Thứ 5, 14/11/2024, 11:18[GMT+7]

Khoai lang trong nỗi nhớ quê hương

Thứ 2, 20/12/2010 | 08:25:23
2,217 lượt xem
Khoai nướng là thứ quà quê hấp dẫn, không phải chỉ với trẻ con, mà còn cả với người lớn.

Mỗi lần nhớ về quê hương là tôi nhớ đến “khoai lang”, vị “cứu tinh”, đối với người dân quê tôi xưa, trong những tháng giáp hạt.

Ngày xưa, tháng 3, với người dân quê tôi, luôn là nỗi ám ảnh kinh hoàng, nỗi khổ nhân đôi; vừa khổ vì cái đói giáp hạt, lại thêm khốn khổ vì cái rét tháng 3 (tháng 3 bà già chết cóng). Tháng 3, cũng là tháng mà ở quê tôi có nhiều đám giỗ, giỗ những người chết đói năm ất Dậu. Những ngày ấy, cây khoai lang, với người dân quê tôi, đã trở thành người bạn gần gũi và vô cùng thân thiết, nó đã giúp không ít gia đình vượt qua cái đói tháng 3 nghiệt ngã.

 

Khoai lang rất dễ trồng, chỉ cần vun luống cao hơn mặt ruộng một chút, rải một ít phân chuồng, cắt một đoạn dây từ vườn ươm, đặt xuống, phủ một lớp đất mỏng là xong. Gặp tiết trời mưa xuân, chỉ độ dăm hôm là cây bén rễ, nảy mầm. Qua một vài lần vun xới, là khoai bắt đầu cho củ.

 

Tháng thứ 3, khoai đã cho thu hoạch. Khác với lúa, lúa thu hoạch đồng loạt, còn khoai thu hoạch dần, củ to bới trước, củ nhỏ bới sau. Khoảng tháng 5, tháng 6, thì người ta rỡ để lấy ruộng cấy lúa.

 

Vào tháng 3, khi bồ thóc trong nhà đã vơi, người ta bắt đầu dùng khoai để ăn độn, thậm chí những nhà hết thóc, thì lấy khoai ăn thay cơm.

 

Buổi sáng, các bà nội trợ, chỉ cần một cái lẹm (là một thanh tre to bằng cổ tay, dài khoảng 30 phân, chẻ đôi, một đầu vót nhọn) để bới, một chiếc sảo để đựng, chạy lên nội (đồng nội một vụ trồng màu, một vụ cấy lúa, phân biệt với đồng chiều cấy hai vụ) một chốc, chừng hơn một giờ đồng hồ, là đã có một nồi khoai và rổ rau khoai đem về; đến nhà, thêm vào một vài bò gạo, là đã có bữa ăn trưa cho cả nhà, năm, sáu miệng ăn.

 

Có một điều kỳ lạ, là ở quê tôi, người ta coi ruộng khoai là vườn rau chung của cả làng. Người đi kiếm rau ăn, cốt là đừng bới củ, còn lá và ngọn thì tha hồ hái. Vì thế, khi không có thức ăn, chỉ cần chạy ù lên nội, sà vào bất cứ ruộng khoai nào, hái một lúc, là người ta đã có một rổ rau đầy mang về. Lá thì người ta nấu canh, còn ngọn, hoặc là đem luộc chấm với nước cáy, hoặc là cho vào vài lát tỏi xào lên là đã có món “Rau lang xào tỏi” rất ngon, mà ngày nay, chỉ đến nhà hàng đặc sản, may mới còn.

 

Khách đến nhà, chẳng có mâm cao cỗ đầy, chủ nhà bê ra một rổ khoai luộc còn bốc khói. Chủ nhà ngồi quây quần bên rổ khoai, vừa ăn, vừa nói chuyện. Tình cảm thân thiết vốn có giữa chủ và khách, cùng với món khoai luộc chấm với muối vừng, làm cho câu chuyện càng thêm đậm đà.

 

Khi bị cảm, chẳng cần thuốc men, người ta chỉ luộc một nồi khoai, vừa có khoai ăn, vừa để xông cho ra mồ hôi, thế là hết bệnh.

 

Khoai nướng là thứ quà quê hấp dẫn, không phải chỉ với trẻ con, mà còn cả với người lớn. Người ta chọn củ khoai ngon, to vừa phải, nây đều, rửa sạch để cả vỏ, cho vào bếp nướng. Người nướng phải điều chỉnh nhiệt độ sao cho ruột vừa chín, vỏ hơi sém, bóp giòn tan như bánh mỳ mới ra lò, để có thể ăn được cả vỏ. Trời rét, mà vớ được củ khoai nướng nóng giẫy tay, vừa ăn, vừa thổi phù phù, thì ngon tuyệt.

 

Khoai lang còn là lương khô dự trữ. Tháng 5, tháng 6. Khoai thu hoạch về, người ta thái thành lát mỏng, phơi khô, giã thành bột, cất vào chum sành, trên đậy lá chuối khô, dành đến tháng 8 chống đói. Tháng 7, tháng 8, nhiều năm mưa to ngập lụt, đồng nước trắng băng. Dân ở những nơi khác, không có lương thực dự trữ, phải lao ra đồng nước, kiếm con cua, con cá, sống qua ngày, chờ đến vụ gặt tháng 10. Dân quê tôi, có chum bột khoai khô để dành, nên vững dạ.

 

Mà cái món bột khoai lang khô chế biến cũng rất ngon. Thường thì người ta dùng bột khoai để độn và thổi lẫn với gạo tẻ, đôi khi bột khoai cũng được chế biến thành món ăn riêng. Người ta đem bột khoai trộn lẫn với đỗ đen, thêm một ít gạo nếp cho dẻo, rồi nấu chín, để nguội, đổ ra mâm, xắt thành từng miếng vuông vức. Miếng khoai màu nâu sẫm, trông giống như miếng cao Ban Long, mà thời trước, những nhà giàu thường dùng để tẩm bổ.

 

Có câu hát rất hay: “Quê hương là chùm khế ngọt”. Còn đối với tôi, quê hương là: “Khoai lang”. Đó là câu hát đi suốt đời tôi. Mỗi lần nhớ về quê hương là tôi nhớ đến “khoai lang”, vị “cứu tinh”, đối với người dân quê tôi xưa, trong những tháng giáp hạt.

Phạm Nhật Lệ

Ô chợ dừa, Đống Đa, Hà Nội

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày