Thứ 6, 15/11/2024, 05:38[GMT+7]

Những lưu ý ở 5 lễ hội mùa xuân miền Bắc

Thứ 6, 16/02/2024 | 11:00:36
1,253 lượt xem
Lễ hội chùa Hương, đền Trần, chùa Yên Tử, chùa Bái Đính năm nay có một số thay đổi ở hình thức bán vé, thời gian hoạt động và phần hội. Một số lưu ý dưới đây sẽ giúp thuận tiện hơn cho du khách và người hành hương.

Chùa Hương, Mỹ Đức, Hà Nội

Chùa Hương ngày 14/2 (mùng 5 Tết). Ảnh: Ngọc Thành

Đường vào chùa Hương trước ngày khai hội 14/2 (mùng 5 Tết). Ảnh: Ngọc Thành

Lễ hội chùa Hương 2024 có chủ đề "Chùa Hương: An toàn - Văn minh - Thân thiện" từ ngày 11/2 đến hết 11/5. Lễ khai hội chính thức diễn ra ngày 15/2, tức mùng 6 tháng giêng tại sân Thiên Trù - chùa Hương.

Khách tham quan mua vé điện tử.

Việc vận chuyển đò do HTX Dịch vụ Du lịch chùa Hương thực hiện. Đây là điểm mới của năm nay. Giá vé dịch vụ thuyền đò gồm các tuyến: Hương Tích giá 85.000 đồng/người cho hai lượt; Long Vân giá 65.000 đồng/người cho hai lượt; Tuyết Sơn giá 65.000 đồng/người, hai lượt.

Thời gian hoạt động đò: từ thứ hai đến thứ sáu: 5h đến 20h; thứ 7 và chủ nhật: 4h đến 20h.

Giá vé thu phí thắng cảnh 120.000 đồng một người/lượt. Vé ưu tiên 60.000 đồng/người/lượt.

Giá vé cáp treo khứ hồi: Người lớn: 220.000 đồng, trẻ em: 150.000 đồng. Một lượt: người lớn: 150.000 đồng, trẻ em: 100.000 đồng.

Xe điện phục vụ du khách theo lộ trình tuyến với 3 tuyến đường: Bến xe Hội Xá - bến đò Yến Vỹ; bến xe Đục Khê - bến trượt Đồng Cừ; bến xe đường số 1 - bến đò chùa Tuyết Sơn. Giá vé vận chuyển khách bằng xe điện: 20.000 đồng một người một lượt.

Lễ hội đền Trần, Nam Định

Lễ hội đền Trần xuân Giáp Thìn được tổ chức từ ngày 20 đến ngày 25/2 (tức từ ngày 11 đến 16 tháng Giêng). Trong đó, lễ Khai ấn là tục lệ cổ với ý nghĩa cầu cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình, thịnh trị, mọi nhà chung hưởng lộc ấn đền Trần.

Ngày 11 tháng Giêng (20/2) có lễ rước kiệu Ngọc Lộ, ngày 12 tháng giêng (21/2) tổ chức lễ rước Nước, tế Cá, ngày 14 tháng giêng (23/2): từ 22h15 đến 22h40 lễ dâng hương, từ 22h40 đến 23h10 lễ rước Kiệu ấn, từ 23h15 thực hiện nghi lễ Khai ấn (lễ chính).

Từ 5h ngày 15 tháng giêng (24/2) phát ấn cho người đi lễ hội tại ba địa điểm: nhà Giải vũ, nhà Trưng bày, đền Trùng Hoa. Ngày 16 tháng giêng (25/2) tế, lễ Tết Thượng nguyên tại đền Cố Trạch và làm lễ dâng Chúc văn hoàn cung.

Địa điểm tổ chức các hoạt động tập trung tại khu vực sân quảng trường Đông A thuộc khu trung tâm lễ hội Trần.

Lễ hội Yên Tử, Quảng Ninh

Lễ hội Yên Tử bắt đầu từ ngày 9 tháng Giêng và kéo dài hết 3 tháng mùa xuân hàng năm. Du khách trẩy hội Yên Tử mong muốn được tách mình khỏi thế giới trần tục, thực hiện cuộc hành hương về đất Phật giữa thiên nhiên hùng vĩ.

Sau phần nghi lễ của lễ hội tổ chức dưới chân núi Yên Tử là cuộc hành hương tới chùa Đồng trên đỉnh núi.

Sáng mùng 10 tháng Giêng, tại Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm Yên Tử, các vị hòa thượng sẽ thực hiện nghi lễ cầu quốc thái dân an và lần lượt đóng dấu thiêng trên ấn Yên Tử. Ngoài ra, phần lễ còn các hoạt động khác như thỉnh chuông, gióng trống, chúc phúc đầu năm.

Các chi phí: từ đền Trình vào Yên Tử, vé xe buýt 16 chỗ 20.000 đồng/lượt; từ bãi đỗ xe vào chân núi, vé xe điện 10.000 đồng/lượt.

Vé cáp treo tuyến Một Mái - An Kỳ Sinh, tuyến Giải Oan - Hoa Yên, mỗi tuyến một chiều 120.000 đồng/người, khứ hồi 200.000 đồng/người.

Lễ hội chùa Bái Đính, Ninh Bình

Chùa Bái Đính 4 Tết Giáp Thìn. Ảnh: Bái Đính

Chùa Bái Đính 4 Tết Giáp Thìn. Ảnh: Bái Đính

Lễ hội chùa Bái Đính diễn ra từ ngày mùng 6 tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch. Lễ khai hội diễn ra 9h30 ngày 15/2 (mùng 6 tháng giêng). Phần lễ có các nghi thức dâng hương cầu quốc thái dân an, dâng lục cúng dường lên chư Phật, tưởng nhớ công đức của đức Thánh Nguyễn Minh Không, lễ tế thần Cao Sơn và chầu thánh Mẫu Thượng Ngàn.

Phần hội có múa rối, hát chầu văn và các tiết mục biểu diễn nghệ thuật dân gian, diễn ra tại khu vực xung quanh chùa.

Khu du lịch chùa Bái Đính mở cửa từ 6h đến 21h tất cả các ngày trong tuần.

Bái Đính có hai khu là chùa Bái Đính cổ và chùa Bái Đính mới.

Từ cổng chùa Bái Đính vào đến trung tâm khoảng 3,5 km, có thể lựa chọn phương án đi bộ hoặc đi xe điện, xe chạy liên tục và vé được bán ngay tại bến xe.

Các chi phí khi tham quan chùa: xe điện 30.000 đồng/lượt, hướng dẫn viên chùa Bái Đính là 300.000 đồng, cả chùa mới và chùa cổ là 500.000 đồng, vé tham quan Bảo tháp 50.000 đồng.

Lễ hội đền Gióng, Sóc Sơn, Hà Nội

Lễ hội đền Gióng diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 15 đến 17/2 (tức ngày 6 đến 8 tháng Giêng). Lễ khai hội diễn ra vào 7h30 ngày 15/2 (mùng 6 tháng Giêng) tại Khu du lịch - di tích đền Gióng.

Lễ hội Gióng năm nay gồm hai phần chính. Phần lễ là lễ rước 8 lễ vật và lễ tế của các thôn làng. Tám lễ vật theo truyền thống được các thôn làng cung tiến gồm: giò hoa tre, thần mã (ngựa chiến), voi chiến, trầu cau, ngà voi, cỏ voi, nữ tướng trẻ và cầu húc.

Điểm mới ở lễ hội năm nay, sau lễ cung tiến, giò hoa tre và trầu cau tiếp tục được di chuyển vào hậu cung đền Thượng, chia ra các mâm nhỏ, chuyển xuống đền Hạ (đối với giò hoa tre) và đền Mẫu (đối với trầu cau) để làm lễ. Sau đó, lộc sẽ được phát cho người dân. Điều này nhằm tránh việc cướp giò hoa tre và trầu cau thường xảy ra những năm trước.

Theo vnexpress.net

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày