Chủ nhật, 24/11/2024, 22:01[GMT+7]

Phát huy tiềm năng thu hút đầu tư vào du lịch

Thứ 7, 25/11/2023 | 10:58:32
11,040 lượt xem
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra mục tiêu “phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh”. Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương nỗ lực phát huy tiềm năng, đa dạng điểm đến trên địa bàn tỉnh, góp phần thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch.

Lễ hội chùa Keo mùa thu bảo lưu những nghi thức tế lễ độc đáo.

Phát triển sản phẩm du lịch

Với tiềm năng, lợi thế về bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử và tài nguyên thiên nhiên, Thái Bình đang phát triển các sản phẩm du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh và du lịch cộng đồng, trải nghiệm. Trong đó, du lịch tâm linh được đánh giá là loại hình du lịch có nhiều thế mạnh. Với gần 3.000 thiết chế văn hóa cổ, nổi bật là 2 di tích quốc gia đặc biệt: chùa Keo, xã Duy Nhất (Vũ Thư); khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần, xã Tiến Đức (Hưng Hà), du lịch tâm linh phát triển tại địa bàn các huyện Vũ Thư, Hưng Hà, Quỳnh Phụ... thu hút đông du khách trong và ngoài tỉnh về tham quan, vãng cảnh, chiêm bái.

Phát triển tiềm năng du lịch tâm linh, tại lễ hội đền Trần, lễ hội chùa Keo mùa thu diễn ra trong năm 2023 đều thu hút nhiều doanh nghiệp, đơn vị đồng hành cùng chương trình lễ hội. Ngoài ra, tại lễ hội chùa Keo mùa thu diễn ra từ ngày 10 - 15/9 năm Quý Mão, UBND huyện Vũ Thư đã tổ chức hội chợ giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP bao gồm 24 gian hàng của 48 chủ thể và các sản phẩm chủ lực, đặc trưng tiêu biểu của một số địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình, huyện Võ Nhai (tỉnh Thái Nguyên) và thành phố Hà Nội. Hệ thống các mặt hàng, chủng loại sản phẩm tham gia hội chợ đa dạng, phong phú mang đặc trưng riêng của mỗi vùng miền, địa phương tạo nên không gian mua sắm, trải nghiệm ấn tượng cho du khách khi về với lễ hội. Hòa mình vào dòng người tấp nập, ông Trần Quang Lãng, một du khách cho biết: Dù năm nào cũng về với hội thu chùa Keo nhưng năm nay tôi phấn khởi vì không khí lễ hội rất trang trọng, vui và sôi nổi. Chính quyền địa phương tổ chức lễ hội bảo lưu nét độc đáo trong văn hóa cổ truyền, du khách ngoài việc được chứng kiến những nghi thức tế lễ còn được tham quan hội chợ, xem chương trình ca múa nhạc, múa rối nước... Mong rằng lễ hội càng ngày càng được tổ chức quy mô, bài bản như lễ hội vừa qua, có nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến.

Hiện nay, du lịch cộng đồng, trải nghiệm cũng là loại hình đang được quan tâm phát triển trên địa bàn tỉnh. Đây là loại hình tạo ra sản phẩm du lịch phục vụ du khách chủ yếu dựa vào nền tảng của hoạt động sản xuất nông nghiệp. Ngày 24/8/2022, UBND tỉnh đã ra quyết định phê duyệt đề án phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với du lịch tỉnh Thái Bình giai đoạn 2022 - 2025 và đến năm 2030. Mục tiêu của đề án nhằm khai thác thế mạnh về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn; sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển du lịch về nông nghiệp, nông thôn của Thái Bình trở thành điểm đến hấp dẫn, là ưu tiên lựa chọn cho du khách trong và ngoài nước; xây dựng và giữ vững thương hiệu nông sản Thái Bình trên thị trường trong nước và quốc tế thông qua hoạt động du lịch.  

Hỗ trợ các địa phương đang phát triển du lịch cộng đồng, trải nghiệm, thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức nhiều hội nghị tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ và cấp tài liệu phục vụ lĩnh vực du lịch gắn với nhu cầu của cơ sở. Tham gia hội nghị tập huấn dành cho các xã: Đông Các, Nguyên Xá, Phong Châu (Đông Hưng), Nghệ nhân nhân dân Bùi Văn Ro, làng chèo Khuốc chia sẻ: Với sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, các ngành chức năng, nghệ nhân cùng người dân làng chèo Khuốc sẽ phát huy lợi thế về di sản văn hóa phi vật thể, góp phần để du khách có mong muốn trở lại tham quan, trải nghiệm mảnh đất Đông Hưng nhiều hơn.

Phát triển thị trường khách du lịch

Xác định trong phát triển du lịch, xúc tiến quảng bá được coi là hoạt động then chốt để thu hút du khách trải nghiệm sản phẩm, những năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức nhiều cuộc farmtrip, hội thảo nhằm giới thiệu tới các công ty lữ hành lớn, có uy tín trong nước về những điểm du lịch nổi bật của tỉnh, trong đó có hội thảo định hướng phát triển sản phẩm du lịch Thái Bình, hội thảo xây dựng mô hình sản xuất muối hữu cơ theo phương pháp truyền thống tại Thụy Hải (Thái Thụy) kết hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng... Ngoài ra, định kỳ hàng năm đều tích cực tham gia các hội nghị xúc tiến du lịch, triển lãm, hội chợ du lịch tại nhiều địa phương trong nước nhằm quảng bá tiềm năng, sản phẩm của du lịch Thái Bình. Song song với hoạt động thông tin về điểm đến trên đa dạng nền tảng, các ấn phẩm quảng bá du lịch Thái Bình hiện nay đã được chuẩn bị kỹ lưỡng nhằm giới thiệu tới du khách cái nhìn toàn cảnh về du lịch trong tỉnh như: Bản đồ du lịch Thái Bình, cẩm nang du lịch Thái Bình, ấn phẩm điểm đến du lịch Thái Bình - Thai Binh Tourism Destinations song ngữ Anh - Việt...

Nhờ đó, hoạt động kinh doanh du lịch của tỉnh đã có nhiều tiến triển, số lượng du khách và thu nhập xã hội từ du lịch liên tục tăng lên. Nếu như 6 tháng đầu năm 2022, sau khi thực hiện các biện pháp phục hồi, mở cửa lại du lịch, lượng khách du lịch ước đạt 395.044 lượt, doanh thu ước đạt 265,2 tỷ đồng thì 6 tháng đầu năm 2023, tổng lượng khách du lịch ước đạt 452.659 lượt (tăng 14,6% so với cùng kỳ), trong đó chủ yếu là khách du lịch nội địa; doanh thu ước đạt 312,3 tỷ đồng (tăng 17,7% so với cùng kỳ). Thị trường khách du lịch Thái Bình chủ yếu là khách du lịch nội địa, đến từ các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh... với nhu cầu tham quan di tích, trải nghiệm lễ hội, nghỉ dưỡng cuối tuần. Thị trường khách du lịch quốc tế chủ yếu đến từ các nước Đông Bắc Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... với mục đích nghiên cứu kiến trúc di tích lịch sử văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, trải nghiệm làng nghề...

Cùng với nỗ lực của ngành chức năng, một số điểm đến đã tích cực quảng bá sản phẩm du lịch, thu hút sự quan tâm của du khách. Tại làng nghề dệt đũi Nam Cao (Kiến Xương), HTX dệt đũi Nam Cao đã tổ chức đưa nghệ nhân của làng tham gia chương trình giới thiệu sản phẩm ở trong nước và tại một số thị trường như Mỹ, Pháp, Đức... 

Bà Lương Thanh Hạnh, Giám đốc HTX dệt đũi Nam Cao chia sẻ: Từ đầu năm đến nay, làng nghề đón khoảng 15.000 lượt khách nội địa, 10.000 lượt khách quốc tế, các tour đều diễn ra trong ngày. Thuận lợi trong phát triển du lịch của làng nghề dệt đũi Nam Cao là khách quốc tế biết về sản phẩm qua các kênh truyền thông hoặc qua chính chương trình giới thiệu sản phẩm của HTX tại các nước nên tới thăm, tìm hiểu làng nghề. Với sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, hiện nay HTX đang tích cực triển khai khu sản xuất tập trung và tham quan trải nghiệm, từ đó sẽ góp phần giúp du khách có thêm nhiều hoạt động gắn bó với đời sống của người dân địa phương và lưu trú tại Thái Bình lâu hơn.

Du khách trải nghiệm công việc của nghệ nhân làng nghề dệt đũi Nam Cao (Kiến Xương). 

Trong hoạt động thu hút du khách tham quan, trải nghiệm cũng như các đơn vị, doanh nghiệp trong nước, quốc tế đến tìm hiểu, đầu tư vào lĩnh vực du lịch, song song với công tác phát triển đa dạng sản phẩm cũng như tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch, điểm thuận lợi hiện nay tại Thái Bình là hệ thống đường giao thông kết nối các điểm đến tương đối thuận lợi; di tích lịch sử văn hóa được quan tâm tu bổ từ nguồn ngân sách nhà nước và xã hội hóa thuận tiện cho người dân, du khách đến tham quan, trải nghiệm; công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng được quan tâm chú trọng... Với sự nỗ lực từ các cấp chính quyền, ngành chức năng và từ chính mỗi người dân, tin tưởng Thái Bình sẽ sớm trở thành điểm đến hấp dẫn, từ đó thiết thực thực hiện mục tiêu “phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh”.


Tú Anh