Thứ 7, 16/11/2024, 05:53[GMT+7]

Xuân về kéo lửa nấu cơm thi

Thứ 6, 28/01/2011 | 10:04:47
6,672 lượt xem
Cứ mỗi độ xuân về, cho dù mọi người đang được thừa hưởng những tiến bộ của khoa học công nghệ, song ở miền quê dân dã Thái Bình vào dịp này, những người nông dân lam lũ lại hội tụ quây quần bên nhau tổ chức các trò chơi dân gian, vừa để vui xuân, vừa khơi dậy những nét đẹp truyền thống của cha ông.

Ảnh mang tính chất minh họa.

Không biết tục lệ hay trò chơi Kéo lửa nấu cơm thi khởi nguồn từ bao giờ, chỉ biết hàng năm khi xuân về hay trong các hội lễ, kéo lửa nấu cơm thi đã trở thành một cuộc đua tài của những người nông dân thuần phác, giữa các cộng đồng thôn làng với nhau. Ở đó, thể hiện công bằng sự khéo léo thông minh, mối quan hệ đoàn kết hành động, bộc lộ sâu sắc bản chất của những người lao động.

 

Theo các nhà nghiên cứu văn hoá dân gian, kéo lửa nấu cơm thi được khởi sinh từ rất xa xưa, bắt nguồn từ thực tế ứng biến trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc; thể hiện khả năng đáp ứng hậu cần trong mọi tình huống, đủ sức mạnh nuôi quân “Thần tốc” bách chiến, bách thắng mọi kẻ thù.

 

Do vậy, kéo lửa nấu cơm thi hiện còn lưu giữ ở Thái Bình có hai loại hình:

 

Loại hình thứ nhất: Dùng tre nứa khô con sát mạnh tạo thành lửa, nhóm lửa vào đuốc tre đun dưới nồi cơm. Nồi cơm treo giữa một đoạn tre do hai người khiêng ở hai đầu, vừa chạy, vừa thổi cơm.

 

Loại hình thứ hai: Dùng tre nứa khô cọ sát mạnh tạo thành lửa và nhóm bếp nấu cơm tại chỗ.

 

Điều đặc biệt, các nồi để nấu cơm không có vung đậy, tuỳ do ứng biến sáng tạo của mỗi nhóm người. Trong thực tế, có những cơ cánh đã dùng lá sen non hoặc lá khoai nước làm vung đậy nồi. Có cơ cánh dùng giấy hoặc vải xấp nước làm vung đậy.

 

Nét độc đáo của kéo kửa nấu cơm thi là nghệ thuật lấy lửa. Dùng một đoạn tre già khô khoan một lỗ thủng ở giữa thân, sau đó luồn một sợi dây bện bằng tre nứa khô qua lỗ khoan và ở hai đầu dây hai người giữ chặt, kéo đi kéo lại với vận tốc cao tạo lực cọ xát mạnh phát thành lửa. Mồi để lửa dễ bén là rơm rạ khô được đập giã thành bông xơ, bông xơ càng nhỏ mịn thì càng dễ bắt lửa.

 

Phần nữa, gạo để nấu thành cơm phải được ngâm trước vừa đủ độ, để khi nấu không phải đổ nhiều nước, cơm chín nhanh, khô và mềm.

 

Thời gian cuộc thi được khống chế từ khi kéo lấy lửa đến hoàn thiện một nồi cơm chín chỉ trong vòng 3 hồi trống hoặc một trổ hát dân ca. Sau hồi lệnh kết thúc cuộc thi, cơm của cơ cánh nào chín đều, lại mềm dẻo thì cơ cánh đó thắng cuộc.

 

Giải thưởng "tuềnh toàng" chỉ bằng những chiếc khăn mặt hoặc một cặp gà trống, những cơ cánh nào thắng cuộc thì vui cả làng. Năm đó cả làng đều ăn ra, làm nên.

Qua trò kéo lửa nấu cơm thi,mọi người càng tỏ ra khâm phục tài trí thông minh sáng tạo của cha ông xưa đánh giặc giữ nước.

 

Nguyễn Trọng Thắng

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày