Chủ nhật, 24/11/2024, 07:52[GMT+7]

Ngành Giáo dục: Nhiều cách làm hay trong học tập và làm theo Bác

Thứ 2, 20/05/2019 | 08:46:16
1,600 lượt xem
Nhận thức được tầm quan trọng của việc giáo dục theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đối với học sinh, những năm qua, nhiều trường học trong tỉnh đã xây dựng và triển khai sâu rộng việc học tập và làm theo Bác. Từ đó, xuất hiện nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo cần được nhân rộng.

Chương trình ngoại khóa “Hồ Chí Minh - tên Người là cả một niềm thơ” do Trường THCS thị trấn Vũ Thư tổ chức.

Từ “Tủ sách Bác Hồ”
Chăm chú dõi theo từng trang trong cuốn “Bác Hồ với thiếu niên, nhi đồng”, em Nguyễn Ngọc Hà, học sinh Trường THCS An Vũ (Quỳnh Phụ) chia sẻ: Hôm nay bài tập không nhiều nên em tranh thủ đến thư viện trường đọc sách. Em rất thích những câu chuyện về Bác Hồ với thiếu nhi nên hễ có thời gian rảnh là em lại xuống đây đọc. Theo Ngọc Hà, em và nhiều bạn trong Trường mê nhất là câu chuyện “Chiếc vòng bạc” kể về một em bé gái ở Việt Bắc khi gặp Bác Hồ, em ước mơ có một chiếc vòng bạc để đeo. Cứ ngỡ đó chỉ là một câu nói, ước mơ của trẻ nhỏ không ai nhớ đến, ấy vậy mà một thời gian sau có dịp trở lại thăm Việt Bắc, Bác đã tìm và tặng em bé gái đó một chiếc vòng bạc. Câu chuyện làm Ngọc Hà xúc động và nhớ mãi đến bây giờ. Em tâm sự: Những câu chuyện viết về Bác thường ngắn gọn nhưng rất xúc tích khiến người đọc nhớ lâu. Từ những câu chuyện đó, em học được ở Bác nhiều điều, đặc biệt là sự nhẫn nại khi làm mọi việc, kể cả việc học tập.

Ngước nhìn “Tủ sách Bác Hồ” có chừng 300 quyển trên giá, cô giáo Mai Thị Bích Nguyện, Hiệu trưởng Trường THCS An Vũ chia sẻ thêm: “Tủ sách Bác Hồ” được nhà trường thành lập năm 2015 từ nguồn ngân sách của nhà trường, giáo viên, học sinh và con em quê hương thành đạt tặng. Tuy ít sách nhưng tất cả đều rất phù hợp với học sinh và giáo viên. Bởi tất cả đều là sách yêu thích của họ và được đem đến tặng cho nhà trường. Từ những quyển sách này không chỉ giáo dục học sinh trong cách sống mà còn hỗ trợ giáo viên chúng tôi rất nhiều, nhất là việc học Bác phong cách, tác phong làm việc tận tâm, trách nhiệm. Từ khi có “Tủ sách Bác Hồ”, phong trào đọc sách, tìm hiểu tài liệu trong nhà trường sôi nổi hơn.

Đến dạy lồng ghép, tích hợp
Hình ảnh Bác Hồ đã đi vào văn chương, nghệ thuật với những vần thơ, câu chữ lay động triệu triệu trái tim người dân Việt Nam. Với 6 màn nội dung: Ký ức tháng năm - Cánh chim không mỏi - Cháo bẹ rau măng - Toàn thắng về ta - Đất nước trọn niềm vui - Hoa thơm dâng Bác, buổi ngoại khóa “Hồ Chí Minh - tên Người là cả một niềm thơ” do Trường THCS thị trấn Vũ Thư (Vũ Thư) tổ chức vừa qua đã tái hiện cuộc đời vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam từ lúc Người sinh ra đến khi trái tim lớn ngừng đập với bao cống hiến, hy sinh cho dân tộc và những thương yêu mà đồng bào cả nước dành cho Người. Những nội dung cũng nói lên những đổi thay của đất nước, của mảnh đất Thái Bình trong 50 năm thực hiện Di chúc của Người. Các em học sinh đã sử dụng nhiều hình thức để thể hiện nội dung, ý nghĩa của các bài thơ viết về Bác và các bài thơ của Bác gắn với lịch sử dân tộc khiến khán giả rất xúc động. Cô giáo Đoàn Thị Thu Hà, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Buổi ngoại khóa đã khép lại, tuy nhiên những câu chuyện về Bác, vẻ đẹp của tâm hồn, bài ca của tinh thần lạc quan cách mạng, tình yêu thương và lòng nhân ái dường như đang thắp lên trong mỗi giáo viên và học sinh... Buổi ngoại khóa đã giúp các thầy cô giáo, các em học sinh thấm nhuần hơn tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, để việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người ngày càng hiệu quả và gặt hái nhiều thành công.

Chương trình ngoại khóa chỉ là một hoạt động nhỏ trong chuỗi hoạt động của nhà trường về việc học tập và làm theo Bác. Năm học 2018 - 2019, thực hiện nhiệm vụ năm học và Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị, Trường THCS thị trấn Vũ Thư đã triển khai thực hiện các văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo và văn bản hướng dẫn của các cấp về giảng dạy, học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động giáo dục về việc học tập và làm theo Bác đồng thời tích hợp kiến thức liên môn như các môn: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân.

“Tủ sách Bác Hồ”, dạy lồng ghép, tích hợp hay tổ chức chương trình ngoại khóa là ba trong rất nhiều cách làm hay học tập và làm theo Bác ngành Giáo dục Thái Bình đang thực hiện. Từ đó, từng bước đưa việc học tập và làm theo Bác trở thành việc làm thường xuyên của cán bộ, giáo viên, học sinh, tạo niềm tin, sự đồng thuận cao trong giảng dạy và học tập.

Đặng Anh