Thứ 7, 09/11/2024, 22:22[GMT+7]

Độc đáo lễ hội chùa Bổ Đà

Chủ nhật, 24/03/2024 | 17:38:52
2,355 lượt xem
Ngày 24/3, tại xã Tiên Sơn, thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang diễn ra khai hội chùa Bổ Đà. Theo truyền thống, lễ hội được tổ chức vào ngày Rằm tháng Hai âm lịch hằng năm. Năm nay lễ hội được tổ chức trong vòng 3 ngày.

Biểu diễn chơi quan họ tại khai mạc lễ hội.

Chùa Bổ Đà được xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia đặc biệt. Đồng thời được Tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận nhiều kỷ lục tại ngôi chùa này. Chùa có tên chữ là Tứ Âm Tự, dân gian thường gọi là chùa Bổ.

Chùa Bổ Đà có kiến trúc đặc biệt, độc đáo rất khác với hệ thống chùa tại Việt Nam. Chùa với nhiều dãy nhà, tổng cộng với gần 100 gian nhà gỗ liên thông với nhau bằng hành lang theo kiến trúc “nội thông, ngoại bế”. Có nghĩa là đường đi trong chùa được liên thông với nhau bởi những hành lang, những không gian ở ngoài trời trước mặt các công trình chỉ là khoảng sân đón ánh sáng, khí trời mà không có đường đi ra nơi khác. Vậy nên từ chính điện Tam Bảo du khách phải đi sâu vào phía sau rồi đi qua cánh cửa hẹp để vào hành lang liên thông đến nhà thờ Tổ, thờ Mẫu và các công trình khác.

Ngoài ra chung quanh chùa còn là hệ thống tường đất nện bao quanh, rêu phong cổ kính. Cùng với đó, nhiều công trình trong chùa còn được xây dựng từ những mảnh sành, gốm sứ, thậm chí là tiểu quách không trát, tạo ra những bức tường độc đáo để du khách chụp ảnh lưu niệm.

Hệ thống tường đất nện bao quanh chùa.

Hệ thống cây trong vườn chùa được giữ gìn qua hàng nghìn năm, trong đó có nhiều cây được công nhận là Cây di sản Việt Nam, đáng chú ý là cây vối và cây thị trong sân chùa cổ kính và xanh tươi quanh năm.

Chùa Bổ Đà còn là nơi lưu giữ hơn 2 nghìn mộc bản khắc ghi nội dung kinh Phật. Bộ mộc bản này được công nhận là Bảo vật quốc gia. Trong đó có bộ mộc bản được khắc trên gỗ thị được công nhận là bộ mộc bản khắc trên gỗ thị cổ nhất Việt Nam.

Đặc biệt nơi đây tồn tại vườn tháp lớn nhất Việt Nam với 114 ngôi tháp chia làm 2 tầng chứa xá lị, là cốt nhục của gần 2 nghìn nhà sư, tăng ni trải dài suốt hàng trăm năm phát triển của dòng thiền tu Lâm Tế.

Ngôi chùa được coi là trung tâm của dòng tu Lâm Tế, là một trong bốn dòng tu lớn, chính thống của Phật giáo Việt Nam. Theo Đại đức Tự Tục Vinh, Trụ trì chùa Bổ Đà thì ngôi tháp chứa nhiều xá lị nhất là 26 xá lị, ngôi ít nhất là 4 xá lị. Vườn tháp có kiến trúc độc đáo, mặt trời mọc rồi lại lặn nhưng quanh năm bóng của các ngôi tháp không bị đè lên các tháp khác mặc dù các tháp được xây dựng rất gần nhau. Hiện chùa vẫn giữ được quy hoạch tổng thể của vườn tháp và nhiều bản bùa chú, kinh phật độc đáo.

Một góc vườn tháp chùa Bổ Đà.

Năm nay Lễ hội truyền thống chùa Bổ Đà diễn ra gắn liền với tổ chức Liên hoan dân ca quan họ năm 2024. Phát biểu khai mạc. Ông Thân Văn Thuần, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thị xã, cho biết, Lễ hội chùa Bổ Đà là nét sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu của người dân vùng Kinh Bắc, được khách du lịch gần xa biết đến. Đây là dịp để người dân, du khách tham quan, vãn cảnh, giao lưu. Đồng thời là cơ hội để thị xã Việt Yên quảng bá hình ảnh, vùng đất, con người, di sản văn hóa đặc sắc của địa phương.  

Trong khuôn khổ lễ hội diễn ra Liên hoan dân ca quan họ thị xã Việt Yên năm 2024. Nhân dịp này, Ban tổ chức trao cờ lưu niệm cho 53 câu lạc bộ tham gia Liên hoan.

Tại lễ hội còn có các hoạt động như: trình diễn di sản quan họ, thư pháp, trưng bày, triển lãm sản vật làng nghề, sản phẩm OCOP, đặc trưng của thị xã; tổ chức các trò chơi dân gian như: bịt mắt đập niêu, nhảy bao bố, đi cầu khỉ, ô ăn quan.

Lễ hội sẽ kết thúc vào ngày 27/3 (tức 18 tháng Hai âm lịch).

Theo nhandan.vn

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày