Thứ 6, 15/11/2024, 05:38[GMT+7]

Cà bát om kiểu Bắc

Thứ 6, 01/10/2010 | 14:46:01
1,904 lượt xem
Chồng tôi người Nam, kính trọng mẹ vợ vì yêu vợ nhưng chính những món ăn thuần Bắc do mẹ vợ tự tay chế biến khiến anh gần gũi, yêu thương quê hương vợ hơn, anh “nịnh” tôi như vậy.

Cà bát om

Quê tôi ở một tỉnh miền Bắc xa xôi, đã lâu lắm rồi tôi không có dịp về thăm. Đôi khi nỗi nhớ quê hương như nốt nhạc trầm lắng xuống thoáng qua trong bản nhạc cuộc đời sôi động vì tôi còn trẻ, có nhiều thứ khác để quan tâm hơn: công việc, gia đình, bạn bè, giải trí… Nhưng mẹ tôi thì không như thế, không đành để con gái duy nhất sống xa mình.

Mẹ theo tôi rời quê vào Sài Gòn chăm lo gia đình nhỏ của con gái, nhưng nỗi nhớ quê luôn đau đáu trong bà. Tôi hiểu điều đó mỗi khi thấy mẹ thẫn thờ nhìn về hướng bắc xa xa, khi đụng nói tới chuyện gì bà cũng bắt đầu bằng cụm từ quen thuộc: ở ngoài quê nhà mình…

Người già vốn vậy, mảnh đất thân quen gắn bó với mình gần như cả cuộc đời thì chẳng khác gì một phần cơ thể, xa là nhớ da diết lắm. Tôi thương mẹ nhưng không thể để mẹ về quê vì gia đình tôi rất cần sự chăm sóc của mẹ. Mẹ cũng không có ý định xa chúng tôi. Chỉ có điều thấy bà cứ nhắc về quê với những nhớ thương hiu hắt, vợ chồng tôi lại thấy như mình có lỗi với mẹ.

Một ngày, ông xã tôi tha về cơ man chậu và đất, loại đất bán sẵn trong từng bao nhỏ cho người trồng kiểng, bày la liệt trên sân thượng như chuẩn bị chuyển qua nghề kinh doanh cây kiểng. Tôi hỏi thì anh chỉ ra điều bí mật lắm, chưa nói được. Trong lúc tôi còn ngạc nhiên chưa hiểu ý định của chồng thì hôm sau chồng tôi đã lặng lẽ chở mẹ đi chợ Cầu, nơi bán đủ hạt giống cây trồng ở Gò Vấp…

Từ ngày có “vườn treo Babylon” - chúng tôi vẫn gọi đùa những chậu kiểng trên sân thượng như thế, mẹ dường như trở thành người khác hẳn. Vui vẻ hơn, hay cười hơn và bận rộn hơn với những gieo trồng, bón phân, tưới nước… Tôi cũng có thêm sở thích là những lúc rảnh rỗi lại lên sân thượng nhìn ngắm những mầm non trưởng thành, đơm hoa… rồi ra những trái ớt, trái cà. Những trái cây ngoài chợ lúc nào cũng sẵn và rẻ tiền, nhưng được trồng trong nhà mình từ đôi tay chăm sóc của mẹ thì không những thú vị mà tôi còn rất quý nữa.

Trong những “sản phẩm” mẹ trồng, chúng tôi thích nhất cây cà bát, người Nam còn gọi là cà dừa vì ra trái liên tục liên tục và rất đẹp mắt, trái nào trái nấy to đùng như cái bát ăn cơm hoặc lớn hơn, có thể chế ra rất nhiều món như muối chua, chiên giòn với bột kiểu của người Nam, ăn sống với mắm… Nhưng đặc biệt món cà bát om tôm kiểu Bắc của mẹ thì cả nhà tôi mê mẩn.

Cà bát chỉ cần một trái là đủ cho một nồi bốn người ăn. Mẹ tôi xắt nhỏ vừa miếng ăn rồi ngâm trong nước muối cho cà ra hết nhựa, miếng cà không bị thâm đen và cũng không còn vị chát ngái đặc trưng nữa. Tôm tươi bóc vỏ giã sơ cho ra nhiều nước ngọt ướp trong gia vị gồm nước mắm, tiêu, bột ngọt.

Mẹ phi tỏi cho thơm, bỏ mấy quả cà chua vào xào sơ cho nước có màu đỏ đẹp rồi bỏ tôm vào xào tiếp, nêm thêm ít mắm tôm Bắc hoặc mắm ruốc. Khi con tôm đã ngả màu hồng mẹ mới cho cà bát vớt ráo vào xào cùng khoảng năm phút cho thấm gia vị, tiếp theo bỏ nước cho xâm xấp cà và đun nhỏ lửa tới khi sôi chừng năm phút. Nêm nếm lại vừa miệng là tắt bếp, bỏ ít tỏi giã giập và lá lốt, tía tô xắt nhuyễn vào là cả nhà có nồi cà om ngon tuyệt cho bữa cơm gia đình.

Cà bát nhanh chín, khi chín chuyển qua màu trắng đục khá đẹp mắt, quyện với màu đỏ tươi của cà chua, màu hồng của tôm, màu xanh của lá lốt tía tô xắt nhuyễn… làm tô canh hài hòa đẹp mắt. Cà thấm gia vị rất ngon, đặc biệt nước cà om ngọt bởi vị ngọt tự nhiên của tôm, chút chua thanh của cà chua quyện với mùi thơm quyến rũ của lá lốt, tỏi phi... khiến nhắc thôi cũng phát thèm.
 
Bạn đọc Báo Thái Bình điện tử
 
 
  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày