Thứ 7, 23/11/2024, 18:31[GMT+7]

Nhiều du khách bị lừa đặt phòng resort ở Mũi Né

Thứ 5, 25/07/2024 | 09:04:40
1,641 lượt xem
Nhiều du khách đặt phòng resort và thanh toán qua mạng, nhưng khi ra Mũi Né nhận phòng mới biết bị sập bẫy của các trang web, fanpage giả mạo.

Trang Facebook giả mạo khu The Cliff Resort & Residences được đơn vị này phát hiện, thừa chữ "Phan Thiet" so với trang chính thức. Ảnh: fanpage resort.

Công an Bình Thuận vừa phát cảnh báo tình trạng kẻ xấu lấy hình ảnh thật của các resort, khách sạn, rồi lập trang web, fanpage giả mạo, lừa khách chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt.

Nhiều du khách đặt phòng thông qua các trang Facebook có tên và hình ảnh của các khu resort ở Mũi Né đã thanh toán hoặc đặt tiền cọc 30-50%.

Cảnh sát địa phương ghi nhận vào tháng 6, tại The Cliff & Residences, phường Phú Hài, TP Phan Thiết, đã xảy ra 3 vụ việc khách du lịch bị lừa đảo khi đặt phòng qua mạng. Sau khi khách đặt cọc 50% giá trị kỳ nghỉ, trang giả mạo khu resort gửi giấy xác nhận đặt phòng qua hộp thư điện tử cho khách hàng, sau đó chặn tương tác. Đầu năm nay, khu nghỉ dưỡng The Clay Mũi Né ở phường Hàm Tiến, TP Phan Thiết cũng ghi nhận có trên 80 du khách dính bẫy trang giả mạo khu nghỉ dưỡng này để lừa đảo, chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.

Các kẻ lừa đảo có chung phương thức lập trang fanpage giả mạo, đăng lên hình ảnh thật của khu resort, nhưng dùng số điện thoại và tài khoản ngân hàng giả mạo để lừa khách chuyển tiền. Chỉ đến khi ra tận resort, khách đặt phòng mới biết mình bị lừa.

Đáng chú ý, trên trang giả mạo có ghi số tài khoản ngân hàng hiển thị tên của khu resort. Điều này làm cho du khách đặt phòng chủ quan, tin tưởng là thật nên đã chuyển tiền cho những đối tượng lừa đảo.

Thông tin thanh toán trên mạng của các kẻ lừa đảo.

Thông tin thanh toán qua mạng của một trang lừa đảo. Ảnh: fanpage resort

Theo công an, các đối tượng lừa đảo thường lập đường dây nóng riêng, sẵn sàng tư vấn khi khách hàng gọi; nhận được tiền còn nhắn tin xác nhận đã đặt phòng... nhằm lấy lòng tin.

Để tránh bị lừa đảo, Công an Bình Thuận khuyến cáo du khách cần tìm hiểu kỹ thông tin và nên lựa chọn dịch vụ đặt phòng của những công ty uy tín hoặc qua các app du lịch lớn. Chắc chắn hơn, khách hàng có thể đề nghị phía đối tác cho xem giấy phép hoạt động kinh doanh.

Du khách cũng cần cảnh giác trước những lời mời chào với mức giá quá rẻ (rẻ hơn 30-50% so với giá chung của thị trường), thận trọng khi đối tác yêu cầu chuyển tiền đặt cọc để giữ chỗ, nếu có thể chỉ nên thực hiện giao dịch thanh toán trực tiếp.

Người đặt phòng trên mạng cần chú ý các dấu hiệu nhận biết website giả mạo thông qua tên website và tên miền. Thông thường tên các website giả sẽ gần giống với tên các website thật nhưng sẽ có thêm hoặc thiếu một số ký tự, nếu nhìn kỹ sẽ thấy sự bất thường.

Du khách nên chọn các trang mạng xã hội có dấu tích xanh (tài khoản đã đăng ký) hoặc chọn các trang mạng xã hội có uy tín mà mình biết rõ thông tin của người bán, xác nhận lại thông tin đặt phòng để kịp thời phát hiện dấu hiệu lừa đảo.

Bãi tắm Đá Ông Địa (TP Phan Thiết), nơi nhiều du khách đến tắm và chụp ảnh. Ảnh: Việt Quốc

Biển Phan Thiết còn hoang sơ, nhiều du khách lựa chọn cho chuyến nghỉ mát. Ảnh: Việt Quốc

Từ đầu năm đến nay, hoạt động du lịch tại Bình Thuận diễn ra sôi động, thu hút 4,6 triệu lượt khách, tăng 5,01% so cùng kỳ, trong đó khách quốc tế tăng 91,2%. Doanh thu từ hoạt động du lịch đạt hơn 11.800 tỷ đồng, tăng 4,3%.

Nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng của người dân tăng cao, việc đặt phòng khách sạn, nghỉ dưỡng trực tuyến trở thành lựa chọn phổ biến, vì tiện lợi và nhanh chóng. Do đó, kẻ xấu đã lợi dụng việc này để lừa đảo người đi du lịch.

Công an Bình Thuận cảnh báo thời gian tới loại hình tội phạm này tiếp tục gia tăng, với các hình thức lừa đảo tinh vi, khó kiểm soát. Khi phát hiện, người dân và các khu du lịch cần tố giác, cung cấp thông tin cho lực lượng công an gần nhất để xử lý kịp thời.

Theo vnexpress.net

  • Từ khóa