Thứ 2, 18/11/2024, 07:43[GMT+7]

Đảo Ngọc Xanh - Khu du lịch trọng điểm của vùng đất Tổ

Thứ 3, 11/11/2014 | 14:20:38
1,957 lượt xem
Mặc dù mới đi vào hoạt động được hơn một năm nhưng Đảo Ngọc Xanh (thuộc thị trấn Thanh Thủy - Phú Thọ) đã đón hàng trăm ngàn lượt khách đến tham quan, vui chơi giải trí và trở thành một trong những khu du lịch sinh thái trọng điểm của vùng đất Tổ.

Khu vui chơi nghỉ dưỡng có bể bơi của Đảo Ngọc Xanh (Ảnh: K.T)

Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh được hình thành từ vùng bãi nổi, nhiều đời nay người dân chỉ sử dụng để trồng ngô, đậu, lạc và chăn thả trâu bò, hiệu quả kinh tế thấp. Nhưng bù lại bãi nổi này lại nằm trong vùng có trữ lượng khoáng nóng tốt nhất cả nước. Từ lâu người dân 2 xã Thuần Mỹ - Ba Vì, La Phù - Phú Thọ đều khai thác nhưng ở mức nhỏ lẻ.
 
Để tận dụng được triệt để nguồn tài nguyên quý và quy hoạch vùng bãi nổi thành khu du lịch trọng điểm đem lại hiệu quả kinh tế cao của vùng, tỉnh Phú Thọ đã giao cho Công ty CP Ao Vua thực hiện dự án đưa vùng bãi nổi trở thành khu du lịch trọng điểm, góp phần thúc đẩy kinh tế du lịch tỉnh Phú Thọ phát triển theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, khai thác tối đa tiềm năng du lịch miền đất Tổ. Tháng 4/2013, Công ty CP Ao Vua đã đưa khu du lịch Đảo Ngọc Xanh vào hoạt động giai đoạn 1, trở thành một địa chỉ nghỉ dưỡng hấp dẫn của du khách trên địa bàn thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Với nguồn nước khoáng nóng dồi dào, Đảo Ngọc Xanh có đầy đủ các dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng: như khu vui chơi giải trí cảm giác mạnh, khu vui chơi giải trí ngoài trời, công viên nước, vườn tượng thú, thảo nguyên hoang dã, khu tắm nước khoáng nóng, khu khách sạn tương đương 3 sao với 120 phòng, trung tâm hội nghị, nhà hàng ẩm thực, khu spa, karaoke club, sân tập golf mini, sân tennis…đã trở thành khu du lịch hấp dẫn bậc nhất của tỉnh Phú Thọ.

Dự án Đảo Ngọc Xanh được xây dựng đã mang tới cơ hội việc làm cho hàng ngàn lao động tại địa phương. Mức tiêu thụ nông sản, đặc sản tại địa phương như: gà đồi, cá sông, lợn… tăng mạnh. Điều đáng nói, khu du lịch đi vào hoạt động đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của chính quyền, nhân dân địa phương về du lịch cộng đồng, du lịch có trách nhiệm, phát triển lực lượng lao động có kĩ năng tại địa phương. Nhờ vậy, đời sống của nhân dân thay đổi rõ nét. Hiện thu nhập bình quân đầu người của thị trấn đã đạt tới 27 triệu đồng/người/năm - một con số đáng mơ ước của nhiều thị trấn miền núi khó khăn.

Theo dangcongsan.vn

  • Từ khóa