Thứ 7, 23/11/2024, 09:37[GMT+7]

Đặc sắc các lễ hội

Thứ 2, 14/10/2019 | 09:57:53
4,749 lượt xem
Nhìn lại lịch sử hình thành và phát triển, Thái Bình tự hào là nơi hội tụ, kết tinh của nhiều loại hình văn hóa dân gian độc đáo. Những nét văn hóa đặc sắc ấy được thể hiện rõ qua các lễ hội.

Hiện toàn tỉnh có hơn 490 lễ hội, trong đó nhiều lễ hội đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như: lễ hội chùa Keo (Vũ Thư), lễ hội đền Trần Thái Bình, lễ hội đền Tiên La (Hưng Hà), lễ hội đền Đồng Bằng, lễ hội đền A Sào và lễ hội đền Lộng Khê (Quỳnh Phụ)… Các lễ hội phong phú, đa dạng về loại hình, tập trung tái hiện cuộc sống nông nghiệp, tôn vinh những anh hùng dân tộc, những người có công với dân, với nước đồng thời phản ánh tín ngưỡng, phong tục tập quán địa phương và thi tài, giải trí…

Lễ hội đền Trần Thái Bình

Được tổ chức vào ngày 13 tháng Giêng hàng năm tại di tích quốc gia đặc biệt khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần, xã Tiến Đức (Hưng Hà), lễ hội đền Trần Thái Bình nhằm khẳng định và tôn vinh công lao dựng nước, giữ nước của nhà Trần trong lịch sử Việt Nam. Đây là một trong những lễ hội lớn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2014. Nét đặc sắc trong lễ hội ngoài các hoạt động: dâng hương tại mộ các vua Trần, lễ tế mở cửa đền, lễ rước thủy và bộ, lễ bái yết còn có những chương trình văn hóa, nghệ thuật đặc sắc, các trò chơi dân gian độc đáo như: thi cỗ cá, thi gói bánh chưng, thi thả diều, thi pháo đất, thi vật cầu, thi kéo co. Các trò chơi đã đem đến không khí tưng bừng cho lễ hội, là dịp giao lưu, củng cố tinh thần đoàn kết của nhân dân trong huyện. Hàng năm, lễ hội đền Trần Thái Bình thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách thập phương tới tham quan, dâng hương bái lễ.


Lễ hội chùa Keo


Nhắc đến lễ hội Thái Bình không thể bỏ qua lễ hội chùa Keo, xã Duy Nhất (Vũ Thư). Nếu như chùa Keo được đánh giá là một kiến trúc chùa cổ độc đáo bậc nhất trong hệ thống chùa chiền Việt Nam thì lễ hội chùa Keo cũng có nhiều nét đặc sắc có một không hai trong hàng nghìn lễ hội được tổ chức hàng năm trên khắp cả nước. Lễ hội chùa Keo được tổ chức hai lần trong năm là hội xuân và hội thu, trong đó hội thu được tổ chức từ ngày 13 - 15/9 âm lịch là hội chính nhằm tưởng nhớ đức Thiền sư Không Lộ, người có công dựng chùa. Trong lễ hội chùa Keo có nhiều nghi lễ độc đáo và các trò chơi dân gian đặc sắc không đâu có như nghi lễ rước kiệu đức Thánh với sự tham gia của hàng nghìn người, đoàn rước kéo dài hàng trăm mét. Nghi thức này tái hiện lại hành trình Thiền sư Không Lộ lên kinh đô chữa bệnh cho vua và các sự lệ diễn tả cuộc đời của ngài. Trong phần hội còn có các trò chơi dân gian đặc sắc, phản ánh lối sống của vùng dân cư nông nghiệp của đồng bằng Bắc Bộ như: thi bắt vịt, thi nấu cơm, thi têm trầu… Những sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian đã hòa quyện vào các nghi thức tôn giáo tạo nên một lễ hội độc đáo, ấn tượng, vừa tái hiện cuộc sống nông nghiệp vừa thi tài, giải trí, vừa mang tính chất của một lễ hội lịch sử.


Lễ hội đền Đồng Bằng


Mang nét đặc trưng của lễ hội vùng đồng bằng sông Hồng, lễ hội đền Đồng Bằng diễn ra từ ngày 20 - 26/8 âm lịch tại xã An Lễ (Quỳnh Phụ). Bên cạnh lễ rước từ các đền Mẫu Sinh, Quan Đệ Nhất, Quan Đệ Nhị, Quan Đệ Tam, Quan Điều Thất, Quan Đệ Bát về đền Đức Vua; lễ dâng hương, rước bài vị, khai chiêng, trống mở hội nhằm tưởng nhớ đến công lao của đức Vua Cha Bát Hải Động Đình và đức Thánh Trần và các trò chơi dân gian như: bơi trải, kéo co, chọi gà, cờ tướng... Trong các trò chơi, thi bơi trải là phần thi độc đáo, thu hút đông đảo người xem. Thi bơi trải đã được tổ chức trong nhiều năm nhằm gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Nói đến lễ hội đền Đồng Bằng, một hội tứ phủ lớn trong vùng còn phải nhắc đến tục hát văn. Vào dịp lễ hội, cùng với du khách thập phương còn có nhiều các ông đồng, bà cốt từ khắp mọi miền về. Từ các nghi thức trong lễ hội cho thấy, đây là lễ hội có sự pha trộn và đan xen nhiều tín ngưỡng dân gian bản địa, từ tục thờ thủy thần, thờ cha, thờ mẹ đến thờ anh hùng dân tộc.


Lễ hội đền Tiên La


Diễn ra từ ngày 10 - 17/3 âm lịch tại xã Đoan Hùng (Hưng Hà) với nhiều hoạt động phong phú đặc sắc và ý nghĩa, lễ hội đền Tiên La nhằm tưởng nhớ đến công lao của Đông Nhung Đại tướng Vũ Thị Thục, nữ tướng dưới thời Hai Bà Trưng, người có công cứu nước, cứu dân thoát khỏi ách đô hộ của quân Đông Hán. Trong lễ hội, nhiều lễ thức được thực hiện như: tế nam quan, tế nữ quan, giã bánh giày, têm trầu cánh phượng, chọi gà, cờ người, kéo co, múa rối nước, thi pháo đất, thi vật… Thông qua các nghi lễ, trò chơi, người dân trong vùng cầu mong cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, mọi người khỏe mạnh, cuộc sống hạnh phúc, vui tươi. Trong lễ hội còn bảo tồn hai loại hình nghệ thuật đặc sắc là hát ca trù và hát văn thu hút đông đảo nhân dân, du khách đến tham dự.


Lễ hội đền Lộng Khê


Ghi nhớ công lao của các bậc anh hùng, nhân dân làng Lộng Khê, xã An Khê (Quỳnh Phụ) tổ chức lễ hội từ ngày 23 - 25/3 âm lịch với nhiều hoạt động như: rước nước, rước kinh, tế lễ mở cửa đền… Khác với những lễ hội truyền thống trong vùng, lễ hội đền Lộng Khê còn lưu giữ được nét độc đáo là điệu múa bát dật, lễ rước và tục đốt cây đình liệu. Cây đình liệu có chiều cao từ 15 – 18m, được sơn màu đỏ. Mang biểu trưng cầu nối giữa trời và đất, con người với thần linh, hàng năm, vào dịp lễ hội, cây đình liệu được đốt, tỏa sáng khắp một vùng với ý nghĩa cầu mong may mắn, hạnh phúc, sung túc cho dân làng. Còn với điệu múa bát dật, đây là một trong những điệu múa cổ mà người dân làng Lộng Khê đã truyền dạy cho nhau từ nhiều đời. Những động tác gắn liền với nghề nông trong các điệu múa đã mang đến không khí vui tươi cho dân làng. Với nhiều lớp múa như: lễ thánh, hoa hồi, bát ngôn, quay tơ, múa tiên, xoáy ốc, bổ đố… điệu múa là niềm tự hào của người dân địa phương.


Ngoài những lễ hội lớn, quy mô cấp tỉnh, huyện, Thái Bình còn có hàng trăm lễ hội ở thôn, xã. Hầu hết các địa phương trong tỉnh đều có lễ hội. Mỗi lễ hội lại có những nét văn hóa riêng, thể hiện phong tục, tập quán của từng địa phương. Nếu hội làng Quang Lang, xã Thụy Hải (Thái Thụy) có múa ông Đùng, bà Đà, cầu mong sự sinh sôi thịnh vượng; hội đền Hét, xã Thái Thượng (Thái Thụy) có trò thi vật cầu; hội Sáo Đền, xã Song An (Vũ Thư) thi thả diều; hội làng La Vân (Quỳnh Phụ) nổi tiếng với múa kéo chữ thì hội làng Thượng Liệt, xã Đông Tân (Đông Hưng) có múa giáo cờ, giáo quạt… Không chỉ độc đáo với các nghi thức, trò chơi dân gian mà các lễ hội ở Thái Bình còn lưu giữ rất nhiều hình thức diễn xướng văn nghệ và múa hát độc đáo, đậm đà sắc thái của cư dân nông nghiệp vùng ven biển đồng bằng Bắc Bộ. Có dịp về Thái Bình vào những ngày tổ chức lễ hội chùa Keo, hội đền Trần Thái Bình, hội đền Tiên La, lễ hội đền Đồng Bằng, lễ hội đền Đồng Xâm… du khách còn có thể thưởng thức những màn trình diễn nghệ thuật dân gian đặc sắc như: hát chèo, hát văn, hát ca trù, múa rối nước… hay khám phá tinh hoa ẩm thực Thái Bình.


Sự phong phú, đa dạng của các lễ hội là niềm tự hào đối với mỗi người dân Thái Bình. Bởi đây là kho tàng văn hóa để giáo dục cho thế hệ trẻ, là nguồn tư liệu sống giới thiệu tới du khách trong và ngoài tỉnh về mảnh đất, con người Thái Bình.

Hoàng Lanh

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày