Thứ 7, 23/11/2024, 09:27[GMT+7]

Đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân tỉnh Thái Bình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thứ 5, 06/10/2016 | 09:06:30
2,157 lượt xem
Hiện nay, toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta đang đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ sự nghiệp đổi mới đất nước trong bối cảnh có nhiều thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Trong đó, chống tụt hậu về phát triển kinh tế - xã hội, chống lợi ích nhóm, phòng chống tham nhũng, lãng phí, đặc quyền đặc lợi, chống suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên… là những vấn đề cấp bách. Trong bối cảnh đó, việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo

Công nhân Xí nghiệp Dệt may Nam Thành, xã Thái Phương (Hưng Hà) may khăn bông xuất khẩu. Ảnh: Ngọc Linh.

 

Bài 2: Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân

 

1. Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân

 

Cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời về nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Tổ quốc và nhân dân. Rời Bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước, người thanh niên Nguyễn Tất Thành mang theo hoài bão, khát vọng giành lại nền độc lập cho Tổ quốc, tự do cho nhân dân Việt Nam. Suốt gần mười năm (1911 - 1920), trải bao sự tìm tòi, chiêm nghiệm, Người đã tìm được con đường cứu nước, giải phóng dân tộc; tích cực hoạt động để truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin về nước, trước hết là trong lớp thanh niên trí thức yêu nước, công nhân lao động về nhiệm vụ và con đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Người đã tham gia sáng lập: “Hội Liên hiệp thuộc địa”, viết sách báo, đặc biệt là báo “Người cùng khổ” và cuốn “Bản án chế độ thực dân Pháp”; tham gia nhiều hội nghị quốc tế quan trọng của Quốc tế cộng sản; sáng lập ra Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, báo Thanh niên; soạn thảo Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng… Ngày 3/2/1930, Người đã sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam - đội tiên phong của giai cấp công nhân và của cả dân tộc, để lãnh đạo toàn dân đấu tranh giành lại nền độc lập, tự do cho Tổ quốc. Đầu những năm 30 của thế kỷ XX, khi còn ở trong nhà tù Victoria của thực dân Anh ở Hồng Kông, Hồ Chí Minh luôn canh cánh trong lòng nỗi niềm với Tổ quốc. Người đã từng tâm sự rằng, đối với người cách mạng, không gì khổ tâm bằng đã hoạt động được lại mất liên lạc với đoàn thể lâu ngày.

 

Trở về nước sau bao năm bôn ba, vượt lên trên cuộc sống khó khăn, gian khổ, thiếu thốn đủ bề, Hồ Chí Minh khẩn trương bắt tay vào thực hiện nhiều công việc quan trọng, chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Người kêu gọi nhân dân tham gia Mặt trận Việt Minh, coi trách nhiệm cứu quốc là công việc chung của tất cả mọi người, rằng hễ ai là người Việt Nam cũng đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm. Người xác định và nêu cao trách nhiệm của mình: “Riêng phần tôi, xin đem hết tâm lực đi cùng các bạn, vì đồng bào mưu giành tự do độc lập, dầu phải hy sinh tính mệnh cũng không hề”1.

 

Từ sau năm 1945, với cương vị là người đứng đầu Đảng và Nhà nước, Hồ Chí Minh nhận thức rõ trách nhiệm của mình, đó là nhận sự ủy thác của quốc dân, đồng bào, hoàn thành trách nhiệm được Tổ quốc giao phó “cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận”2 nhằm làm cho “nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”3; xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới. Quá trình lãnh đạo cách mạng, có lúc Đảng ta phạm sai lầm, khuyết điểm. Hồ Chí Minh đã nêu cao tinh thần dám chịu trách nhiệm, không né tránh. Người đã thay mặt Đảng, Nhà nước xin lỗi nhân dân. Trong “Thư gửi đồng bào nông thôn và cán bộ nhân dịp cải cách ruộng đất ở miền Bắc căn bản hoàn thành”, sau khi nêu những khuyết điểm, sai lầm của Đảng trong việc đoàn kết nông thôn, việc đánh kẻ địch, việc chấn chỉnh tổ chức, trong chính sách thuế nông nghiệp, Người viết “Trung ương Đảng và Chính phủ đã nghiêm khắc kiểm điểm những sai lầm, khuyết điểm ấy và đã có kế hoạch kiên quyết sửa chữa, nhằm đoàn kết cán bộ, đoàn kết nhân dân, ổn định nông thôn, đẩy mạnh sản xuất”4.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nêu tấm gương sáng về phong cách sống chân thành, khiêm tốn, giản dị, phấn đấu suốt đời vì nước, vì dân. Trong hoạt động giao tiếp với mọi người, không bao giờ Bác tự đặt mình vào vị trí cao hơn người khác. Khi được mọi người xưng tụng, tung hô: “Hồ Chủ tịch muôn năm!”, Người đề nghị mọi người ngồi xuống và nói: “... trăm năm đã là quá. Bây giờ Bác chỉ muốn nằm một chút thôi”. Người thường dạy: Đem lòng chí công vô tư mà đối với người, đối với việc; làm bất cứ việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước; không ham người tâng bốc mình... Vào những dịp kỷ niệm ngày sinh của mình, Người thường tìm cách đi công tác vắng để tránh việc mọi người đến chúc thọ, tặng quà. Người đề nghị các cơ quan, các địa phương đến ngày sinh của Bác không tổ chức kỷ niệm, chúc thọ để tránh lãng phí thời gian, tiền bạc. Trước khi đi vào cõi vĩnh hằng, Người dặn không tổ chức điếu phúng linh đình để tiết kiệm thời gian và tiền bạc của nhân dân.

 

2. Những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân

 

Sinh ra , lớn lên trong sự hòa nhập vào đời sống xã hội, tham gia vào các quan hệ xã hội, mỗi cá nhân con người đều có một vị thế xã hội nhất định và gắn với vị thế đó phải đảm đương một vai trò nhất định; từ đó mà hình thành trách nhiệm của mỗi người. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi trách nhiệm là việc phải làm, là việc không thể thoái thác, là bổn phận của mỗi người. Đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, Hồ Chí Minh nhấn mạnh 3 nội dung: Một là, trách nhiệm với Tổ quốc, đây là trách nhiệm thiêng liêng, cao cả nhất, thể hiện ở tinh thần đấu tranh quên mình, hy sinh vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Hai là, trách nhiệm đối với nhân dân, với quan điểm mấu chốt là “Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”. Ba là, trách nhiệm đối với Đảng; Người dạy: “Người cộng sản chúng ta không được phút nào quên lý tưởng cao cả của mình là: suốt đời làm cách mạng, phấn đấu cho Tổ quốc hoàn toàn độc lập, làm cho chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản hoàn toàn thắng lợi trên Tổ quốc ta và trên toàn thế giới”5.

 

Theo Hồ Chí Minh, nêu cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên là:

 

- Tích cực, tự giác thực hiện nhiệm vụ được giao: Khi được Đảng, Chính phủ hoặc cấp trên giao cho việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ cũng phải đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm, làm thì phải làm cho đến nơi đến chốn, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, làm cho thành công. Trong thực hiện nhiệm vụ được giao phải “có gan phụ trách”, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, chủ động sáng tạo để có kết quả cao nhất. Nêu cao tinh thần trách nhiệm là phải làm tròn trách nhiệm của mình một cách tự giác, theo lương tâm, lương tri. Làm việc theo nhu cầu nội tâm cá nhân, làm việc cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm, khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy... là không có tinh thần trách nhiệm.

 

- Phải có ý thức đúng đắn về trách nhiệm của mình trên mọi cương vị, vị trí công tác. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Nghề nào cũng vinh quang và việc gì cũng phải cố gắng chuyên tâm, không chủ quan, đại khái. Trong các bài nói, bài viết của mình, Người nêu rất cụ thể về trách nhiệm của mỗi ngành, mỗi cấp, mỗi nghề. Chẳng hạn, người nấu bếp thì luôn luôn lo làm cho cơm lành, canh ngọt, bát đũa sạch sẽ, không phí phạm của công, tìm cách tăng gia, trồng rau, nuôi gà. Khi anh em ốm yếu thì có bát canh, bát cháo. Khi bộ đội đang mải đánh giặc thì tìm cách đưa cơm đến nơi cho anh em ăn. Khi tiếp tế khó khăn thì tìm mọi cách vượt qua, không để anh em thiếu thốn... Như thế là có tinh thần trách nhiệm hoàn thành nhiệm vụ được phân công. Bác Hồ phê phán những cán bộ, đảng viên “Cậy thế mình ở trong ban này, ban nọ rồi ngang tàng, phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân. Quên rằng dân bầu mình ra để làm việc cho dân, chứ không phải để cậy thế với dân”6.

 

- Nắm vững chính sách và thực hiện đường lối quần chúng của Đảng: Đảng và Chính phủ đề ra chính sách, còn cán bộ, đảng viên phải nghiên cứu, hiểu rõ, thấm nhuần chính sách ấy; theo chính sách ấy mà điều tra, nghiên cứu, nắm chắc hoàn cảnh thiết thực của đơn vị mình, địa phương mình; đặt kế hoạch rõ ràng, tỉ mỉ, thiết thực, để giải thích, tuyên truyền, cổ động quần chúng, làm cho mọi người hiểu rõ và ủng hộ chính sách của Đảng và Chính phủ như là của họ, rồi thi đua thực hiện đầy đủ chính sách ấy.

 

Cùng với việc nêu cao tinh thần trách nhiệm, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng cảnh báo cán bộ, đảng viên về vấn đề chủ nghĩa cá nhân. Người cho rằng: “Chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể”, “miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy”. Theo Bác: “Chủ nghĩa cá nhân đặt lợi ích riêng của mình, của gia đình mình lên trên, lên trước lợi ích chung của dân tộc”; chủ nghĩa cá nhân có những biểu hiện rất đa dạng, là nguồn gốc của những “căn bệnh” làm hư hỏng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, làm tha hóa Đảng, như: bệnh nể nang; bệnh tham lam; bệnh tham ô; bệnh lười biếng; bệnh hữu danh vô thực; bệnh kéo bè, kéo cánh... Đây là sự nguy hiểm tiềm tàng, dai dẳng, có thể làm cho Đảng mất dần tính cách mạng, tính trí tuệ, tính đạo đức, tính văn minh và tính nhân dân; là một thứ “địch nội xâm”, “một thứ vi trùng rất độc” đe dọa sự tồn vong của Đảng, Nhà nước. Người nêu lên nguyên nhân sở dĩ một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên không chịu thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, để lòng tham, ham muốn vật chất, lối sống hưởng thụ, tham vọng quyền lực chi phối, rơi vào suy thoái, hư hỏng, chung quy cũng chính là do chủ nghĩa cá nhân. Vì lẽ đó, đạo đức cách mạng là bất luận trong điều kiện, hoàn cảnh nào cũng phải quyết tâm đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân.

 

Theo Bác, cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân là cuộc đấu tranh cam go, quyết liệt, lâu dài và gian khổ. Người nêu lên hình ảnh “Tư tưởng cộng sản với tư tưởng cá nhân ví như lúa với cỏ dại. Lúa phải chăm bón rất khó nhọc thì mới tốt được. Còn cỏ dại không cần chăm sóc cũng mọc lu bù. Tư tưởng cộng sản phải rèn luyện gian khổ mới có được. Còn tư tưởng cá nhân thì cũng như cỏ dại, sinh sôi, nảy nở rất dễ”. Tuy nhiên, Người cũng lưu ý, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không phải là “giày xéo lên lợi ích cá nhân”, vì “mỗi người đều có tính cách riêng, sở trường riêng, đời sống riêng của bản thân và của gia đình mình. Nếu những lợi ích cá nhân đó không trái với lợi ích của tập thể thì không phải là xấu…”.

 

3. Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân ở Thái Bình trong giai đoạn hiện nay

 

Đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, các tầng lớp nhân dân, việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là công việc thường xuyên, lâu dài và quan trọng. Tuy nhiên, trong mỗi giai đoạn cách mạng, có những trọng tâm, trọng điểm, gắn với bối cảnh, điều kiện và yêu cầu đặt ra trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Trong giai đoạn hiện nay, Đảng bộ, chính quyền, các tầng lớp nhân dân Thái Bình đang triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020; đồng thời, tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”… Việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân cần phải được thể hiện ở những nội dung cụ thể sau:

 

3.1. Đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức:

 

Phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng của quê hương anh hùng, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong tỉnh cần tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, tạo sức bật để Thái Bình bứt phá phát triển đi lên. Hiện nay, tình hình địa phương, đất nước và thế giới đã có nhiều điểm khác so với lúc sinh thời Hồ Chí Minh. Quán triệt những lời dạy của Bác trong điều kiện và hoàn cảnh mới, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cần chủ động, quyết đoán, linh hoạt, sáng tạo, dám nghĩ dám làm và dám chịu trách nhiệm, phấn đấu hoàn thành xuất sắc chức trách, nhiệm vụ được giao; quan tâm xử lý, giải quyết thấu đáo những công việc liên quan trực tiếp tới đời sống hàng ngày của người dân.

 

Mỗi cơ quan, ban, ngành..., tùy theo chức năng, nhiệm vụ của mình, tiếp tục xây dựng, bổ sung bộ tiêu chí cụ thể đối với mỗi loại chức danh cán bộ, công chức, viên chức trong học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh; lấy đó làm một trong những căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành công việc của mỗi người. Dù ở cương vị nào, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cũng phải luôn xác định, ghi nhớ rằng mình là công bộc của dân như Bác đã dạy: “Dân làm chủ thì chủ tịch, bộ trưởng, thứ trưởng, ủy viên này khác là làm gì? Làm đày tớ. Làm đày tớ cho nhân dân, chứ không phải là làm quan cách mạng”7.

 

Cán bộ, công chức phải thấy rõ những tác hại của chủ nghĩa cá nhân, không được nhầm lẫn giữa sự ủy quyền của nhân dân với quyền lực cá nhân. Chừng nào còn hiện tượng “lạm quyền”, “lộng quyền”, “chạy quyền”, “mua quyền”, “bán quyền”, “tham quyền cố vị”… thì chừng ấy chủ nghĩa cá nhân - rào cản ngăn trở người cán bộ, đảng viên phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng, của dân tộc - còn tồn tại. Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân là đấu tranh chống lại kẻ thù vô hình, nhưng lại luôn ẩn nấp ngay trong mỗi người; bởi vậy, từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải luôn tự cảnh giác với chính bản thân mình, phải chủ động, tích cực, vượt qua những cạm bẫy, cám dỗ của lợi ích vật chất và những tác động mặt trái của cơ chế thị trường và tiến trình hội nhập quốc tế; đề cao tinh thần cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, đặc biệt cảnh giác với “tự diễn biến” từ bên trong nội bộ tổ chức, cơ quan. Từng cấp ủy, tổ chức đảng phải hết sức coi trọng khâu giáo dục đạo đức cách mạng; quản lý, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên về phẩm chất đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh; xây dựng động cơ phấn đấu đúng đắn cho đội ngũ công chức, viên chức trẻ. Mỗi công chức, viên chức trẻ phải nhận thức sâu sắc rằng, vào Đảng không phải là để thăng quan tiến chức, mà là để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân theo lời dạy của Bác Hồ: “Ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Đảng không có lợi ích gì khác... Vô luận lúc nào, vô luận việc gì, đảng viên và cán bộ phải đặt lợi ích của Đảng ra trước”8.

 

3.2. Đối với các tầng lớp nhân dân:

 

Không chỉ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, mà mỗi người dân đều có trách nhiệm phụng sự Tổ quốc, tham gia xây dựng đất nước, quê hương bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, bởi “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”. Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách và lời dạy của Bác Hồ về nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, mỗi người dân hăng hái lao động, phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần; chung tay xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh, xanh - sạch - đẹp... Tích cực tìm hiểu, nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia xây dựng chính quyền địa phương trong sạch, vững mạnh bằng việc nêu sáng kiến, tham gia bàn bạc, đóng góp ý kiến cho các công việc, quyết sách quan trọng của địa phương.

 

Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không chỉ là vấn đề đặt ra riêng đối với cán bộ, đảng viên mà còn là yêu cầu đối với mỗi người dân; bởi chủ nghĩa cá nhân xuất phát từ “lòng tham”, dẫn đến thoái hóa, biến chất, mà “tham, sân, si” lại là thứ vốn có trong mỗi con người. Học tập, làm theo lời dạy của Bác, đòi hỏi mỗi người dân phải tự tiết chế bản thân. Khi lợi ích của cá nhân, gia đình bị xâm hại, người dân đấu tranh đòi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng là điều cần thiết; song không vì thế mà để chủ nghĩa cá nhân trỗi dậy, dẫn đến đòi hỏi những lợi ích phi lý, có hành vi vi phạm pháp luật; hoặc để kẻ xấu lợi dụng vào mục đích phi pháp khác.

 

Người dân cũng cần chủ động, tích cực giúp cấp ủy, chính quyền địa phương đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân bằng cách phát hiện, tố cáo những cán bộ, đảng viên có hành vi sai trái, tiêu cực, phạm pháp do chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, hẹp hòi; chân tình, thẳng thắn góp ý phê bình giúp cán bộ, đảng viên thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao; biểu dương những cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức biết vượt lên trên chủ nghĩa cá nhân, tận tụy phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Làm được như vậy mỗi người dân Thái Bình đã thực hiện tốt tư tưởng, đạo đức, phong cách và những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, góp phần “xây dựng Thái Bình trở thành tỉnh gương mẫu về mọi mặt” như lời Bác căn dặn khi Người về thăm Thái Bình vừa tròn 50 năm trước.

 

(còn nữa)

Nguyễn Hồng Chuyên

1 Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 198.

2 Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 161.

3 Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3 Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 161.

4 Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 236.

5 Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 61 - 62.

6 Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 57.

7 Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 375.

8 Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 250 - 251.

  • Từ khóa