Thứ 2, 25/11/2024, 23:45[GMT+7]

Du lịch an toàn trước nguy cơ dịch Covid-19

Thứ 5, 29/04/2021 | 16:52:40
3,390 lượt xem
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống Covid-19 diễn ra chiều 27/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ Y tế phải chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị, phương án điều trị và kịch bản khi Việt Nam có 30.000 người mắc Covid-19. Kỳ nghỉ 30/4, 1/5 và mùa hè sắp tới được cho là thời điểm “lò xo” thúc đẩy nhu cầu du lịch tăng cao cũng là lúc nỗi lo nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát hiện hữu bởi nhiều người còn mang tâm lý chủ quan với vấn đề đảm bảo an toàn khi đi du lịch.

Du khách tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại nơi công cộng.

Nỗi lo nguy cơ dịch bùng phát

Hình ảnh từng hàng dài du khách chen nhau đứng chật kín cây cầu Vàng trên đỉnh Bà Nà Hills vào mùa hè năm 2020, trước khi đợt dịch Covid-19 bùng phát tại Đà Nẵng; hàng ngàn người chen lấn tại chùa Tam Chúc (tỉnh Hà Nam) vào dịp lễ hội đầu năm nay; hay hình ảnh đông đúc, chen lấn sau lễ dâng hương giỗ Tổ Hùng Vương tại khu di tích đền Hùng, Phú Thọ vừa qua thực sự là nỗi lo lắng cho nhiều người, nhiều gia đình khi nghĩ tới việc đi du lịch vào kỳ nghỉ lễ, hội hè bởi nguy cơ dịch Covid-19 vẫn luôn thường trực.

Chị Nguyễn Khánh Vân, phường Bồ Xuyên (thành phố Thái Bình) chia sẻ: gia đình có ý định đi Phú Quốc nghỉ dưỡng vào đợt 30/4, 1/5 này bởi cả người lớn và trẻ nhỏ đều được nghỉ tới 4 ngày, cùng với đó là giá tour đang được khuyến mại do nhiều địa phương kích cầu du lịch. Tuy nhiên, qua theo dõi báo, đài, mạng xã hội, chị thấy một số sân bay quá tải do lượng khách tăng đột biến, nhiều điểm du lịch “cháy” phòng dịp nghỉ lễ, ngoài ra, một số điểm tham quan chưa đến kỳ nghỉ mà đã đông kín người ngay trong dịp khai mạc du lịch hè. Trong khi đó, một số nước láng giềng kề sát với Việt Nam như Campuchia, Lào dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Vì vậy các thành viên trong gia đình đã quyết định tạm hoãn kỳ nghỉ và sẽ đi du lịch vào một thời điểm thích hợp hơn.

Cùng chung quan điểm với gia đình chị Vân, bà Nguyễn Thị Hường hiện đang sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: năm nào dịp nghỉ lễ dài ngày, gia đình bà cũng bay ra Bắc, về quê tại xã Hồng Phong (Vũ Thư) thăm họ hàng, làng xóm nhưng đợt nghỉ 4 ngày này, gia đình bà thực hiện chính sách “ai ở đâu thì ở yên đấy” như đợt Tết vừa qua. Hết nghỉ lễ đi sau cũng chưa muộn bởi thời điểm nhiều gia đình đi du lịch, đi thăm thân như thế này thì nguy cơ dịch bệnh là rất cao.

Nhiều du khách đã đặt vé cho kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5 dài 4 ngày chia sẻ: ở khách sạn thì đa phần đều thực hiện rất tốt các quy tắc phòng dịch nhưng ở những địa điểm công cộng, đa phần các địa phương sẽ rất khó để kiểm soát du khách có thực hiện theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế hay không, ngay cả việc đeo khẩu trang tại nơi công cộng nhiều người cũng dễ bỏ quên bởi tâm lý chủ quan khi dịch bệnh Covid-19 trong nước đang được kiểm soát.

Mỗi người dân cần nâng cao hơn ý thức phòng, chống dịch Covid-19 khi về dâng hương, tế lễ. 

Du lịch an toàn nhờ vào chính ý thức của mỗi cá nhân

Rõ ràng, thời gian qua, tâm lý chủ quan, lơ là phòng dịch trong khách du lịch là thực trạng đang xảy ra tại nhiều điểm du lịch, tổ chức lễ hội khi Việt Nam cơ bản đang kiểm soát tốt dịch Covid-19. Chính vì thế, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã liên tục cảnh báo người dân không chủ quan, hãy tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, thực hiện khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, đặc biệt ở những nơi đông người.

Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch liên tiếp ban hành nhiều quy định, trong đó có Công văn số 1343/BVHTTDL-VHCS ban hành ngày 26/4 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch. Cùng với đó, Tổng cục Du lịch cũng triển khai nhiều biện pháp thiết thực như ứng dụng kỹ thuật số “Du lịch Việt Nam an toàn” với nhiều tiện ích hỗ trợ kết nối du khách, cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch và cơ quan quản lý nhà nước trên nền tảng chung, qua đó nhằm bảo đảm an toàn cho du khách trong đại dịch Covid-19. Khi dịch Covid-19 vẫn tiềm ẩn nguy cơ diễn biến phức tạp, rõ ràng “an toàn” là yếu tố sống còn của ngành du lịch bởi chỉ cần xuất hiện ca bệnh Covid -19 trong cộng đồng là hoạt động của cả ngành du lịch sẽ bị chững lại, nhiều công ty lữ hành quay về thời kỳ “ngủ đông”, kinh tế suy giảm.

Tuy nhiên, việc đảm bảo để có những mùa du lịch an toàn không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực của các cơ quan chức năng mà còn trông chờ rất nhiều vào ý thức của mỗi người dân. Du lịch an toàn không chỉ tạo được niềm tin cho du khách mà còn là động lực để những người làm du lịch tạo ra những sản phẩm chất lượng hơn phục vụ thị trường nội địa, đưa ngành du lịch phát triển bền vững trong trạng thái bình thường mới.

Tú Anh