Thứ 7, 16/11/2024, 21:39[GMT+7]

Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia

Thứ 5, 25/03/2021 | 21:53:02
1,869 lượt xem
Sáng 25/3, UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức Lễ công bố Quyết định và đón nhận Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn. Đồng thời, công bố Quyết định điều chỉnh phân loại đơn vị hành chính quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng từ loại 2 lên loại 1.

Quận Ngũ Hành Sơn đón nhận Bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn.

Phát biểu tại sự kiện này, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh nhấn mạnh: Bên cạnh khu di tích lịch sử K20, khu danh thắng Ngũ Hành Sơn là một tài sản vô giá mà thiên nhiên ưu ái cho quận Ngũ Hành Sơn và TP Đà Nẵng. Do vậy, đề nghị chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm quản lý, tôn tạo, gìn giữ thực hiện nhiệm vụ quy hoạch khu danh thắng Ngũ Hành Sơn gắn với phát huy giá trị di sản lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn. Đưa lễ hội thành sản phẩm du lịch tâm linh đặc trưng của Ngũ Hành Sơn và TP Đà Nẵng. Phối hợp các đơn vị chức năng sớm hoàn thiện hồ sơ Văn khắc Hán - Nôm Ngũ Hành Sơn để trình UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.  

Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn là lễ hội dân gian truyền thống mang đậm yếu tố tín ngưỡng Phật giáo, gắn liền với di tích quốc gia đặc biệt - Danh lam thắng cảnh Ngũ Hành Sơn và đời sống tâm linh tín ngưỡng của cộng đồng địa phương. Từ năm 1991, lễ hội Quán Thế Âm được tổ chức quy mô, diễn ra trong ba ngày 17,18 và 19 tháng 2 (âm lịch) hằng năm. Được các Chư tôn giáo phẩm Tỉnh hội, Thành hội và chùa Quán Thế Âm chủ trì tổ chức, đây là dịp để đạo hữu nói riêng, nhân dân và du khách nói chung cầu cho quốc thái dân an, chúng sinh an lạc, khơi dậy lòng từ bi, bác ái, hướng thiện trong mỗi con người, sự hòa hợp giữa Phật pháp với dân tộc, tình yêu quê hương đất nước.

Lễ hội Quán Thế Âm bao gồm hai phần lễ và hội. Phần lễ mang đậm màu sắc lễ nghi Phật giáo hòa quyện với phần hội là những sinh hoạt văn hóa cổ truyền đậm tính nhân văn như lễ rước ánh sáng, lễ khai kinh, lễ trai đàn chẩn tế, lễ thuyết giảng về Bồ tát Quan thế âm và dân tộc, lễ rước tượng Quan Âm. Ngoài các nghi lễ trên, còn có lễ tế Xuân để cầu quốc thái dân an. Riêng phần hội, được tổ chức sôi nổi với nhiều hoạt động phong phú như hội hóa trang, hát tuồng, thi thư pháp, tranh thủy mặc, thả hoa đăng trên sông Cổ Cò, đua thuyền, hát bài chòi…

Năm 2000, lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn được công nhận và xếp vào Danh mục 15 lễ hội lớn cấp quốc gia.

Ngày 3/2, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã ký Quyết định số 601/QĐ-BVHTTDL về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Theo đó, công nhận Lễ hội truyền thống lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Dịp này, UBND TP Đà Nẵng trao Quyết định số 371/QĐ-BNV ngày 12/3/2021 về điều chỉnh phân loại đơn vị hành chính quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng từ loại 2 lên loại 1. 

Theo nhandan.com.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày