Chủ nhật, 24/11/2024, 08:17[GMT+7]

Học tập và làm theo phong cách quần chúng của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thứ 6, 02/08/2019 | 17:45:10
3,350 lượt xem
(Chuyên đề đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phục vụ sinh hoạt chi bộ tháng 8/2019)

Ảnh tư liệu.

Phong cách quần chúng của Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt nguồn từ sự thấm nhuần sâu sắc quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin “Quần chúng là người sáng tạo ra lịch sử, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, cũng như truyền thống của dân tộc “Đẩy thuyền là dân thì lật thuyền cũng là dân”, “Vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, nước nhà chung sức thì giặc phải thua”... Tư tưởng đó là sự tổng kết về sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc, thực chất đó là chủ trương dựa vào dân, đoàn kết toàn dân tộc để đánh giặc, giữ nước.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng cũng như trong cuộc sống thường ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn thấy sức mạnh và sự sáng tạo vô cùng to lớn của Nhân dân. Người cho rằng “Trên bầu trời không có gì quý bằng Nhân dân. Trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân” và “Nước lấy dân làm gốc. Gốc có vững, cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền Nhân dân”.

Phong cách quần chúng trong tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện bằng tác phong luôn sâu sát quần chúng Nhân dân, lắng nghe, tìm hiểu nguyện vọng của Nhân dân và tìm cách đáp ứng nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, sẵn sàng tiếp thu phê bình của quần chúng và sửa chữa khuyết điểm của mình. Người luôn tâm niệm “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Sự ham muốn tột bậc đó đã tạo nên tình yêu nước, thương dân không bờ bến ở Người và suốt cuộc đời Người làm việc không giây phút nào ngơi nghỉ cũng là vì sự ham muốn tột bậc đó.

Đối với Đảng cầm quyền, Hồ Chí Minh yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu thực hiện tự phê bình và phê bình “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Người cho rằng “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế mới là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”. Về mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng và Chính phủ, Hồ Chí Minh cho rằng: “Nếu không có nhân dân thì Chính phủ không đủ lực lượng. Nếu không có Chính phủ thì Nhân dân không ai dẫn đường. Vậy nên, Chính phủ với Nhân dân phải đoàn kết thành một khối”. Tuy nhiên, trong mối quan hệ đó Người luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên không bao giờ được quên “Dân là chủ”, còn cán bộ là công bộc của Nhân dân. Vì vậy, cán bộ, đảng viên phải nhiệt tình hăng hái, sâu sát Nhân dân, gương mẫu và dám chịu trách nhiệm trước dân cả về lời nói và việc làm; phải luôn quyết tâm, bền bỉ, chịu đựng gian khổ, quan tâm và tìm mọi cách giải quyết kịp thời, hiệu quả những nhu cầu thiết thực, chính đáng và hợp pháp mà Nhân dân đặt ra, kể cả chấp nhận sự hy sinh để bảo vệ Nhân dân, phấn đấu vì sự ấm no, hạnh phúc của nhân dân; việc gì lợi cho dân thì phải làm cho kỳ được. Việc gì hại cho dân thì phải hết sức tránh. Đó là trách nhiệm của tất cả đảng viên, cán bộ của Đảng và Nhà nước, làm được như vậy mới xứng đáng là công bộc của Nhân dân. Nhưng cũng cần vận động thuyết phục Nhân dân; phải hiểu và làm cho dân hiểu: Lợi ích tạm thời và lợi ích riêng, phải phục tùng lợi ích lâu dài và lợi ích chung. Lợi ích địa phương phải phục tùng lợi ích toàn quốc, toàn dân tộc. Muốn làm được như vậy, thì mỗi cán bộ chính quyền và đoàn thể cần phải: Luôn luôn gần gũi Nhân dân; ra sức nghe ngóng và hiểu biết Nhân dân; học hỏi Nhân dân lãnh đạo Nhân dân bằng cách tuyên truyền, giải thích, cổ động, giáo dục, tổ chức Nhân dân, dựa vào Nhân dân để thực hiện nguyện vọng chính đáng của Nhân dân.

Hồ Chí Minh thường xuyên căn dặn các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên phải coi trọng mối liên hệ chặt chẽ với quần chúng và phải thể hiện tinh thần phụ trách trước Nhân dân. Người cho rằng “Bao nhiêu cách tổ chức và cách làm việc, đều vì lợi ích của quần chúng... Vì vậy, cách tổ chức và cách làm việc nào không phù hợp với quần chúng thì ta phải... bỏ đi hoặc sửa lại”. Người nhấn mạnh: Nước ta là nước dân chủ; bao nhiêu lợi ích đều vì dân; bao nhiêu quyền hạn đều của dân; công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân; sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân; chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra; đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên; nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân.

Chính tư tưởng, đạo đức nhân cách bên trong con người Hồ Chí Minh đã thể hiện, bộc lộ ra bên ngoài bằng phong cách quần chúng ở Người. Phong cách quần chúng của Hồ Chí Minh một lần nữa khẳng định tư tưởng, tấm gương đạo đức suốt đời phấn đấu cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, làm người công bộc tận tụy, trung thành của Nhân dân.

Ngay từ khi còn hoạt động cách mạng lúc bí mật cho đến khi đã trở thành Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh luôn gần gũi Nhân dân. Dù bận nhiều việc lớn của Đảng và Nhà nước, nhưng Người vẫn thường xuyên đi thăm các cơ sở, đến các đơn vị vũ trang nhân dân thuộc đủ các binh chủng, quân chủng để thăm hỏi cán bộ, chiến sĩ. Bác đã có mặt ở các công trường, xí nghiệp, nông trường, hợp tác xã, bệnh viện, trường học, nhà trẻ, lớp mẫu giáo và nhiều nơi ở của công nhân, cán bộ bình thường để nắm tình hình và động viên, khuyến khích mọi người cố gắng làm tốt các công việc được giao. Dấu chân của Người để lại ở nhiều địa phương, từ trung du đến đồng bằng, từ miền núi đến miền duyên hải và các đảo xa rất sâu đậm; mỗi năm có hơn 60 lượt Người đi xuống cơ sở để gặp gỡ Nhân dân, đó là một kỷ lục khó ai có thể vượt qua, nhất là đối với một lãnh tụ, một chủ tịch nước. Khi về thăm lại Pác Bó (Cao Bằng), thấy tỉnh tổ chức đón tiếp, Bác nói: Tôi về thăm nhà mà sao phải đón tôi? Lần Người về Hải Hưng tham gia chống hạn với nông dân. Nghe tin, các đồng chí cán bộ tỉnh tổ chức đón Người long trọng. Người không hài lòng, phê bình ngay: Bác về là đi chống hạn chứ có phải đi chơi đâu mà đón tiếp. Bác ăn mặc quần áo như một lão nông thực sự. Người đi rất nhanh đến chỗ nhân dân đang đào mương, xắn quần, xắn tay áo xuống cùng đào đất với bà con.

Tác phong quần chúng bình dị ấy như có sức hút kỳ lạ, làm cho quần chúng đến với Người không chút e ngại, cũng bình dị, tự nhiên như họ vẫn sống hàng ngày. Tác phong ấy làm cho lãnh tụ và quần chúng dễ dàng hòa nhập với nhau trong sự đồng cảm sâu sắc nhất. Nhờ vậy, mọi người có thể nói hết những suy nghĩ, trăn trở của mình, còn Người thì lắng nghe để có thể hiểu được nhịp đập của cuộc sống xung quanh. Hồ Chí Minh là người đã hóa thân một cách toàn vẹn và trọn vẹn vào trong Nhân dân; Người luôn thấu hiểu dân tình, chăm lo dân sinh, nâng cao dân trí để không ngừng thực hành dân chủ của Nhân dân. Nhân dân Việt Nam từ người già đến trẻ, thuộc mọi tầng lớp, dân tộc dù ở trong nước hay đang sinh sống tại nước ngoài thuộc mọi thế hệ đều gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng hai tiếng Bác Hồ.

Với phong cách quần chúng, tác phong gần dân, Người đến với mọi người một cách rất tự nhiên và bình dị. Tác phong đó làm cho lãnh tụ và quần chúng dễ dàng hòa nhập với nhau trong sự đồng cảm sâu sắc, tạo nên sức hút kỳ lạ. Vì vậy, mọi người có thể nói hết những trăn trở, suy nghĩ của mình, còn với Người qua đó có thể hiểu được thực tế cuộc sống của Nhân dân để từ đó đưa ra những chủ trương đúng đắn hợp với lòng dân, tạo nên sự phát triển của đất nước.

Phong cách quần chúng Hồ Chí Minh còn được thể hiện ở việc hết lòng, hết sức vì quần chúng, vì Nhân dân, sẵn sàng hy sinh lợi ích riêng của cá nhân vì lợi ích của quần chúng, của Nhân dân. Đây là một đặc điểm có tính chất đặc trưng trong phong cách quần chúng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong Di chúc, Người chỉ rõ: “Cả đời tôi hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ Nhân dân”. Theo Người đã coi trọng Nhân dân thì phải biết hy sinh vì Nhân dân. Chứ đánh giá cao Nhân dân nhưng mà đến với Nhân dân lại chỉ nghĩ đến lợi ích của cá nhân mình, cái gì cũng cục bộ, địa phương, tự tư, tự lợi thì dân sẽ không nghe. Bởi, theo Hồ Chí Minh dân thực hành trước hết là vì lợi ích của chính họ. Khi nói chuyện với đồng bào tại chiến khu Việt Bắc tháng 2 năm 1947 Bác nói: Đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi ích cho dân, đấy là một nội dung của tác phong quần chúng. Phong cách quần chúng Hồ Chí Minh xét đến cùng đó là phong cách dân vận, phong cách vận động quần chúng, để làm cho Dân tin Đảng, tin Nhà nước và để làm cho Đảng, Nhà nước hiểu được những gì dân đang cần. Vì vậy, xa rời quần chúng, người cán bộ, đảng viên sẽ giống như cá bị tách ra khỏi nước, mất hết khả năng và sức sống.

Thấm nhuần tư tưởng, phong cách quần chúng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong điều kiện hiện nay chúng ta phải xây dựng cho được một đội ngũ cán bộ, đảng viên có tư duy và phong cách độc lập, tự chủ, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; có bản lĩnh chính trị vững vàng, biết đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích của cá nhân mình. Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là phong cách quần chúng, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự thương yêu quần chúng, thấu hiểu, chia sẻ với quần chúng, cùng làm với quần chúng, học hỏi quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng. Học tập và làm theo tư tưởng, phong cách quần chúng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đó cũng là bổn phận, danh dự và là trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên tâm huyết với Đảng, với Nhân dân; là giải pháp hữu hiệu nhất để xây dựng người cán bộ cách mạng vừa “hồng” vừa “chuyên”, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, làm cho Đảng thật sự trong sạch vững mạnh, lãnh đạo toàn dân thực hiện thắng lợi toàn diện công cuộc đổi mới và phát triển bền vững đất nước.