Thứ 7, 16/11/2024, 13:32[GMT+7]

Các địa phương, đơn vị sẵn sàng đối phó với lũ bão

Thứ 5, 12/07/2012 | 14:36:14
1,397 lượt xem
Để bảo đảm hệ thống đê, kè, cống ổn định tốt trong mùa mưa, bão và phục vụ sản xuất cũng như đời sống dân sinh, thời gian qua các sở, ngành, địa phương đã tập trung đẩy nhanh tiến độ nâng cấp đê biển, đê sông và nhiều công trình khác. Đến nay, nhìn chung các địa phương đã cơ bản hoàn thành xong các hạng mục công trình PCLB và triển khai các biện pháp giao cho các phòng, ban, đơn vị trực thuộc thực hiện.

Ảnh Thành Tâm

Thái Bình được bao bọc bởi hệ thống đê sông, đê biển khép kín với tổng chiều dài 584,6 km, trong đó có 362,8 km từ cấp III trở lên, 221,8 km đê bối, đê bao và đê vùng; các tuyến đê có 101 kè hộ bờ, trên 100 km kè lát mái và kè mỏ, dưới đê có 219 cống lớn nhỏ làm nhiệm vụ tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Để bảo đảm hệ thống đê, kè, cống ổn định tốt trong mùa mưa, bão và phục vụ sản xuất cũng như đời sống dân sinh, thời gian qua các sở, ngành, địa phương đã tập trung đẩy nhanh tiến độ nâng cấp đê biển, đê sông và nhiều công trình khác.  Đến hết tháng 6/2012 đã tu bổ, nâng cấp được trên 21 km đê biển đủ mặt cắt và cao trình thiết kế; 19,36 km đê làm xong mái phía biển và tường chắn sóng; kè Thái Hạc, đê Hồng Hà II (Vũ Thư) hoàn thành 100% khối lượng dự toán được duyệt…

Do đặc thù mặt đất tự nhiên của tỉnh khá thấp nên về mùa lũ mực nước sông thường cao hơn mặt đất tự nhiên từ 3 -5 m, do đó nếu vỡ đê bất cứ chỗ nào thì 1/2 tỉnh sẽ bị ngập sâu từ 2 - 4 m nước trở lên; vỡ đê biển thì hàng nghìn héc-ta đất canh tác bị nhiễm mặn phải cải tạo, thau chua nhiều năm mới hồi phục được. Xuất phát từ thực tiễn này nên trước mỗi mùa mưa bão, UBND tỉnh đã triển khai sớm kế hoạch PCLB và giao nhiệm vụ cụ thể, chi tiết cho các ngành chức năng, huyện, thành phố đi kiểm tra, đánh giá thực trạng hệ thống đê, kè, cống để có phương án tu bổ, sửa chữa.

Theo đó, Ban chỉ huy PCLB đã phân loại các điểm xung yếu của đê, kè, cống ở từng tuyến đê để giao cho các huyện, thành phố và các ngành liên quan lập phương án hộ đê, chuẩn bị lực lượng lao động, vật tư, phương tiện phòng khi có sự cố xảy ra; lập dự án tu bổ đê sông, biển. Các trọng điểm xung yếu được phân làm hai loại: (trọng điểm xung yếu I và trọng đểm xung yếu II)… Các trọng điểm xung yếu hiện đã được Phòng Nông nghiệp & PTNT phối hợp với Hạt Quản lý đê điều các huyện, thành phố lập 86 phương án bảo vệ trình UBND huyện, thành phố phê duyệt để giao cho các cụm PCLB và các địa phương tổ chức thực hiện.

Ngoài ra, các huyện đã tổ chức tập huấn, giải tỏa các điểm vi phạm đê điều, như huyện Quỳnh Phụ tổ chức tập huấn kỹ thuật xử lý giờ đầu các sự cố hư hỏng của đê, kè, cống cho 1.504 lượt người thuộc lực lượng hộ đê PCLB; xử lý xong 70 tổ mối trong thân đê bằng thủ công; tu bổ mặt đê được 700 m3 đất, gạch vỡ; tổ chức phát quang, giải phóng cơ đê, mái, chân đê. Huyện Hưng Hà đã giải tỏa 95 lò gạch trong phạm vi bảo vệ đê điều và ở ngoài bãi sông; huy động lực lượng, vật tư, phương tiện sửa chữa mặt đê, mái đê được 6.300 m3 đất, đá; xử lý 75 tổ mối trong thân đê; tập huấn kỹ thuật xử lý giờ đầu các sự cố hư hỏng của đê, kè, cống cho 345 lượt người. Huyện Tiền Hải tổ chức tôn cao, áp trúc, sửa chữa mặt đê, mái đê được 1.680 m3 đất, đá; lấy bổ sung 60 m3 đất dự trữ tại cống Đông Quý và cống Ngạn; xử lý 4/5 vị trí sạt lở mái đê với khối lượng 150 m3…

Bên cạnh đó, các hạt quản lý đê điều đã kiểm tra và kiến nghị với địa phương xử lý được 178 vụ vi phạm Luật đê điều. Trong đó có 61 vụ làm nhà, hàng quán, đào đất 23 vụ, chất vật tư 4 vụ…Đối với dự án nâng cấp đê biển đã hoàn thành 21 km đủ mặt cắt và cao trình thiết kế, hiện đã đưa vào sử dụng; 19,36 km đê làm xong mái phía biển và tường chắn sóng. Cụ thể, đê biển số 5 (Tiền Hải), từ K8 đến K8+310 thực hiện được 95%; K17+500 - K21+000 thực hiện 95%; K8+310 - K8+397 thực hiện được 97%; đê biển số 7 (Thái Thụy), từ K28+500 - K30+532, thực hiện 95% khối lượng được duyệt…Các dự án khác, như kè bảo vệ đê bối Tịnh Thủy, xã Hồng Minh (Hưng Hà) đã gieo xong 775 m3 đá tạo mái, thả 547 rồng đá; kè Đồng Phú, thuộc đê tả Trà Lý (Đông Hưng) hoàn thành 100% khối lượng dự toán duyệt…

Đến nay, nhìn chung các địa phương đã cơ bản hoàn thành xong các hạng mục công trình PCLB và triển khai các biện pháp giao cho các phòng, ban, đơn vị trực thuộc thực hiện. Tuy nhiên, để công tác PCLB được tốt, tránh biểu hiện chủ quan lơ là, các địa phương, đơn vị cần kiểm tra, rà soát việc cắm cừ dự phòng và hoành triệt các cống xung yếu dưới đê, nếu cống nào chưa đạt yêu cầu kỹ thuật phải khẩn trương làm bổ sung theo đúng yêu cầu của Ban chỉ huy PCLB tỉnh. Đồng thời ngăn chặn và xử lý triệt để các vụ vi phạm Luật đê điều; tổ chức trực ban khép kín 24/24 giờ để theo dõi diễn biến của thời tiết và công trình đê điều, chủ động đối phó với lũ, bão năm 2012.

            Nguyên Bình

  • Từ khóa