Đến Ấn Độ xem lễ hội cây
Lễ Karam - Kadamba
Giống như bất kỳ nền văn hóa nông nghiệp nào, người Ấn Độ cũng có lễ hội mừng thu hoạch - mang tên Karam - Kadamba. Điểm khác là loại cây mà lễ hội này xoay quanh không phải là lúa, ngô hay khoai, mà là cây gáo trắng - loài cây gỗ lớn có ở hầu hết các quốc gia Nam Á và Đông Nam Á, được dùng nhiều trong cuộc sống hằng ngày, từ chế biến giấy đến xẻ ván đóng thuyền.
Theo sử thi Ấn Độ, hai vị thần Krishna và Radha đã tổ chức đám cưới dưới bóng cây gáo trắng. Thần Madurai xứ Tirupparankundram hiện thân trong hình dạng một thanh giáo cắm bên gốc cây gáo trắng để cho tín đồ lời khuyên. Hoàng tộc Kadamba lấy hoa gáo trắng là biểu tượng cho quyền trị vì của họ. Và đến nay, bang Athmallik vẫn sử dụng phù hiệu có hình bông hoa gáo trắng.
Lễ hội Karam - Kadamba bắt đầu vào lúc tờ mờ sáng ngày 11 tháng trăng Bhadra (giữa tháng 8 vắt qua tháng 9). Các gia đình cung kính cắt một cành gáo trắng từ những cây cổ thụ trong vùng rồi đem về cắm giữa sân nhà. Sau một ngày tổ chức nghi lễ quanh cành cây gáo trắng, gia chủ sẽ nấu nồi cơm mới chia cho mọi người trong nhà. Sau đó, mỗi nơi có một cách ăn mừng đêm Karam - Kadamba khác nhau, đông vui nhất là tại bang Karnataka. Năm nào họ cũng tổ chức một lễ diễu hành mang tên Kadambotsava, lôi kéo mọi người đổ ra đường phố nhảy múa, hát hò.
Cách tốt nhất để du khách thưởng thức Karam - Kadamba là ở homestay. Người Ấn Độ hiếu khách, trong ngày Karam - Kadamba họ coi du khách như người nhà, mời thưởng thức những món ăn gia đình đặc trưng của Ấn Độ như biryani (cơm niêu thập cẩm), gà xốt bơ, choley bhatura (bánh rán ăn kèm xốt đậu gà), cà ri cá vùng Goa... và những chén rượu feni làm từ quả đào lên men.
Nag Panchami
Ngày lễ Nag Panchami được tổ chức vào cuối tháng 7, đầu tháng 8 với mục đích thờ cúng thần rắn Naga. Theo sử thi Mahabharata, hoàng đế Parikshit bị vua rắn Takshaka cắn chết nên con trai của Parikshit là Janamejaya trả thù bằng cách mỗi ngày cắn vào một con rắn để giết chết nó. Thánh Astika, con trai nữ thần rắn Manasa, đã cứu họ hàng khỏi nạn diệt chủng bằng cách thuyết phục hoàng đế Janamejaya bỏ tục hiến tế rắn. Từ đó mà người Ấn Độ tổ chức lễ Nag Panchami.
Tâm điểm của ngày lễ Nag Panchami là lễ rước tượng rắn, có thể làm bằng gỗ, đá, thậm chí là bạc. Dân làng rước tượng đến đặt tại một gốc cây đa hay cây gạo, những nơi thường có ổ rắn. Quanh tượng, người dân bày đủ thứ lễ vật như nến, hoa quả, đồ ngọt... Họ cầu khấn thần cây và thần rắn Naga cho họ cuộc sống no đủ, yên ổn, thuận buồm xuôi gió.
Khách du lịch có thể trở thành một phần của Nag Panchami. Bạn có thể xin phép được tắm cho tượng thần rắn bằng sữa hoặc giúp chức sắc trong làng vẽ xuống đất hình một con rắn năm đầu. Người Ấn Độ dùng sơn làm từ bột nghệ sao cho thật bắt mắt, thu hút sự chú ý của các vị thần. Và hãy đừng bỏ qua lễ phát chẩn. Người dân sẽ phát cỗ cho các vị tu sĩ khất thực và những hộ gia đình nghèo. Phong tục này lại thêm vào ngày lễ một ý nghĩa mới: Nag Panchami không chỉ là dịp cầu mong những điều tốt lành, mà còn là cơ hội để bạn đem những điều tốt đẹp đến với người khác.
Karavira Vrata
“Vrata” là từ chỉ ngày lễ khất thực trong Hindu giáo để tỏ lòng kính trọng với các vị thần, nhằm rũ bỏ vấy bẩn của cõi trần. Trong những dịp Vrata, người theo đạo ra ngoài làm những việc có ích cho mình và cộng đồng, đơn cử như trong ngày lễ Karavira Vrata (“Karavira” trong tiếng Ấn là cây trúc đào). Trong kinh Ấn Độ giáo có ghi hoa trúc đào là món quà hiến tế được các vị thần ưa thích. Để cảm ơn cây đã cho hoa để họ dâng thần quanh năm, người Ấn Độ tắm cho cây sau đó buộc một mảnh vải đỏ vòng quanh thân cây. Họ cũng đặt trước gốc cây đồ cúng gồm hoa quả và 7 thứ ngũ cốc khác nhau.
Sau khi các nghi lễ kết thúc, bạn nên hỏi xin người dân địa phương một mẩu gỗ trúc đào. Hãy cẩn thận đừng để nhựa cây dính vào miệng vì chất độc trong nhựa cây có thể khiến bạn phải nhập viện. Việc cần làm là mở vòi nước nóng, cho mảnh gỗ trúc đào vào bồn tắm và dành 1 giờ ngâm mình trong nước. Thứ nước tắm thảo dược này giúp bạn thả lỏng cơ bắp, loại bỏ các loại nấm, vi khuẩn và bệnh ngoài da.
Van Mahotsav
Van Mahotsav là ngày lễ “trẻ” nhất trong danh sách này, lần đầu tiên được tổ chức vào ngày 1-7-1950, dần trở thành “tết trồng cây” đúng nghĩa. Trong ngày 1-7, các gia đình dậy sớm và đi vào rừng. Người lớn, trẻ em cùng trồng cây trong cả buổi sáng. Đây là dịp để giáo dục cho trẻ về tầm quan trọng của rừng, về tình yêu thiên nhiên. Phần “hội” thật sự bắt đầu từ trưa. Các gia đình trải bạt tổ chức một buổi picnic tập thể. Giữa thiên nhiên, mọi người rũ bỏ gánh nặng lo toan thường ngày. Khoảng thời gian này Ấn Độ mới chớm vào mùa mưa nên thời tiết khá đẹp. Điều này khiến cho lễ hội cây trở thành hình thức "du lịch xanh", ngày càng hấp dẫn.
Theo hanoimoi.com.vn
Tin cùng chuyên mục
- Khai mạc lễ hội chùa Keo mùa thu năm 2024 12.10.2024 | 23:28 PM
- Lễ hội Bà Chúa Muối năm 2024 21.05.2024 | 16:41 PM
- Lễ hội truyền thống đền Hai Bà Trưng: Tri ân hai vị nữ tướng anh hùng dân tộc 27.04.2024 | 09:37 AM
- Lễ hội Tiên La năm 2024 diễn ra từ ngày 18 - 22/4/2024 10.04.2024 | 09:44 AM
- Quảng Ninh: Khai hội Đền Cửa Ông năm 2024 13.03.2024 | 03:45 AM
- Lễ rước Nghinh Ông độc đáo của ngư dân vùng biển Bạc Liêu 19.02.2024 | 19:47 PM
- Khai mạc lễ hội Lềnh truyền thống làng Lịch Động 19.02.2024 | 19:52 PM
- Lễ hội chùa Keo: Không gian văn hóa đặc sắc đầu xuân 16.02.2024 | 14:40 PM
- Lễ rước pháo khổng lồ làng Đồng Kỵ 13.02.2024 | 15:45 PM
- Chuẩn bị các điều kiện tổ chức lễ hội đền Trần năm 2024 16.01.2024 | 17:17 PM
Xem tin theo ngày
- Kỳ họp HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 để giải quyết công việc phát sinh đột xuất
- Họp Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh
- Khai mạc hội diễn nghệ thuật quần chúng Hội tụ sông Hồng
- Thường trực HĐND tỉnh: Thông qua kết quả thẩm tra một số tờ trình
- Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ
- Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc thôn Trung, xã Đông Phương
- Kiểm tra toàn diện việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương năm 2024
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025
- Tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật đất đai