Thứ 6, 15/11/2024, 08:40[GMT+7]

Lễ hội Gióng đền Sóc (Hà Nội) năm 2024: Khai mạc muộn hơn so với mọi năm

Thứ 4, 31/01/2024 | 16:48:16
3,895 lượt xem
Là một trong những lễ hội truyền thống lớn nhất của Hà Nội, lễ hội Gióng đền Sóc tại huyện Sóc Sơn diễn ra vào ngày mùng 6 tháng Giêng hằng năm thu hút sự tham gia của nhiều du khách thập phương. Năm nay, lễ hội được tổ chức với nhiều điểm mới.

Lễ hội Gióng đền Sóc 2024 có nhiều điểm mới.

Theo kế hoạch, Lễ hội Gióng đền Sóc năm 2024 sẽ được tổ chức từ ngày 15 đến 17-2-2024 (tức ngày 6 - 8 tháng Giêng năm Giáp Thìn). Đây là sự kiện văn hoá, tín ngưỡng lớn nhất trong năm của huyện Sóc Sơn nhằm tôn vinh, quảng bá, giới thiệu giá trị lễ hội Gióng đền Sóc - Di sản văn hoá vật thể đại diện cho nhân loại.

Theo truyền thống, Lễ hội Gióng đền Sóc năm 2024 sẽ gồm 2 phần chính. Phần lễ là lễ rước 8 lễ vật và lễ tế của các thôn làng. 8 lễ vật theo truyền thống được các thôn làng cung tiến tại lễ hội Gióng đền Sóc năm 2024 gồm: Giò hoa tre, thần mã (ngựa chiến), voi chiến, trầu cau, ngà voi, cỏ voi, nữ tướng trẻ và cầu húc.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Sóc Sơn Tống Giang Phúc cho biết, hiện nay, các lễ vật do 8 thôn chuẩn bị đã hoàn tất từ sớm. Người dân đã rất háo hức, sẵn sàng cho lễ hội lớn này. Điểm mới của Lễ hội Sóc năm nay, đó là lễ khai mạc sẽ được lùi muộn 1 tiếng so với mọi năm, tức là 7h30 ngày 15-2 (tức ngày mùng 6 tháng Giêng) sẽ khai hội. Việc tổ chức muộn nhằm tạo điều kiện cho người dân và du khách được tham dự lễ hội đông hơn.

Phần hội năm nay sẽ có sự tham gia của nhiều tổ chức hội, đoàn thể và nhân dân các địa phương. Ngoài hoạt động thi đấu thể dục thể thao (vật, bóng chuyền hơi), sẽ có các trò chơi dân gian truyền thống được tổ chức như: Đi cà kheo, đập niêu, kéo co, đi cầu thăng bằng và đặc biệt là hội thi nấu cơm.

Năm nay, trò chơi nghi lễ Kéo Mỏ tiếp tục được tái hiện trong lễ hội. Ngoài ra, người dân và du khách còn được xem cuộc thi Cầu Húc và các chương trình nghệ thuật đặc sắc được lên kịch bản, biểu diễn bởi các tổ chức hội (phụ nữ, nông dân), đoàn thanh niên và nhân dân trên địa bàn huyện Sóc Sơn.

Theo ghi nhận, hiện nay, công tác chuẩn bị cho lễ hội Gióng đền Sóc đang được huyện Sóc Sơn rốt ráo triển khai. Thời điểm này, Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Sóc được chỉnh trang lòng đường, vỉa hè gọn gàng. Khuôn viên khu di tích được dọn dẹp phong quang, sạch đẹp.

Ông Tống Giang Phúc cho biết, điểm mới của Lễ hội Gióng đền Sóc năm nay là sẽ siết chặt các hoạt động trông giữ xe, bảo đảm an ninh trật tự cho người dự hội; nghiêm cấm việc nâng giá bán sản phẩm, buôn bán hàng giả, hàng nhái, ấn phẩm mê tín dị đoan tại lễ hội. Ngoài ra, Ban tổ chức đã mở rộng thêm khu vực hội để tổ chức các chương trình nghệ thuật và trò chơi dân gian.

“Khu vực bán hàng sẽ được quy hoạch lại quy củ hơn, có kiểm soát của Ban tổ chức. Chúng tôi sẽ cố gắng kiểm soát tình trạng bán hàng rong. Các trò chơi mang tính bạo lực, cờ bạc trá hình, ăn tiền cũng bị nghiêm cấm tại lễ hội Gióng đền Sóc năm 2024. Đặc biệt, công tác kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm sẽ được Phòng Y tế huyện phối hợp các đơn bị giám sát thường xuyên, xử phạt nghiêm trong thời gian diễn ra lễ hội…”, ông Tống Giang Phúc cho biết.

Liên quan đến công tác bảo đảm an toàn, văn minh lễ hội, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Hồ Việt Hùng, Trưởng ban tổ chức lễ hội Gióng đền Sóc năm 2024 khẳng định, công tác tổ chức lễ hội sẽ được chuẩn bị chu đáo, các nội dung thiết thực, nghi lễ trang trọng, bảo đảm an toàn, tiết kiệm và lành mạnh. Tại các ban thờ, Ban tổ chức sẽ bố trí lực lượng đón tiếp khách, hướng dẫn du khách hành lễ trang nghiêm, văn minh.

“Chúng tôi mong muốn thông qua lễ hội, sẽ tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động của các cấp, các ngành và nhân dân trong việc nâng cao ý thức giữ gìn, phát huy giá trị của lễ hội và di tích quốc gia đặc biệt đền Sóc. Đồng thời, thông qua các hoạt động của lễ hội sẽ góp phần tuyên truyền, quảng bá “Điểm du lịch đền Sóc”, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch huyện Sóc Sơn nói riêng và du lịch thành phố Hà Nội nói chung”, ông Hồ Việt Hùng bày tỏ.

Hiện nay, huyện Sóc Sơn đã ký cam kết thực hiện Bộ tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống.

Theo hanoimoi.com.vn

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày