Lễ hội Bắt cá Vực Rào - Nét đẹp văn hóa của người Hà Tĩnh
Mỗi mùa hè, người dân xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh lại náo nức chuẩn bị cho Lễ hội Bắt cá Vực Rào, hay còn gọi là lễ hội Xả vực Xuân Viên. Đây là một sự kiện văn hóa quan trọng, không chỉ thu hút người dân địa phương mà còn hấp dẫn rất nhiều khách thập phương, những người muốn tận hưởng không khí truyền thống và đắm mình trong nét đẹp văn hóa đặc trưng của vùng đất này.
Vực Rào là một lạch nước sâu, rộng, chạy dài theo chân dãy núi Vực, với diện tích tự nhiên khoảng 30ha. Đây là một khu vực có dòng nước mát, trong lành, và nhiều hang, đầm, đìa, là nơi lý tưởng để các loài cá nước ngọt sinh sống và phát triển. Điều đặc biệt là nơi này bị cấm đánh bắt cá quanh năm, ngoại trừ trong thời gian diễn ra Lễ hội. Chính nhờ vào quy định này mà nguồn tài nguyên cá ở Vực Rào luôn được bảo tồn tốt, tạo điều kiện cho Lễ hội Bắt cá hàng năm diễn ra trong sự háo hức và mong đợi của mọi người.
Lễ hội được diễn ra dưới chân núi Vực giữa khung cảnh thiên nhiên vô cùng tuyệt đẹp.
Từ sáng sớm, người dân từ khắp nơi đổ về khu vực đầm Vực Rào. Họ mang theo đủ các dụng cụ đánh bắt cá như nơm, đó, lưới để hòa mình vào không khí nhộn nhịp của lễ hội. Mọi người tụ họp lại, chờ đợi giây phút cùng nhau lội xuống đầm và bắt đầu cuộc thi úp cá truyền thống đầy hào hứng và sôi động.
Lễ hội bắt đầu khi hồi trống đầu tiên vang lên. Người đứng đầu làng hô lên một tiếng to, sau đó một người cầm nơm lội xuống đầm úp cá. Ngay lập tức, người dân trong làng cùng ào xuống đầm, tiếng reo hò và cổ vũ vang dội khắp nơi, tạo nên không khí vô cùng sôi động và hào hứng. Hàng năm, Lễ hội Bắt cá Vực Rào thu hút đông đảo người dân, du khách thập phương và con em sinh sống, làm ăn xa quê về tham dự.
Người dân ở nhiều độ tuổi, từ người già đến trẻ em, thi nhau dùng nơm bắt cá tại đầm Vực Rào.
Chị Trần Thị Hương Giang - một người dân xã Xuân Viên cho biết, lễ hội được tiến hành rất trang nghiêm và người dân tin rằng ai bắt được cá sẽ gặp nhiều may mắn, công việc hanh thông, làm ăn khấm khá suốt cả năm. Cá bắt được không bán mà sẽ được chia cho người thân, hàng xóm để làm cơm cúng ông bà, tổ tiên. Đặc biệt, ai bắt được con cá lớn nhất sẽ được Ban tổ chức lễ hội tuyên dương và tặng thưởng.
Ông Nguyễn Ngọc Khách (một du khách đến từ TP Vinh, tỉnh Nghệ An) chia sẻ: "Đây là lần đầu tiên tôi cùng gia đình tới tham gia Lễ hội Bắt cá Vực Rào. Được cùng mọi người nô đùa, lội nước, thi nhau bắt cá không chỉ mang lại niềm vui và cảm giác thư thái, mà còn tạo ra những kỷ niệm đẹp cho các con, các cháu trong dịp hè. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các bạn tìm hiểu và trải nghiệm những giá trị văn hóa truyền thống, học hỏi từ các thế hệ trước và hiểu hơn về nguồn cội của mình."
Khi về Nghi Xuân tham gia Lễ hội Bắt cá Vực Rào, du khách còn có cơ hội tham quan nhiều địa danh lịch sử và văn hóa nổi tiếng như: Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới ở làng Tiên Điền, Nhà thờ Uy Viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ ở xã Xuân Giang, Đền Chợ Củi ở xã Xuân Hồng, Đình Hội Thống ở xã Xuân Hội. Du khách cũng sẽ được thưởng thức nghệ thuật hát ca trù tại Cổ Đạm và trò Kiều tại Xuân Liên do chính những nghệ nhân và người dân địa phương biểu diễn.
"Bên cạnh việc gìn giữ nét đẹp truyền thống từ xa xưa, Lễ hội Bắt cá Vực Rào còn là dịp để bà con nhân dân gặp gỡ, giao lưu, vun đắp thêm sự đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng làng xã" - ông Đậu Ngọc Minh, Chủ tịch UBND xã Xuân Viên cho biết.
“Nơm thủ” vui mừng, phấn khích với thành quả của mình.
BTC trao giải nhất cho anh Nguyễn Văn Tuấn thôn Nam Viên xã Xuân Viên huyện Nghi Xuân với sản phẩm cá nặng 4,4kg.
Lễ hội Bắt cá Vực Rào không chỉ là một dịp để bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống mà còn là sự kiện thể hiện tinh thần cộng đồng, gắn kết người dân ở xã Xuân Viên và nhiều xã lân cận ở huyện Nghi Xuân. Với sự kết hợp giữa yếu tố tâm linh, văn hóa và hoạt động cộng đồng, lễ hội bắt cá Vực Rào đã tạo nên một dấu ấn đậm nét trong lòng mỗi người dân và du khách khi đến với vùng đất này.
Lễ hội đánh cá Vực Rào - một giá trị văn hóa truyền thống cần được tiếp tục lưu giữ và phát huy.
Theo vtv.vn
Tin cùng chuyên mục
- Khai mạc lễ hội chùa Keo mùa thu năm 2024 12.10.2024 | 23:28 PM
- Lễ hội Bà Chúa Muối năm 2024 21.05.2024 | 16:41 PM
- Lễ hội truyền thống đền Hai Bà Trưng: Tri ân hai vị nữ tướng anh hùng dân tộc 27.04.2024 | 09:37 AM
- Lễ hội Tiên La năm 2024 diễn ra từ ngày 18 - 22/4/2024 10.04.2024 | 09:44 AM
- Quảng Ninh: Khai hội Đền Cửa Ông năm 2024 13.03.2024 | 03:45 AM
- Lễ rước Nghinh Ông độc đáo của ngư dân vùng biển Bạc Liêu 19.02.2024 | 19:47 PM
- Khai mạc lễ hội Lềnh truyền thống làng Lịch Động 19.02.2024 | 19:52 PM
- Lễ hội chùa Keo: Không gian văn hóa đặc sắc đầu xuân 16.02.2024 | 14:40 PM
- Lễ rước pháo khổng lồ làng Đồng Kỵ 13.02.2024 | 15:45 PM
- Chuẩn bị các điều kiện tổ chức lễ hội đền Trần năm 2024 16.01.2024 | 17:17 PM
Xem tin theo ngày
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh