Chủ nhật, 24/11/2024, 04:30[GMT+7]

Kỷ niệm 60 năm - ngày Bác Hồ về thăm Thái Bình lần thứ ba (1958 - 2018): Bác mong Thái Bình cố gắng làm cho kỳ được vụ mùa thắng lợi, cuối năm Bác sẽ về thăm

Thứ 4, 24/10/2018 | 11:07:26
24,592 lượt xem
Ngày 03/7/1958 Bác về thăm tỉnh Hưng Yên, hơn 100 đại biểu cán bộ và nhân dân Thái Bình sang đón Bác. Khi được gặp Bác, Bác căn dặn: “ Cán bộ lãnh đạo phải săn sóc đời sống nhân dân về mọi mặt, nhất là sản xuất, học tập và sức khỏe của nhân dân…” Bác mong Thái Bình cố gắng làm cho kỳ được vụ mùa thắng lợi, cuối năm Bác sẽ về thăm”.

Đền thờ Bác Hồ tại đảo Trường Sa lớn. Ảnh Thanh Thưởng.

Năm 1958, Thái Bình bước vào năm đầu của kế hoạch ba năm ( 1958 - 1960) cải tạo và bước đầu phát triển kinh tế, văn hóa. Tỉnh ủy và UBND tỉnh quyết định phát động phong trào thi đua mà nội dung chính là đẩy mạnh sản xuất ( nhất là nông nghiệp) và hoàn thành căn bản việc xóa mù chữ trong toàn tỉnh để bước sang thời kỳ bổ túc văn hóa. Hàng loạt khẩu hiệu hành động được nêu ra nhằm cổ vũ cho phong trào: “ Thái Bình quyết tâm thực hiện tấc đất tấc vàng”, “ Ngõ sạch đường quang, sạch làng tốt ruộng”, “ Nhà nhà thi đua, người người thi đua, ngành ngành thi đua, làm cho cả tỉnh được mùa, toàn dân biết chữ đón Bác Hồ về thăm”…

Tuy ở xa, Hồ Chủ tịch hàng ngày vẫn dõi theo và biết Thái Bình đang và đã làm được việc gì. Người chú ý đến phong trào thi đua làm ruộng có năng suất cao của Thái Bình. Từ Thủ đô, Bác đã gửi điện cho Tỉnh ủy Thái Bình nhắc nhở những điểm cần chú ý.

Ngày 03/7/1958 Bác về thăm tỉnh Hưng Yên, hơn 100 đại biểu cán bộ và nhân dân Thái Bình sang đón Bác. Khi được gặp Bác, Bác căn dặn: “ Cán bộ lãnh đạo phải săn sóc đời sống nhân dân về mọi mặt, nhất là sản xuất, học tập và sức khỏe của nhân dân…” Bác mong Thái Bình cố gắng làm cho kỳ được vụ mùa thắng lợi, cuối năm Bác sẽ về thăm”.

Thực hiện đúng lời chỉ bảo, cổ vũ, động viên của Bác và Trung ương Đảng, vụ mùa năm 1958 Thái Bình đạt năng suất chưa từng thấy, bình quân 27,21 tạ một công mẫu, đưa tổng sản lượng lương thực lên 254811 tấn. So với vụ mùa năm 1939 ( năm được mùa nhất trong thời Pháp thuộc) năng suất và tổng sản lượng đều tăng gấp đôi, hơn năm 1957 ngót 4 vạn tấn thóc. Các huyện ven biển đồng chua nước mặn như Tiền Hải, Thụy Anh, Thái Ninh cũng thu hoạch được 27 tạ một công mẫu. HTX Vũ Vân đạt năng suất bình quân cao nhất tỉnh. HTX Hoàng Đức phá kỷ lục HTX Hiệp An ( Hải Dương) với năng suất bình quân 145 cân một sào, tạo kỷ lục mới cho năm 1958. Đặc biệt ở Tiên Hưng, em Phúc 12 tuổi cấy mảnh lúa thí nghiệm tính ra 30 tạ một mẫu tây.

Tại Đại hội liên hoan chiến sỹ thi đua công - nông - binh toàn quốc họp ngày 07/7/1958 tại Hà Nội, Thái Bình có 11 chiến sỹ, hai tổ đổi công và một cán bộ gương mẫu đi dự. Các chiến sỹ đó là những gương điển hình trong nông nghiệp, như Nguyễn Văn Thơi (xã Hiệp Hòa, Thư Trì), Nguyễn Văn Cát ( xã Đông Mỹ, Đông Quan), Phạm Thơ ( xã An Ninh, Kiến Xương) Nguyễn Văn Mòi ( xã Thụy Hải, Thụy Anh)…

Sản xuất thắng lợi, Thái Bình còn cơ bản thanh toán nạn mù chữ trong toàn tỉnh. Hai đơn vị: xã Hoa Lư và Thị xã Thái Bình dẫn đầu trong việc thanh toán nạn mù chữ. Nhiều tấm gương tiêu biểu xuất hiện và nhiều cá nhân vinh dự được nhận huy hiệu của Bác. Năm 1958, Thái Bình đã thay đổi nhiều mặt về kinh tế, xã hội, văn hóa, ai cũng mừng và mong: Cả tỉnh được mùa, toàn dân biết chữ vui đón Bác Hồ về thăm.

Hợp Hưng