Chủ nhật, 17/11/2024, 17:33[GMT+7]

Đặc sắc Lễ hội Dinh Thầy Thím

Thứ 3, 15/10/2024 | 10:24:26
3,278 lượt xem
Cứ vào trung tuần tháng 9 âm lịch hàng năm, Lễ hội Văn hóa - du lịch Dinh Thầy Thím lại diễn ra với nhiều nghi lễ và hoạt động du lịch, văn hóa, thể thao truyền thống. Lễ hội thu hút du khách từ mọi miền đất nước hội tụ về dinh Thầy Thím để tham gia lễ hội và tạ ơn công đức Thầy và Thím.

Nghinh rước sắc phong và bằng công nhận di tích về dinh Thầy Thím. Ảnh: N.Lân.

Lễ hội Văn hóa - du lịch Dinh Thầy Thím không đơn thuần là lễ hội văn hóa dân gian truyền thống, mà còn mang ý nghĩa lịch sử văn hóa, khắc ghi công đức của các bậc tiền nhân, thu hút hàng ngàn khách thập phương đến viếng Thầy Thím và tham gia các hoạt động của lễ hội. Đây là một trong những lễ hội văn hóa tiêu biểu được tỉnh Bình Thuận chọn bảo tồn, phát triển để phục vụ du lịch ở địa phương. Ngày 12/1/2022, Lễ hội Dinh Thầy Thím đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ghi danh và đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Người dân truyền nhau kể rằng ngày xưa, ở Quảng Nam có một đạo sĩ giàu lòng nhân ái, võ thuật hơn người, thường có những nghĩa cử cao đẹp, được dân làng mến mộ. Vì giúp dân làng dời ngôi đình khang trang thờ thần Hoàng ở làng kế bên về, Thầy bị Vua xử phạt, phải rời làng quê cũ lưu lạc vào làng Tam Tân (xã Tân Tiến, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận) ngày nay. Dân gian còn lưu truyền rằng, Thầy Thím rời làng quê cũ bằng dải lụa Vua ban để khép tội chết mà khi đến tay thầy bỗng hóa thành rồng. Thầy Thím cưỡi lên dải lụa rồng ấy mà bay vào phương Nam. Làng Tam Tân trù phú trở thành nơi dừng chân của nhà đạo sĩ có tài và chuyên giúp dân lành. Thầy dùng phép thuật để chữa bệnh, đóng ghe thuyền cho ngư dân, trấn áp bọn gian thương để cứu giúp dân nghèo…

Những truyền thuyết, sự đức độ của vợ chồng đạo sĩ được hết lòng ca ngợi, dân làng Tam Tân thân thiết gọi vợ chồng đạo sĩ là Thầy - Thím. Sự tích Thầy - Thím là một truyền thuyết dân gian được lưu truyền qua nhiều thế hệ, nội dung mang nhiều yếu tố tích cực và có giá trị giáo dục. Sự tích còn đề cao tính nhân nghĩa, đạo đức, nhân cách cao cả qua nhân vật Thầy - Thím. Sau những câu chuyện thần thoại ấy, ta có thể cảm nhận được ý nghĩa và giá trị đích thực, nhằm đề cao lẽ phải, đạo lý, sự công bằng và chuẩn mực của xã hội, góp phần giáo dục truyền thống, nhân cách và lối sống tốt đẹp cho mọi thế hệ...

Bên cạnh các nghi thức lễ truyền thống của Lễ hội Dinh Thầy Thím như: Lễ nghinh thần, rước sắc phong và bằng công nhận di tích, lễ nhập điện an vị, lễ dâng hương tưởng nhớ Thầy Thím... phần hội sẽ mang đậm dấu ấn văn hóa miền biển thông qua các hội thi, trò chơi dân gian vui nhộn...

Lễ hội Văn hóa - du lịch Dinh Thầy Thím sẽ diễn ra từ ngày 16 - 18/10 (tức ngày 14 - 16/9 âm lịch) tại Di tích lịch sử văn hóa Dinh Thầy Thím (xã Tân Tiến, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận). Đến thời điểm này, tại khu vực Dinh Thầy Thím, công tác chuẩn bị được các thành viên Ban Quản lý và các chi hội chia nhau phụ trách thực hiện công đoạn cuối cùng để sẵn sàng chào đón du khách về tham gia lễ hội.

Theo daidoanket.vn

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày