Thứ 7, 16/11/2024, 16:40[GMT+7]

Bánh chưng Cầu Báng – Gọi Tết về

Thứ 4, 30/01/2019 | 18:50:54
5,647 lượt xem
Đã từ lâu, cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, người dân các nơi lại đổ về vùng đất Cầu Báng thuộc xã Tân Bình (thành phố Thái Bình) để mua cho mình những cặp bánh chưng xanh dâng lên tổ tiên hay làm quà tặng người xa quê. Không ai biết cái tên bánh chưng Cầu Báng do ai đặt ra, chỉ biết rằng mỗi lần nhắc đến lại gợi nhớ một món ẩm thực không dễ quên ở vùng đất này.

Bí quyết gia truyền làm nên thương hiệu bánh chưng Cầu Báng.

Theo một bậc cao niên trong làng cho biết, nghề gói bánh chưng ở đây có từ hàng trăm năm nay và được truyền từ đời này sang đời khác. Ngày nay, khu Cầu Báng còn khoảng 10 hộ gia đình đang theo nghề của ông cha để lại.

Bánh chưng ở đây gồm 2 loại là bánh chưng gù và bánh chưng vuông. Nếu như bánh chưng gù là bánh loại nhỏ được gói bằng tay theo hình ngũ giác đều, mang vẻ ngoài khá lạ mắt thì bánh chưng vuông (bánh to) lại được gói bằng khuôn hình vuông truyền thống. Loại bánh nhỏ được bán ra thị trường với mức giá là 5.000 đồng/ chiếc, còn bánh to giao động từ 30.000 – 50.000 đồng/ 1 chiếc tùy theo yêu cầu của khách hàng và không tăng giá dịp lễ, Tết.

Theo các hộ làm bánh ở đây cho biết, trung bình một hộ gia đình bán ra thị trường số lượng 200 - 300 chiếc bánh chưng/ ngày. Vào những ngày rằm, mồng một, hay dịp Tết cổ truyền như hiện nay, con số này lên tới cả nghìn chiếc; hay như cách gọi vui mà thật của người dân vùng Cầu Báng chính là “Bếp luôn đỏ lửa vẫn không kịp phục vụ thực khách” .

Nguyên liệu làm bánh đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bánh chưng Cầu Báng ngon là nhờ có gạo nếp thơm, mẩy, đậm đà được chuyển về từ các làng quê trên địa bàn tỉnh nhà. Thêm đó, lá dong cũng phải chọn loại tấm to nhất, không rách, lá không già quá hay non quá để khi luộc xong vỏ bánh, thân bánh có màu xanh nõn, nhìn ngon mắt. Đỗ xanh phải chọn hạt to đều, xay nhuyễn, đồ vừa chín tới, thịt nhân phải đúng loại thịt ba chỉ ngon lấy từ những chú lợn khỏe mạnh, có như vậy mới đảm bảo nhân bánh vừa đậm lại vừa bùi.

Bánh chưng gói xong được chuyển xuống bếp để luộc.

Cuối cùng, công đoạn quan trọng nhất chính là xếp bánh vào nồi để luộc, công đoạn này dứt khoát phải là người có nghề, thường là người đàn ông chủ hộ. 

“Phải khỏe tay để xếp chặt, khít, không để khe hở giữa các bánh, đồng thời phải xếp vuông vức thì khi luộc bánh, gạo nở ra bánh vẫn chắc nhưng không bị nở, biến dạng" - Bà Trần Thị Loan (thôn Đồng Thanh, xã Tân Bình), thợ làm bánh lâu năm tại Cầu Báng cho biết.

Bà Loan cũng tiết lộ: “Bánh ở đây được luộc trong khoảng thời gian từ 8 - 10 tiếng. Trong thời gian ấy, phải luôn canh bếp để lửa nhỏ nhưng không tắt thì bánh mới chín đều”.

Có mặt ở đây vào dịp cận Tết mới thấy, đây là điểm dừng chân quen thuộc của rất nhiều người dân trong và ngoài tỉnh. 

Anh Đỗ Văn Thanh (32 tuổi) chia sẻ: “Tôi sinh ra ở Thái Bình, sau này lớn lên cùng gia đình chuyển ra Hải Phòng sinh sống và lập nghiệp. Năm nào cũng vậy, dịp cuối năm tôi thường về quê thắp hương tiên tổ và chúc Tết họ hàng, không quên rẽ qua đây mua vài cặp bánh chưng xanh về làm quà tết ”.

Một mẻ bánh chưng vừa được vớt từ nồi ra.

Ngoài công thức gia truyền thì khâu đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là yếu tố quyết định để bánh chưng nơi đây luôn giữ được chữ tín với thực khách. 

Các hộ làm bánh tại Cầu Báng hàng ngày vẫn rỉ tai nhau câu nói: "Bánh không ngon nhất định không được bán",  bởi vậy mà bánh chưng của tất cả các hộ dân tại đây chất lượng tương đối đồng đều giúp cho thương hiệu "bánh chưng Cầu Báng" ngày càng được nhiều thực khách biết đến.

Thu Hà

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày