Thứ 7, 16/11/2024, 13:46[GMT+7]

Giải pháp cải thiện môi trường đầu tư "Thuốc đã có, chỉ chờ kê đơn và giám sát người uống"

Thứ 6, 13/07/2012 | 14:50:15
1,486 lượt xem
Trong chiến lược phát triển KT- XH, Thái Bình luôn chú trọng việc thu hút đầu tư nhằm khuyến khích phát triển toàn diện công nghiệp và dịch vụ. Coi đây vừa là giải pháp cấp bách, vừa mang tính lâu dài góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH.

Dây chuyền Nhà máy VIGLACERA Thái Bình tại khu CN Tiền Hải. Ảnh: NGỌC LINH

Tuy đã đạt được những kết quả khá toàn diện nhưng nếu so với các tỉnh, thành phố khác thì môi trường đầu tư của tỉnh ta còn bộc lộ nhiều hạn chế. Minh chứng rõ nét nhất là năm 2011 vừa qua Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Thái Bình ở vị trí 55/ 63 tỉnh, thành phố, tụt 33 bậc so với năm trước đó.

Không thể phủ nhận thời gian qua tỉnh ta đã có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện môi trường đầu tư như: Đầu tư xây dựng hạ cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, điện, viễn thông; hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư trên các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực chế biến nông sản thực phẩm, phát triển nghề và làng nghề…(chỉ riêng giai đoạn 2006- 2010, UBND tỉnh đã ban hành 18 cơ chế, chính sách để điều hành kinh tế).

Đặc biệt là đầu tư xây dựng hạ tầng các khu- cụm công nghiệp từ nguồn ngân sách và huy động doanh nghiệp tham gia. Đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 6 KCN tập trung và 17 cụm CN với tổng diện tích gần 2.000ha. Nhờ vậy nên đến hết tháng 5/ 2012, toàn tỉnh đã thu hút được 584 dự án đăng ký đầu tư với tổng số vốn đăng ký đạt gần 68.000 tỷ đồng, dự kiến giải quyết việc làm cho khoảng 135.000 lao động góp phần nâng tổng số doanh nghiệp đã đi vào hoạt động trên địa bàn tỉnh ta lên 3.347 doanh nghiệp và 353 chi nhánh…Liên tục từ năm 2007 đến nay, Thái Bình đều xếp ở nhóm trung bình trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh do VCCI công bố hàng năm. Riêng năm 2010 vươn lên xếp vị trí thứ 22/ 63 tỉnh, thành phố và đứng trong nhóm có môi trường đầu tư tốt.

Tuy nhiên, kết quả xếp hạng năng lực cạnh tranh của tỉnh ta không bền vững, chủ yếu đều đứng ở nhóm giữa từ vị trí 28- 50/ 63 tỉnh, thành phố. Riêng năm 2011 đã tụt liền 33 bậc so với năm 2010 và đứng ở vị trí 55. Mặc dù kết quả này không có nghĩa là môi trường đầu tư ở Thái Bình đang xấu đi nghiêm trọng bởi nếu quy ra điểm số thì năm thấp nhất (2011) tỉnh ta vẫn đạt 53,69 điểm, trong khi năm tốt nhất (2010) cũng chỉ nhích hơn chút ít lên 60,04 điểm.

Tuy nhiên kết quả này lại chứng tỏ các tỉnh, thành phố khác đang có những nỗ lực vượt bậc và tiến những bước khá xa về cải thiện môi trường đầu tư tại địa phương mình. Nói cách khác nếu đứng yên sẽ đồng nghĩa với tụt lùi và vì vậy đòi hỏi các ngành chức năng ở tỉnh cần có các giải pháp đồng bộ, cấp bách để bắt kịp với sự đổi mới mau lẹ, toàn diện của các địa phương khác. Trước mắt cần tập trung khắc phục 5/ 9 nhóm chỉ số thành phần làm nên chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh mà Thái Bình bị mất điểm trong năm 2011, đó là tính minh bạc và tiếp cận thông tin, chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước, tính năng động và tiên phong của tỉnh, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và đào tạo lao động.

Cùng với việc "bắt đúng bệnh", các ngành chức năng cũng đã chọn "đúng thuốc" để điều trị. Đó là tiếp tục tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư và SX- KD của doanh nghiệp bằng việc: Đầu tư hoàn thiện hạ tầng các khu- cụm CN; bổ sung và xây dựng mới các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư; đặc biệt là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Tăng cường thông tin, tư vấn cho doanh nghiệp và thực thi các chính sách hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Ngoài ra sẽ tiếp tục hoàn thiện khung khuân khổ pháp lý tạo môi trường thuận lợi, minh bạch cho doanh nghiệp hoạt động…

Các tên "thuốc" nói trên cơ bản đã đúng loại "đặc trị". Vấn đề còn lại là đưa ra "liều dùng" hợp lý, đặc biệt cần giám sát chặt để bảo đảm "bệnh nhân uống thuốc thường xuyên và đúng liều". Nếu phát hiện "bệnh nhân trốn không uống thuốc" cần phải xử lý nghiêm khắc. Ví như việc cải cách thủ tục hành chính, mặc dù chủ trương đã rõ, giải pháp khá đủ, chỉ đạo quyết liệt nhưng kết quả đạt được vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, rất nhiều doanh nghiệp vẫn kêu ca, phàn nàn về việc thủ tục hành chính rườm rà, bộ máy thực thi nhiệm vụ còn gây phiền hà, nhũng nhiễu cho doanh nghiệp. Vì vậy tới đây ngoài việc từng sở, ngành xây dựng phương án rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính cần phải xây dựng cơ chế phối hợp thực hiện giữa các sở, ngành trong quá trình thực thi công vụ, tránh việc chung chung và đùn đẩy trách nhiệm như hiện nay; đồng thời hoàn thiện cơ chế giám sát bộ máy công chức giúp phát hiện và xử lý kịp thời những người gây phiền hà, nhũng nhiễu doanh nghiệp, thậm chí mạnh dạn cho ra khỏi ngành những cán bộ, công chức có nhiều ý kiến phàn nàn; quy rõ trách nhiệm người đứng đầu về kết quả thực hiện cải cách thủ tục hành chính.

Ngoài ra, các ngành chức năng cần nghiên cứu áp dụng một số mô hình mang lại hiệu quả cao trong việc cải thiện môi trường đầu tư đang được các tỉnh, thành phố khác triển khai. Ví như một số tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành hoàn thiện và công bố công khai cuốn sổ tay về danh mục các thủ tục hành chính đang thực hiện tại đơn vị mình, đồng thời nêu các bước để hoàn thiện từng thủ tục cụ thể. Hay như mô hình chia sẻ thông tin giữa các cơ quan Nhà nước với nhau thay vì yêu cầu doanh nghiệp cung cấp cùng một nôi dung thông tin cho nhiều cơ quan khác nhau…

Vũ Mạnh 

  • Từ khóa