Chủ nhật, 04/05/2025, 12:23[GMT+7]

Lễ hội vùng Dâu phục dựng nghi lễ rước Phật Tứ Pháp

Thứ 7, 03/05/2025 | 22:33:15
353 lượt xem
"Dù ai buôn bán đâu đâu/ Hễ trông thấy tháp chùa Dâu thì về/ Dù ai buôn bán trăm nghề/ Tháng Tư ngày Tám nhớ về hội Dâu". Theo câu ca xưa, người dân địa phương và du khách thập phương lại náo nức hướng về chùa Dâu (phường Thanh Khương, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) để hòa mình vào không gian lễ hội với những phong tục độc đáo, gắn liền với tín ngưỡng của người Bắc Ninh - Kinh Bắc xưa.

Nghi thức hạ tòa phong áo Tượng Phật Pháp Vân.

Ngày 3/5 (tức mồng 6 tháng Tư âm lịch), thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức khai hội vùng Dâu năm 2025. Năm nay, Lễ hội vùng Dâu diễn ra trong ba ngày từ ngày 3 đến 5/5 (tức mồng 6, 7 và 8 tháng Tư âm lịch) với không gian mở rộng gồm 5 ngôi chùa lớn thờ Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện và chùa Tổ thờ bà Man Nương - mẹ của Tứ Pháp.

Trong đó, trung tâm của lễ hội là chùa Dâu (còn gọi Pháp Vân tự) - công trình di tích lịch sử văn hóa tín ngưỡng tôn giáo đánh dấu sự khởi nguồn của Phật giáo Việt Nam.

Theo các nguồn tư liệu, chùa được khởi dựng từ thế kỷ II, là tinh hoa của sự dung hội giữa Phật giáo Ấn Độ khi du nhập vào nước ta với tín ngưỡng bản địa của người Việt cổ thờ các lực lượng tự nhiên đã tạo nên một trung tâm tôn giáo tín ngưỡng mang đậm bản sắc dân tộc. Năm 2013, chùa Dâu được công nhận Di tích quốc gia đặc biệt.

Lễ hội vùng Dâu 2025 với chuỗi nghi thức truyền thống được tổ chức nghiêm túc, chu đáo, bảo đảm an toàn, tiết kiệm, giữ gìn bản sắc, góp phần bảo tồn không gian văn hóa linh thiêng, tạo sự gắn kết cộng đồng bền chặt. 

Điểm độc đáo được người dân và du khách trong lễ hội vùng Dâu đón chờ trong năm nay là việc phục dựng nghi lễ rước Phật Tứ Pháp - nghi thức quan trọng từng bị gián đoạn gần 30 năm. Theo đó, vào ngày chính hội, các làng thuộc tổng Dâu tổ chức rước tượng Phật Tứ Pháp từ các chùa làng về "công đồng" tại chùa Dâu. 

Người dân thực hiện các nghi lễ rước.

Khi đám rước về tới chùa Dâu sẽ diễn ra trò "mẹ đuổi con". Kiệu Phật Pháp Vân (thần Mây tức bà Dâu), Phật Pháp Vũ (thần Mưa tức bà Đậu), Phật Pháp Lôi (thần Sấm tức bà Tướng), Phật Pháp Điện (thần Chớp tức bà Dàn) được rước chạy quanh ba vòng theo chiều kim đồng hồ rồi trở về chỗ cũ, còn kiệu mẫu Man Nương tức kiệu thân mẫu của Phật Tứ Pháp được rước vào an vị trong chùa Dâu.

Tiếp đến là trò "cướp nước" với sự tham gia của hai kiệu Pháp Vũ và Pháp Lôi. Khi có hiệu lệnh thì kiệu Pháp Lôi và Pháp Vũ đua nhau chạy ra tam quan. Kiệu rước nào đến trước thì sẽ lấy được nước, là thắng.

Người dân xem ai về đích trước để dự báo mùa màng. Nếu bà Mưa thắng thì năm ấy được mùa còn nếu bà Sấm thắng thì năm ấy ruộng đồng lắm sâu bọ, làm ăn trắc trở.

Lễ hội tái hiện sinh động đời sống tín ngưỡng nông nghiệp, phản ánh khát vọng mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu của cư dân vùng châu thổ đồng bằng Bắc Bộ.

Mộc bản chùa Dâu - Bảo vật quốc gia.

Phần hội diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao phong phú, mang tính cộng đồng cao, vừa giải trí vừa tôn vinh giá trị truyền thống như: biểu diễn văn nghệ, múa rối nước, thi đấu cờ tướng, thi thả chim bồ câu bay, giải bóng chuyền hơi, cầu lông...

Đặc biệt, đến với lễ hội vùng Dâu, du khách còn có dịp chiêm bái nhiều bảo vật quốc gia. Năm 2017, bộ tượng Phật Tứ pháp vùng Dâu (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện) được công nhận Bảo vật quốc gia.

Chùa Dâu hiện đang bảo lưu 107 ván mộc bản được khắc vào thời Lê Trung Hưng và Tây Sơn kéo dài đến thời Nguyễn (từ năm 1752 đến năm 1859).

Mộc bản chùa Dâu được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia vào tháng 1/2024.

Theo: nhandan.vn

 


  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày