Thứ 7, 16/11/2024, 04:54[GMT+7]

Lễ hội đền Trần được tổ chức với quy mô cấp tỉnh

Thứ 5, 19/01/2023 | 15:36:00
1,917 lượt xem
Năm 2023 là năm đầu tiên lễ hội đền Trần, xã Tiến Đức (Hưng Hà) được tổ chức với quy mô cấp tỉnh. Sôi nổi hướng tới lễ hội được vinh danh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, từ nhiều tháng qua, UBND tỉnh đã triển khai các phần việc thiết thực nhằm tiếp tục khẳng định giá trị di sản văn hóa nhà Trần ở Thái Bình, đồng thời, tạo không khí vui tươi, phấn khởi dịp đầu xuân năm mới.

Lễ rước nước là nghi lễ mở đầu cho chuỗi hoạt động diễn ra tại lễ hội đền Trần.

Bảo lưu những giá trị truyền thống tốt đẹp

Làng Tam Đường là tên gọi của sự hợp nhất ba làng Thái Đường, Phú Đường và Ngọc Đường, thuộc xã Tiến Đức (Hưng Hà) hiện nay. Nằm trên vùng đất cổ xưa, Thái Đường thời Trần đã được coi là nơi có địa thế phong thủy phát vương, nơi được chọn để dựng Thái miếu và xây cất bốn khu lăng mộ các vua Trần. Đền Trần, làng Tam Đường, xã Tiến Đức (Hưng Hà) đến nay vẫn còn khắc ghi câu thơ bất hủ của vua Trần Nhân Tông: Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã / Sơn hà thiên cổ điện kim âu (tạm dịch: Đất nước hai phen chồn ngựa đá / Non sông ngàn thuở vững âu vàng). Các vua Trần trước đây hàng năm thường tổ chức tế lễ tại Thái Đường, nay thuộc làng Tam Đường, xã Tiến Đức (Hưng Hà) vào dịp đầu xuân.

Trải qua hơn 7 thế kỷ, lễ hội truyền thống tưởng nhớ các vua Trần tại xã Tiến Đức vẫn được nhân dân bảo tồn, lưu giữ cho đến ngày nay. Hàng năm, các làng trong xã long trọng quây quần tổ chức lễ hội với những nghi lễ cổ truyền như lễ rước nước, thi cỗ cá, thi gói bánh chưng, thi nấu cơm cần… góp phần làm cho sinh hoạt lễ hội vừa trang nghiêm, trọng thể, vừa tưng bừng náo nhiệt. Với người dân Tam Đường nói riêng và cộng đồng các làng thuộc xã Tiến Đức nói chung, lễ rước nước rất được trú trọng, bao gồm rước bộ và rước thủy trên sông Hồng. Theo các bậc cao niên trong vùng, nghi lễ này được thực hiện từ nhiều trăm năm qua, mỗi khi đến kỳ lễ hội nhằm tri ân và tưởng nhớ các vua Trần, có ý nghĩa nhắc nhở con cháu nhớ lại thuở xa xưa nhà Trần trước khi có được giang sơn xã tắc vốn làm nghề chài lưới trên sông. Trong phần lễ hội của đền Trần, ngoài tục rước nước còn có tổ chức thi cỗ cá để cúng các vua Trần. Cuộc thi này là phần rất hấp dẫn không chỉ với người dân địa phương mà còn với du khách hành hương về lễ hội tại đền Trần bởi mâm cỗ cá kỳ công, theo đúng phong tục cổ truyền dâng lên tiên tổ. Đây cũng là nghi thức tưởng nhớ các vua Trần có nguồn gốc xuất thân từ nghề chài lưới…

Lễ hội đền Trần là một trong những lễ hội có lịch sử lâu đời và gắn liền với lịch sử của một triều đại có võ công oanh liệt và nền văn hóa phát triển rực rỡ, mang ý nghĩa uống nước nhớ nguồn. Trải qua hàng trăm năm lưu truyền, đã có những lúc tập tục này bị gián đoạn và tưởng chừng bị mai một. Tuy nhiên ngày nay các nghi thức trong lễ hội vẫn được người dân địa phương cố gắng duy trì và phục dựng lại nhằm bảo tồn truyền thống văn hoá của địa phương.

Mâm cỗ cá được trình bày công phu tham gia hội thi truyền thống tại lễ hội đền Trần.

Lễ hội xứng tầm lịch sử

Lễ hội đền Trần được tổ chức trong 5 ngày, từ 3 - 7/2/2023 (ngày 13 - 17 tháng Giêng năm Quý Mão). Các hoạt động phần lễ bao gồm: lễ dâng hương tại lăng mộ các vua Trần, lễ tế mở cửa, lễ dâng cặp bánh kỷ lục Việt Nam của Công ty Cổ phần Quốc tế Bảo Hưng, lễ rước thủy và rước bộ, lễ bái yết, trình diễn thư pháp 2 câu thư của vua Trần Nhân Tông… Phần hội bao gồm các hoạt động: Triển lãm nhiếp ảnh mỹ thuật tỉnh Thái Bình mừng Đảng mừng Xuân, thi cỗ cá, thi pháo đất, liên hoan văn nghệ quần chúng huyện Hưng Hà, thi gói bánh chưng, Ngày thơ Việt Nam, giải võ cổ truyền tỉnh Thái Bình, giải kéo co huyện Hưng Hà, thi kéo lửa nấu cơm cần xã Tiến Đức.

Với liên tiếp nhiều hoạt động diễn ra trong các ngày lễ hội, việc tuyên truyền đã sớm được triển khai trên các kênh thông tin đại chúng góp phần lan tỏa không khí háo hức hướng tới lễ hội truyền thống trong các tầng lớp nhân dân. Ông Hoàng Đình Nhưng, Chủ tịch UBND xã Tiến Đức (Hưng Hà) cho biết: để chuẩn bị cho lễ hội đền Trần diễn ra vào dịp đầu xuân, từ nhiều tháng qua, người dân xã Tiến Đức đã chuẩn bị cá to để tham gia thi cỗ cá, luyện tập thi pháo đất, gói bánh chưng, kéo lửa nấu cơm… Ngoài ra, UBND xã đã lên kế hoạch cụ thể, phối hợp bảo đảm an toàn, an ninh, phòng chống cháy nổ, đón tiếp du khách trong những ngày diễn ra lễ hội. Mong rằng, chuỗi các hoạt động sôi nổi tại lễ hội đền Trần năm nay sẽ tạo nên không khí náo nức, phấn khởi trong dịp đầu xuân mới.

Ông Đỗ Quốc Tuấn, Giám đốc Bảo tàng tỉnh chia sẻ: Trong lễ hội đền Trần năm nay, CLB Thư pháp và Hán nôm Bảo tàng tỉnh tổ chức hoạt động trình diễn viết thư pháp 2 câu thơ bất hủ của vua Trần Nhân Tông: “Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã / Sơn hà thiên cổ điện kim âu”. Đây là hoạt động ý nghĩa hướng về cội nguồn, hướng về những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Với sự chuẩn bị chu đáo, năm đầu tiên lễ hội đền Trần được tổ chức quy mô cấp tỉnh sẽ trở thành điểm hẹn của nhân dân cũng như du khách thập phương, tiếp tục khẳng định giá trị di sản văn hoá nhà Trần ở Thái Bình; thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của các bậc tiền nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Đồng thời, qua đó góp phần thiết thực giới thiệu, quảng bá về mảnh đất và con người Thái Bình luôn nỗ lực trên bước đường hội nhập nhưng cũng luôn quan tâm gìn giữ, bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của cha ông.

Tú Anh

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày