Thứ 7, 16/11/2024, 12:47[GMT+7]

Tháng ba về Tiên La trẩy hội

Thứ 6, 08/04/2022 | 14:51:03
2,056 lượt xem
Những ngày tháng 3 âm lịch, nhân dân huyện Hưng Hà nói riêng, du khách thập phương nói chung đang hướng về vùng đất cổ Đa Cương xưa, nơi thờ Đông Nhung Đại tướng Vũ Thị Thục - nữ anh hùng dân tộc đã có công cứu nước, cứu dân thoát khỏi ách đô hộ của quân Đông Hán để trẩy hội. Tự hào về bề dày truyền thống lịch sử, người dân nơi đây rất kiêu hãnh khi đã bảo tồn được nét đẹp văn hóa truyền thống ở lễ hội, đến nay vẫn truyền nhau câu ca “Đã là con mẹ, con cha - Tháng ba giỗ Mẫu Tiên La thì về”.

Múa rồng tại lễ hội đền Tiên La, xã Đoan Hùng, huyện Hưng Hà. Ảnh tư liệu

Cách thành phố Thái Bình khoảng hơn 30km về phía Bắc, tại thôn Tiên La, xã Đoan Hùng có một ngôi đền ẩn mình trong những rặng nhãn xanh tốt. Đó là đền Tiên La (Tiên La linh từ), di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, nơi thờ Bát Nạn tướng quân Vũ Thị Thục (thường gọi là Thục Nương), một nữ tướng của Hai Bà Trưng đã có công đánh quân xâm lược phương Bắc, được phong chiếu “Đông Nhung Đại tướng”.

Lịch sử đã khẳng định: Hai Bà Trưng cùng với các nữ tướng (đứng đầu là Đông Nhung Đại tướng Vũ Thị Thục) là hình ảnh tiêu biểu của phụ nữ Việt Nam, làm rạng rỡ nòi giống Tiên Rồng. Những chiến công hiển hách của Đông Nhung Đại tướng Vũ Thị Thục đã được sử sách ghi danh và muôn đời các thế hệ người dân Việt Nam tôn vinh, ca ngợi. Nhiều năm đã trôi qua, quần thể khu di tích thờ Đông Nhung Đại tướng Vũ Thị Thục vẫn còn đó, được đời đời cháu con và nhân dân hương khói, giữ gìn. Hương Đa Cương xưa, nơi Đông Nhung Đại tướng tụ binh, dựng cờ khởi nghĩa và yên nghỉ vĩnh hằng đã đổi thay, phát triển. Đền thờ Thánh mẫu Đông Nhung Đại tướng Vũ Thị Thục tọa lạc ở hai bên bờ sông Tiên Hưng với kiến trúc uy nghi, lộng lẫy, từng bước xứng tầm với công lao to lớn của người nữ anh hùng dân tộc, trở thành một trong những điểm nhấn du lịch văn hóa tâm linh của huyện Hưng Hà.

Đền Tiên La được xây tại gò Kim Quy (nằm giữa thôn Tiên La) theo đúng nguyên mẫu kiến trúc cổ “tiền nhất, hậu đinh”, từ cột, kèo đến đao mái uốn cong với kiểu dáng lưỡng long chầu nguyệt, trên diện tích gần 6.000m². Mặt trước đền hướng ra sông Tiên Hưng, gần ngã ba đổ ra sông Luộc. Đền có 3 tòa điện chính là: tiền tế, trung tế và hậu điện hay còn gọi là hậu cung. Đặc biệt, toàn bộ vật liệu xây dựng đều bằng đá, riêng hậu cung gồm 3 gian, trong đó gian giữa là ngai và tượng thờ Bát Nạn tướng quân Vũ Thị Thục, xung quanh thờ các tướng sĩ của bà. Trên nóc hậu cung treo bức đại tự “Vạn cổ anh linh”. Tương truyền, đây còn là nơi đặt mộ của bà Bát Nạn tướng quân Vũ Thị Thục. Cùng với kiến trúc đặc sắc, đền Tiên La còn lưu giữ nhiều đồ tế khí, đồ thờ có niên hạn từ thời Trần, Lê và được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1986. Hàng năm, cứ vào dịp tháng 3 âm lịch, người dân lại mở lễ hội Tiên La, tục gọi là lễ “giỗ mẹ tháng ba” để tri ân công đức, giáo dục truyền thống yêu nước trong các tầng lớp nhân dân.

Ðền Tiên La là một trong số ít ngôi đền có kiến trúc đá đồ sộ bậc nhất vùng châu thổ sông Hồng. Sự độc đáo của nghệ thuật kiến trúc và thế đất thiêng huyền bí của gò Kim Quy, nơi tọa lạc của ngôi đền đã tạo ra sự cộng hưởng diệu huyền, có sức hút khôn lường du khách muôn phương tìm về như một sự hội tụ các giá trị nhân văn trong tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu của người Việt. Về với lễ hội Tiên La, du khách sẽ có nhiều ấn tượng đẹp với nhiều nghi thức tế lễ. Trong đó, nổi bật nhất là lễ rước nước trên sông được coi là loại hình văn hóa dân gian, một nghi thức tâm linh đặc biệt, biểu hiện tín ngưỡng cầu nước của nhân dân sống với nền văn minh lúa nước sông Hồng. Nghi lễ này còn có ý nguyện cầu mong tổ tiên trợ giúp cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Không những thế, du khách sẽ được chìm đắm trong những kiến trúc cổ kính mà ít nơi nào có được.

Theo phong tục cổ truyền, định lệ hàng năm, ngày 10/3 âm lịch là ngày khai mạc và tổ chức lễ hội đền Tiên La. Đây là dịp để các tầng lớp nhân dân Hưng Hà, đồng bào, du khách thập phương trong và ngoài nước về đây thắp hương tưởng niệm, tỏ lòng tri ân nữ anh hùng dân tộc. Đồng thời, thông qua đó giáo dục thế hệ trẻ lòng yêu nước, niềm tự hào về truyền thống đấu tranh anh dũng bất khuất, kiên cường chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam anh hùng.

Ông Bùi Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà

Năm 2022, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên lễ hội đền Tiên La chỉ tổ chức phần lễ rước và dâng hương, không tổ chức phần hội. Do đó, chúng tôi chỉ đạo các địa phương và Ban Tổ chức lễ hội huy động 54 đoàn rước tham gia lễ rước và rút ngắn thời gian nhằm bảo đảm công tác phòng, chống dịch. Chúng tôi đã họp và phân công nhiệm vụ cho từng ban, ngành, đoàn thể và các địa phương để thực hiện nghiêm công tác phục vụ lễ hội bảo đảm an toàn, lành mạnh theo đúng quy định nếp sống văn minh; đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi để du khách thập phương về tham quan, vãn cảnh và dâng hương đúng nghi lễ văn hóa tâm linh theo phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Ông Nguyễn Văn Ba, Chủ tịch UBND xã Đoan Hùng, huyện Hưng Hà

Chúng tôi đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền như căng băng rôn, khẩu hiệu quảng bá về di tích lịch sử văn hóa đền Tiên La và tuyên truyền công tác phòng, chống dịch Covid-19; phân công các lực lượng xây dựng kế hoạch thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự, kiểm tra công tác phòng, chống cháy, nổ, an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường. Đồng thời, thường xuyên nhắc nhở các hộ kinh doanh gần khu vực đền Tiên La không lấn chiếm hành lang an toàn giao thông và tổ chức phân luồng giao thông, trông giữ xe phục vụ du khách và nhân dân địa phương vào dâng hương, tham gia lễ rước vào ngày mùng 10/3 âm lịch.


Ông Đặng Vũ Trần Nhã, thủ nhang đền Tiên La, xã Đoan Hùng, huyện Hưng Hà

Lễ hội đền Tiên La được tổ chức hàng năm với nhiều hoạt động phong phú mang đậm bản sắc văn hóa tâm linh tri ân công đức của Đông Nhung Đại tướng quân, qua đó giáo dục truyền thống yêu nước trong các tầng lớp nhân dân. Để tạo ấn tượng trong lòng du khách cũng như quảng bá về khu di tích lịch sử văn hóa đền Tiên La đến với mọi miền Tổ quốc. Ban Tổ chức lễ hội đã xây dựng kế hoạch tổ chức bảo đảm trong tình hình mới; tăng cường công tác tuyên truyền trước, trong và sau lễ hội. Đồng thời, chỉnh trang khuôn viên tạo sự thông thoáng, yên bình cho du khách đến tham quan. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chuẩn bị chu đáo các điều kiện về lễ rước bảo đảm an toàn, trang trọng.

Ông Bùi Ngọc Minh, Thành phố Hồ Chí Minh

Năm nào tôi cũng về trẩy hội đền Tiên La. Dù năm nay khác với những năm trước vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên không có phần hội nhưng tôi thấy công tác chuẩn bị cho lễ rước của đền diễn ra khẩn trương, trang trọng. Đến tham quan đền Tiên La, chúng tôi rất ấn tượng với sự mến khách của người dân nơi đây và được chiêm ngưỡng những giá trị văn hóa tâm linh, kiến trúc của ngôi đền. Đặc biệt, khi tìm hiểu về những giá trị văn hóa lâu đời của dân tộc ta, tôi càng tự hào và thêm yêu quê hương, đất nước.

Thanh Thủy

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày