững mạnh, khắc phục một số biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong Đảng và trong xã hội. Nhiều tấm gương cán bộ, đảng viên gương mẫu hiến đất mở đường, dồn điền đổi thửa, xây dựng nông thôn mới, xây dựng nếp sống văn hóa ở cơ quan, đơn vị, được nhân dân đánh giá cao và tích cực hưởng ứng.

 

Bên cạnh những kết quả đạt được, ở một số tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, một số cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trong nhận thức cũng như thực hành công tác dân vận chưa thật đầy đủ. Cá biệt, vẫn còn những hiện tượng quan liêu, nhũng nhiễu, xa dân, hành dân… là những “con sâu làm rầu nồi canh”, làm xói mòn lòng tin của nhân dân với Đảng. Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng trên mọi lĩnh vực; sự nghiệp đổi mới đất nước bên cạnh những thuận lợi cơ bản, cũng đang phải đối mặt với không ít những khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, nhận thức về vai trò của nhân dân, về công tác dân vận, về phương pháp công tác dân vận càng có ý nghĩa thiết thực hơn bao giờ hết như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.

 

Nguồn: Ban Dân vận Tỉnh ủy

  • Từ khóa