Thứ 6, 15/11/2024, 21:30[GMT+7]

Cá nướng...vướng mùi tết quê

Thứ 3, 13/02/2018 | 13:29:29
7,473 lượt xem
Ở xã Thái Xuyên (Thái Thụy) có món cá nướng trứ danh. Cho đến tận bây giờ, riêng vùng đất này “không cá nướng phi thành cỗ”.

Ngẫm thì cũng chỉ “con cá, lá rau”, nhưng ở vùng đất “ba mặt giáp sông, một vùng cửa biển”, trước kia, các bậc tiền nhân coi như là ốc đảo. Sơn hào, hải vị không ai biết, hoặc đã biết cũng chưa từng nghĩ đã từng nếm, đã từng đoái thương. Cái món ngon quê mình, cái món cá nướng ở quê nhà Thái Xuyên còn vương nguyên mùi khói, như đã ăn sâu vào tiềm thức.

Chạp, khi ngọn gió đông se sắt. Trên những cánh đồng đất cát nằm lũi vào sâu trong đê biển, nơi cứ cày mũi chân xuống là thấy gió cát, mưa cát... Nơi đã bặt tiếng ươm tơ, một thời... Ông bà tôi, bố mẹ tôi... Đất lề quê thói, quê nào cũng vậy, mùa nào thức ấy. Chắt chiu dành dụm, se sẻn, cả năm qua rằm tháng Chạp, ngồi tính đếm, lo mâm đầy cỗ đủ dâng khói hương ông bà. Tính đâu xa, tháng đủ tháng thiếu, nhưng nhất định giáp tết, tầm 28 tháng Chạp gọi người đến kéo ao. Cái tết no đầy trong ánh mắt trẻ thơ. 

Tầm cuối tháng Chạp, khi những đợt gió mùa đi qua, bấc về, lá ổi cong lên... báo rằng sắp một mùa xuân nữa lại đến. Khi ấy, người người, nhà nhà lo hợp đồng với những tay lưới đến kéo ao bắt cá. Như đã hẹn, phường chài lưới đến từ rất sớm, lội xuống nước trong cái rét căm căm, với sự phấp phỏng của người lớn, trong sự đợi chờ trong ánh mắt trẻ thơ... Những trắm, những trôi, những mè, những chép... Nhưng làm món cá nướng, dù có biến tấu thế nào đi chăng nữa, ngon ngọt nhất vẫn là con trắm đen, trắm cỏ, con cá trôi... nuôi ao nhà... Chọn những con to, độ chừng 2kg trở lên, đánh vảy, mổ bụng, cắt đầu... rửa sạch rồi xóc với muối hột... để chừng đâu đó, tạm quên đi vài tiếng đồng hồ. Trong khi đó, chọn một vị trí thích hợp, những gốc cây khô dành dụm cả năm trời được đốt lên để lấy than. Bên ánh lửa bập bùng, tiếng chày giã nghệ, xả, ớt xanh... nhịp nhàng. Giã xong vắt lấy nước cốt. Lúc này, cá đã được làm sạch, khứa mình, lăn qua thứ nước vàng âu, quyến rũ. Que tre dùng để làm nẹp cặp cá đưa lên “giàn thiêu” phải là thứ tre đực màu ngà, chuốt kỹ. Cá sau khi đã được rửa sạch một lần nữa, được tắm mình trong đủ thứ gia vị sẽ trở mình trên đốm lửa than hồng.

Trong ký ức tuổi thơ tôi, món cá nướng, cho đến tận bây giờ vẫn in sâu trong tiềm thức. Sau 12 tiếng trằn mình qua biển lửa, que tre cặp cá đã chuyển màu, khúc cá đượm lên màu nâu cánh gián, dậy lên mùi hương vị vườn nhà. Khách đến chơi, mang cặp cá ra, chỉ cần gỡ sợi lạt suốt một bên nẹp tre, rồi gỡ theo từng thớ. “Da nâu, thịt trắng, khô mà không rắn...”, vướng vất mùi đồng bãi, thanh thoát mùi xa xưa. Miếng cá mềm, thơm, luyện quyện giọt nước mắm Diêm Điền với ớt chỉ thiên xanh hoặc vàng đâm nát, rắc thêm vài hạt tiêu bắc cùng hạt mùi xay nhuyễn... Hít hà... Cá nướng là món quà quê, dường như xa vời với những thiết bị tân tiến bây giờ, không cần phải để tủ lạnh, cứ để yên trong nẹp tre, treo lên cũng được cả tháng trời. Miếng cá nướng, khi ăn cũng không cần phải “tôi” qua lò vi sóng. Ăn cá nướng là ăn cái vị ngọt của cá ao; “ăn” cái mùi ngái thơm của khói, mùi của các thứ cây cỏ vườn nhà...

Có một thời gian dài, tưởng chừng như những món đồng bãi quê nhà đã bị lãng quên, nhường chỗ cho những thức ăn nhanh thời công nghệ. Nhưng đâu đó vẫn còn những bà, những mẹ, những chị tôi... vẫn bền bỉ chờ cơn gió bấc, tháng chạp, tát ao, chụm lửa đốt gộc củi lấy than hồng như đã trằn mình qua năm tháng bão giông, giữ cho con cháu mình một nẻo về nguồn cội. Cái miếng cá nướng, thời công nghệ, chợt trở nên đắt giá. Đã vào Nam ra Bắc, đã sang tận trời tây... nhưng dù có biến tấu hiện đại đến cỡ nào cũng không qua mùi khói. Mùi của quê nhà!

Nguyễn Khánh Linh

(Thành phố Thái Bình)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày