Thứ 7, 16/11/2024, 04:36[GMT+7]

Giá trị đặc biệt của lễ hội đền Trần

Thứ 2, 16/01/2023 | 21:30:38
4,375 lượt xem
Từ các nguồn tư liệu chính thống của quốc sử lưu truyền cùng những di sản văn hóa đã có và hiện còn, các thế hệ cư dân Thái Bình từng vẫn luôn tự hào với Long Hưng - Hưng Hà là vùng quê sáng nghiệp, hưng nghiệp và giữ nghiệp của vương triều Trần. Đền thờ và khu lăng mộ các vua Trần ở xã Tiến Đức (Hưng Hà) được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt, lễ hội tại di tích này đã được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đó là những chứng tích góp thêm phần khẳng định vùng đất Hưng Hà chính là nơi “chôn nhau, cắt rốn” của những người khai sáng ra triều Trần như Thái sư Trần Thủ Độ, Linh từ quốc mẫu Trần Thị Dung, Trần Thái Tổ, Trần Thái Tông cùng nhiều bậc danh nhân thời Trần và cũng chính là nơi đặt tôn miếu nhà Trần.

Đền thờ và khu lăng mộ các vua Trần, xã Tiến Đức (Hưng Hà). Ảnh minh họa.

Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, việc đặt tôn miếu của các triều đại phong kiến từng được xác định là một việc hệ trọng, có liên quan trực tiếp đến vận mệnh của một vương triều. Tôn miếu và xã tắc là những khái niệm thiêng liêng, cùng chung sự tồn vong. Muốn giữ yên ngôi báu thì vương tộc cùng muôn dân phải dốc chí, đồng lòng bảo vệ, gìn giữ. Theo truyền thống, với tâm thức “lá rụng về cội” dường như triều đại nào cũng chọn nơi phát tích để đặt tôn miếu.

Nhà Lý phát tích từ châu Cổ Pháp (Bắc Ninh). Lý Công Uẩn lên ngôi từ kinh đô Hoa Lư, sau dời đô về Thăng Long nhưng triều Lý đã chọn Cổ Pháp - Đình Bảng, Bắc Ninh làm tôn miếu để xây dựng lăng tẩm an táng các vị tiên đế cùng hoàng tộc. Nhà Lê dấy nghĩa từ đất Lam Sơn, khi đã giành được giang sơn, đóng đô ở Thăng Long nhưng vẫn lấy núi rừng Lam Sơn là nơi đặt tôn miếu.

Tổ tiên nhà Trần vốn làm nghề đánh cá từ đất Đông Triều. Đến đời Trần Kinh thì chuyển về Tức Mặc (Nam Định) và qua đời ở đó. Con trai Trần Kinh là Trần Hấp, nhờ tìm được thế đất thiêng đã dời mộ bố về táng tại Mả Sao, hương Thái Đường, phủ Long Hưng, nay thuộc xã Tiến Đức (Hưng Hà) và cư trú tại đây. Từ nghề đánh cá, Trần Hấp cùng con cháu sau chuyển dần lên bờ làm ruộng và trở nên giàu có, ngày càng có thế lực mạnh để bước vào vũ đài chính trị. Đến đời thứ tư thì Trần Cảnh được trao ngôi báu từ nhà Lý.

Nhà Trần đã chọn Thái Đường - Long Hưng làm nơi đặt tôn miếu để xây dựng lăng tẩm an táng các vị vua và hoàng hậu đầu triều cùng nhiều trọng thần trong hoàng tộc. Thái tổ Trần Thừa được táng tại Thọ lăng. Thái Tông táng tại Chiêu lăng. Thánh Tông táng tại Dụ lăng, Nhân Tông táng tại Đức lăng, đều thuộc đất Thái Đường.

Khi giặc Mông - Nguyên tràn vào bờ cõi Đại Việt, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn có bài hịch khuyên nhủ các tướng sĩ, ông đã cảnh báo nếu để non sông rơi vào tay giặc thì: “Không những xã tắc, tôn miếu của ta bị người khác dày xéo, mà mồ mả cha mẹ các ngươi cũng bị bới đào”. Lời cảnh báo của Hưng Đạo Đại Vương đã đúng. Sách Đại Việt sử ký toàn thư (Toàn thư) đã chép sự kiện khi quân Mông - Nguyên chiếm đóng Long Hưng đã phá hủy toàn bộ hành cung và các lăng tẩm. Ghi chép về sự kiện ngày 17 tháng 3 năm Mậu Tý (1288) Thượng hoàng Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông đem các tướng giặc bị bắt về làm lễ dâng thắng trận ở Long Hưng, sách Toàn thư cho biết: “Trước đó, quân Nguyên đã khai quật Chiêu lăng (lăng Trần Thái Tông) muốn phá đi, nhưng không phạm được tới quan tài...”.

Có lẽ, để bảo toàn phần mộ, đề phòng chiến tranh tiếp diễn nên hầu hết lăng tẩm các vua Trần từ Anh Tông về sau được đưa về đặt tại Đông Triều. Vùng đất Thái Đường, nơi đặt tôn miếu nhà Trần dần trở nên hoang phế. Sau khi toàn thắng giặc (chưa rõ vào năm nào), ngôi đền thờ các vua Trần đã được phục dựng lại, còn hành cung và lăng tẩm đã trở thành phế tích. Tiếc thay, ngôi đền này cũng đã bị phá hủy khi thực dân Pháp đổ bộ lên đất Thái Bình vào giữa thế kỷ trước. Nhân dân làng Tam Đường còn giữ được một số đồ thờ tự, trong đó có chiếc bài vị với dòng chữ: “Thái Tông hoàng đế ngự”.

Sau năm 1954, dấu tích của khu mộ táng các vua, hoàng hậu cùng hoàng tộc nhà Trần còn dễ dàng nhận được. Phía trước hành cung theo thế “tiền tam thai” có các nấm phần với tên gọi phần Thính, phần Trung, phần Bụt, phần Cựu, mả Tít... Phía sau hành cung theo thế “hậu thất tinh” có các nấm phần với tên gọi phần Lợn, phần Ổi, phần Quang, phần Mao, mả Bà Già... Từ sau năm 1954 trở lại đây, phần nhiều những ngôi mộ phía sau hành cung nằm xen kẽ trong khu dân cư đã bị hư hao dần. 

Tại thôn Tam Đường, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, nơi đặt hành cung và lăng tẩm, khi đào xuống 30 - 50cm vẫn thường gặp những hiện vật thời Trần như gạch, ngói, đầu rồng, tượng đất nung và đồ gốm sứ... Qua những lần khai quật và thám sát khảo cổ học, tuy chưa được tiến hành một cách có hệ thống nhưng bước đầu đã có thể hình dung được một số đường đi và vị trí đặt tẩm điện trong hành cung. Di chỉ khảo cổ học Tam Đường đã được xếp hạng di tích quốc gia.

Mấy thập niên qua, kể từ khi di tích đền Trần được tôn tạo thì lễ hội luôn được duy trì với quy mô lớn hơn vào ngày 13 tháng Giêng hàng năm theo đúng định lệ cổ truyền. Hàng vạn lượt du khách từ nhiều tỉnh, thành phố đã về tham dự, năm sau đông hơn năm trước.

Điểm sáng văn hóa của lễ hội này là nhiều lễ thức cùng những trò chơi, trò diễn dân gian truyền thống có cội nguồn từ thời Trần như tục thi cỗ cá, tục rước nước, tục đấu gậy, tục thi thả diều, tục giao chạ giữa hai làng Tam Đường - Vân Đài cùng nhiều mỹ tục khác đã được duy trì nghiêm cẩn và bền vững. Điều đáng nâng niu, trân trọng hơn cả là những lễ tục cổ được coi là di sản văn hóa thời Trần tại lễ hội đền Trần mang những giá trị đặc biệt không nơi nào có được đã ngày càng tỏa sáng để thắp sáng thêm niềm tự hào của miền quê phát nghiệp đế vương và là nơi đặt tôn miếu của triều Trần.

Nguyễn Thanh
(Kiến Xương)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày