Thứ 7, 09/11/2024, 22:33[GMT+7]

Lễ hội Văn Miếu Hà Tĩnh năm 2024

Thứ 7, 23/03/2024 | 18:58:15
3,176 lượt xem
Đây là năm thứ 3, UBND thành phố Hà Tĩnh thực hiện khôi phục lại Lễ hội Văn Miếu Hà Tĩnh nhằm tạo không gian sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng; tôn vinh đạo học.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và đại biểu tham quan các gian trưng bày sản phẩm OCOP của thành phố Hà Tĩnh. Ảnh: TTXVN

Sáng 23/3, tại thành phố Hà Tĩnh đã tổ chức Lễ hội Văn Miếu năm 2024 tại Khu di tích Văn Miếu Hà Tĩnh ở phường Thạch Linh. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng; Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng cùng tham dự buổi lễ.

Lễ hội Văn Miếu năm 2024 được tổ chức vào ngày 23 - 25/3 (14 - 15/2 âm lịch) tại khuôn viên Văn Miếu Hà Tĩnh (phường Thạch Linh, thành phố Hà Tĩnh). Đây là năm thứ 3, UBND thành phố Hà Tĩnh thực hiện khôi phục lại lễ hội văn hóa này nhằm tạo không gian sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng; tôn vinh đạo học và tổ chức các hoạt động vui chơi lành mạnh, bổ ích.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dự Lễ hội Văn Miếu Hà Tĩnh năm 2024 - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng các đại biểu thực hiện nghi thức lễ tế, dâng hương tại Văn Miếu Hà Tĩnh. Ảnh: TTXVN

Tại lễ hội, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng các đại biểu tham dự đã thực hiện nghi thức lễ tế, dâng hương các vị tiên hiền khai nguồn đạo học, các danh nhân văn hóa tại Văn Miếu, các vị đại khoa được khắc tên vào văn bia và lễ dâng "Văn phòng tứ bảo" (dâng bút, giấy, mực, nghiên) để cầu may cho người được tặng chữ.

Sau phần lễ là phần hội với các trò chơi dân gian, hoạt động văn hóa - văn nghệ, thư pháp, triển lãm sách… thu hút đông đảo người dân tham gia. Tại khuôn viên Văn Miếu còn tổ chức hoạt động cho chữ. Điều này thể hiện nét đẹp văn hóa, tinh thần hiếu học, trọng chữ nghĩa của người Hà Tĩnh.

Văn Miếu Hà Tĩnh là công trình lịch sử, văn hóa có ý nghĩa quan trọng, là nơi thờ phụng đức Khổng Tử, bậc hiền triết sáng lập nên đạo Nho và các học trò sĩ tử như: Nhà giáo Chu Văn An (1292-1370), Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724-1791), Thám hoa Nguyễn Huy Oánh (1713-1789), La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp (1723-1804), Đại thi hào Nguyễn Du (1765-1820). Đây cũng là nơi diễn ra các sinh hoạt văn hóa, tôn vinh, khuyến khích tinh thần hiếu học của các thế hệ học sinh Hà Tĩnh.

Lễ hội Văn Miếu tại Hà Tĩnh được tổ chức nhằm khôi phục và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tạo không gian sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, đề cao, tôn vinh đạo học; tổ chức các hoạt động vui chơi lành mạnh, bổ ích cho Nhân dân.

Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền về lợi ích, vai trò của văn hóa, thể thao truyền thống trong việc nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần, sức khỏe trí tuệ của Nhân dân, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc; khôi phục, xây dựng và tổ chức lễ hội truyền thống nhằm thu hút du khách, góp phần phát triển kinh tế du lịch dịch vụ thành phố.

Qua các lần tổ chức, lễ hội Văn Miếu đã nhanh chóng trở thành nét đẹp văn hóa, là điểm đến của người dân Hà Tĩnh. Lễ hội được tổ chức trang trọng, tôn nghiêm với hoạt động dâng lễ, cúng tế cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, sự nghiệp giáo dục của mảnh đất Thành Sen nói riêng, Hà Tĩnh nói chung phát triển.

Theo vtv.vn

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày