Thứ 7, 16/11/2024, 20:47[GMT+7]

Linh thiêng ngày giỗ Quốc Tổ Lạc Long Quân

Thứ 2, 19/04/2021 | 09:09:50
29,364 lượt xem
Sâu thẳm trong tiềm thức mỗi người dân nước Việt, Quốc Tổ Lạc Long Quân và Tổ Mẫu Âu Cơ là khởi nguồn của cộng đồng dân tộc, gắn liền với nghĩa “đồng bào”; các Vua Hùng là những người có công dựng nước, là niềm tự hào, tự tôn dân tộc.

Đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân tại Núi Sim, xã Chu Hóa, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Trong những ngày hành hương về Giỗ Tổ, trước khi dâng hương tri ân công đức các Vua Hùng (10/3 âm lịch), du khách sẽ thăm viếng đền Quốc Tổ Lạc Long Quân và đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ (thuộc Khu di tích lịch sử Đền Hùng) như sự thể hiện về đạo hiếu, sự tri ân tiền nhân.

Tương truyền, Quốc Tổ Lạc Long Quân tên húy là Sùng Lãm, lấy con gái của Đế Lai là Âu Cơ sinh ra một bọc trăm trứng, sau nở thành 100 người con trai, là tổ tiên của Bách Việt... Người con cả làm vua nối nghiệp là Hùng Vương. Hùng Vương lên ngôi đặt quốc hiệu là Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu, chia nước làm 15 bộ..., truyền được 18 đời đều gọi là Hùng Vương. Đất Bình Đà (thôn Bình Đà, xã Bình Minh, Thanh Oai, Hà Nội) là nơi Lạc Long Quân lệnh cho các con dừng chân, xây dựng cơ nghiệp. Khi Quốc Tổ về trời, ngài được an táng tại gò Tam Thai (Ba Gò) thuộc đất Bình Đà ngày nay. Để tri ân công đức Quốc Tổ Lạc Long Quân, dân làng lập ngôi đền Nội cùng bức đại tự “Vi Bách Việt Tổ” (Tổ Dân Bách Việt). Hiện nay, đền Nội còn lưu giữ được nhiều cổ vật có giá trị, nổi bật là bức phù điêu tạc hình Quốc Tổ Lạc Long Quân đội mũ bình thiên, mặc áo hoàng bào cùng các lạc hầu, lạc tướng của triều đình Lạc Việt dự hội đua thuyền trên dòng Đỗ Động Giang. Đây là bảo vật đã có trên 1.000 năm tuổi, được Nhà nước công nhận là bảo vật quốc gia... Ngày 6/3 âm lịch hàng năm, dân làng Bình Đà làm giỗ, mở hội tưởng nhớ, tri ân công đức Quốc Tổ Lạc Long Quân, tạo nên một nét đẹp, mang đậm bản sắc văn hóa của làng.

Để tưởng nhớ công ơn của các bậc thủy tổ đã có công khai thiên lập quốc, với mục đích quy tụ các giá trị văn hóa tâm linh thời đại các Vua Hùng, đời đời ghi nhớ công ơn tổ tiên cùng các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước, đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân là một trong những công trình kiến trúc tín ngưỡng được xây dựng trong quần thể Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Đền được xây dựng tại Núi Sim (xã Chu Hóa, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ), khánh thành ngày 29/3/2009 đúng dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm Kỷ Sửu 2009. Đền quay mặt theo hướng Nam, hướng về ngã ba Bạch Hạc. Kiến trúc đền kiểu chữ đinh, gồm các hạng mục: đền chính, cổng, trụ biểu, cổng biểu tượng, phương đình, tả vu, hữu vu, lầu hóa vàng, các công trình phụ trợ và hạ tầng kỹ thuật với tổng diện tích là 13,79ha. Các họa tiết trang trí mô phỏng theo các hoa văn trên trống đồng Đông Sơn được cách điệu như hình ảnh người giã gạo, chim Lạc... mang lại nét kiến trúc đặc trưng riêng của ngôi đền mà vẫn không mất đi sự cổ kính, uy linh. Phía hậu cung có đặt tượng Quốc Tổ Lạc Long Quân đúc bằng đồng nặng 1,5 tấn, cao 1,98m ở tư thế ngồi trên ngai đầy uy linh...

Bà Nguyễn Thị Bích Phượng, Phó Trưởng phòng Quản lý di tích văn hóa  lễ hội, Khu di tích lịch sử Đền Hùng cho biết: Ngày giỗ Quốc Tổ Lạc Long Quân tại đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân được kế thừa từ truyền thống, tục lệ của làng Bình Đà, tuy nhiên đã được nâng tầm từ một lễ hội quy mô nhỏ trở thành ngày hội mang tính quốc lễ, mở đầu các hoạt động phần lễ trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm. Đặc biệt, các lễ vật dâng Quốc Tổ đều là những sản vật gắn với các sự tích thời đại Hùng Vương gồm 100 quả chuối, 100 quả cau, 100 bánh chưng, 100 bánh giầy, 100 bánh trôi, 100 bánh oản...

Ngày giỗ Quốc Tổ Lạc Long Quân là hoạt động mang đậm ý nghĩa truyền thống, thể hiện tâm thức và đạo hiếu của con dân đất Việt - đưa cha mẹ về phụng thờ, để tưởng nhớ, tri ân công đức của “cha Rồng, mẹ Tiên” mãi là huyền thoại linh thiêng, bất diệt.

Theo baophutho.vn

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày