Thứ 2, 18/11/2024, 03:24[GMT+7]

Lễ hội rắn Cocullo ở Italy

Thứ 3, 26/02/2013 | 10:40:58
1,181 lượt xem
Cocullo là một thị trấn nhỏ thuộc tỉnh L’Aquilla, được coi là một trong những nơi có thiên nhiên hoang sơ nhất Italy. Đây cũng chính là quê hương của một trong những lễ hội rắn độc đáo nhất thế giới

Lễ hội rắn của người Italy thường được tổ chức vào ngày thứ 5 đầu tiên của tháng 5. Đây là bữa tiệc mừng thánh Domenic, một vị thánh bảo hộ giúp con người tránh khỏi bị rắn hay chó cắn và giúp chữa lành các chứng bệnh như đau đầu, đau răng.

Lịch sử của lễ hội bắt nguồn từ thế kỷ thứ XI khi thánh Domenic đơn thương độc mã dọn sạch các cánh đồng bị rắn tàn phá của cư dân địa phương. Và để tỏ lòng biết ơn, kể từ năm 1392, người dân đã công kênh bức tượng của ông được tạc bằng gỗ với những con rắn sống quấn quanh người rước đi khắp thị trấn. Một truyền thuyết khác có niên đại 3000 năm về trước đã khai sinh cho lễ hội rắn là việc thờ cúng nữ thần rắn Angizia của người Marsia để bà bảo vệ họ khỏi bị sói, gấu và dịch sốt rét tấn công. Người Marsica thủa xưa rất nổi tiếng với tài thuần phục rắn độc. Ngày nay, người ta trang điểm cho tượng thánh Domenic bằng đá quý, tiền và rắn sống. Họ tin rằng, các nghi lễ này sẽ giúp bản thân không bị rắn độc cắn trong vòng một năm.

Mặc dù lễ hội thực sự diễn ra vào tháng 5 nhưng các sự kiện tiền lễ hội đã được khởi động từ tháng 3. Cụ thể là vào giữa tháng 3, người dân địa phương và những người thuần phục rắn sẽ đi săn tìm, gom rắn xung quanh vùng và bẻ răng có nọc độc của chúng. Sau đó những con rắn này sẽ được nuôi giữ cho tới tháng 5 để chuẩn bị cho đám rước. Khi lễ hội chính thức diễn ra, người xem sẽ im lặng tuyệt đối khi những nhà thuần phục rắn quấn rắn vào tượng thánh. Những con rắn nào rơi khỏi tượng sẽ bị coi là điềm xấu nên những người thuần phục rắn luôn đi rất gần bức tượng để ngăn điều đó xảy ra, tránh mang vận rủi cho người xem. Tuy nhiên,  những người tham gia lễ hội cũng có thể ném một số con rắn nhỏ vào tượng thánh. Sau đó, nhiều người nhặt chúng lên, cho trườn lên người mình vì tin rằng những con rắn này có quyền năng chữa bệnh.

Đám rước đi trong tiếng kèn ôboa và clarinet của một ban nhạc dẫn đầu. Theo sau còn có các cô gái địa phương trong những bộ trang phục viền ren mang theo các loại bánh kẹo truyền thống như bánh rán ciambelli để phân phát cho người xem. Cuối cùng, đám rước sẽ tập kết tại nhà thờ trong tiếng kêu lảnh lót của những chiếc chuông được các tín đồ kéo bằng răng, rồi một màn pháo hoa sẽ chính thức bắt đầu. Sau khi các nghi thức lễ hội kết thúc, rắn sẽ được thả tự do vào thiên nhiên thay vì bị giết làm đồ ăn như thủa xưa

Theo daibieunhandan

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày