Thứ 7, 16/11/2024, 10:52[GMT+7]

Tăng cường quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh

Thứ 5, 26/07/2012 | 14:28:00
1,513 lượt xem
Trong những năm qua, hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh phát triển khá mạnh, đóng góp đáng kể vào sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội, tăng nguồn thu, tạo việc làm cho người lao động. Nhưng cũng chính hoạt động này đã làm nảy sinh những vấn đề bức xúc cần phải quan tâm giải quyết đó là: ô nhiễm môi trường, khiếu nại, khiếu kiện phát sinh, phát triển kinh tế- xã hội thiếu bền vững...

Trên các tuyến sông tình trạng khai thác khoáng sản cát trái phép vẫn diễn ra ở một số nơi cần được ngăn chặn triệt để. Ảnh: MINH ĐỨC

Để tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản đồng thời thực hiện Luật khoáng sản năm 2010, Nghị quyết số 02 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược Khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành và triển khai Chỉ thị số 14 về việc tăng cường quản lý Nhà nước đối với tài nguyên khoáng sản; phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố rà soát các quy hoạch đã được phê duyệt, trên cơ sở đó thực hiện quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng cát lòng sông, ven biển trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011- 2015; đề xuất triển khai thực hiện các quy hoạch khoáng sản khác để định hướng phát triển ngành công nghiệp khai khoáng, bảo đảm sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài, nhằm sớm hoàn thiện công bố và công khai các quy hoạch khoáng sản theo quy định của pháp luật. Sở đã phối hợp cùng Bộ TN&MT, một số cơ quan Trung ương tổ chức điều tra khoáng sản than nâu tầng Neogen, dầu khí trên đất liền và ngoài biển, từ đó làm rõ cấu trúc địa chất, mức độ phân bố và phát hiện, khoanh định các diện tích có triển vọng về khoáng sản.

Thời gian qua, Sở đã hướng dẫn các tổ chức xin thăm dò, khai thác khoáng sản lập các hồ sơ theo quy định của Luật Khoáng sản; tổ chức thẩm định, tham mưu cho cấp có thẩm quyền quyết định cấp phép 4 giấy phép khai thác khoáng sản cát lòng sông, ven biển; đề xuất một số loại khoáng sản và các khu vực mỏ đưa ra đấu giá quyền khai thác trong năm 2012, 2013 trên địa bàn tỉnh, gồm: nước khoáng và nước khoáng nóng tại khu vực mỏ các xã: Đông Cơ (Tiền Hải), Duyên Hải (Hưng Hà), Phong Châu (Đông Hưng), Quang Bình, Hồng Tiến (Kiến Xương). Thực hiện chỉ đạo của Bộ TN&MT về tổng kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng, UBND tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra và giao cho Sở TN&MT chủ trì, kết quả đã phát hiện hàng chục cơ sở vi phạm. Sau kiểm tra, Sở đã báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo UBND các cấp tổ chức kiểm tra toàn bộ hoạt động khoáng sản trên địa bàn.

Có thể nói, bước đầu, công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản chưa được phép khai thác trên địa bàn tỉnh được chú trọng đúng mức và hiệu quả. Tuy nhiên hiện nay, tình trạng khai thác khoáng sản cát trái phép vẫn diễn ra ở một số nơi mà chưa được ngăn chặn triệt để. Hiện, toàn tỉnh có khoảng 160 tàu thuyền trong và ngoài tỉnh thường xuyên hoạt động khai thác và vận chuyển cát trên các tuyến sông để lại nhiều hậu quả lâu dài, như: sạt lở đê điều, hư hại kè cống, hoa màu, gây mất trật tự an ninh khu vực, làm cản trở luồng lạch giao thông thủy và làm thất thu ngân sách Nhà nước. Tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra khá phổ biến tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh, như: Trà Giang, Quốc Tuấn (Kiến Xương), Hồng An (Hưng Hà), Đông Dương (Đông Hưng), An Khê, Quỳnh Hoàng, Quỳnh Lâm (Quỳnh Phụ)... Cùng với đó, các bến bãi tập kết vật liệu xây dựng, như: cát, đá... trái phép vẫn đang “hành nghề” rất sôi động.

Trong thời gian tới, để công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã, tỉnh cần chỉ đạo các ngành xây dựng cơ chế thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản. Khuyến khích đầu tư các dự án khai thác, chế biến khoáng sản có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường. Sớm chấm dứt tình trạng đầu tư khai thác khoáng sản manh mún, nhỏ lẻ, kém hiệu quả, đặc biệt là tình trạng khai thác cát trái phép trên sông, ven biển trên địa bàn tỉnh. Quy định cụ thể, chặt chẽ về điều kiện đối với các tổ chức tham gia thăm dò, khai thác, chế biến từng loại khoáng sản, cần quản lý tốt các loại khoáng sản có giá trị, như: than nâu, khí đốt, sa khoáng, nước khoáng. Đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra đối với các dự án khai thác khoáng sản đang hoạt động, kiên quyết đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép đối với các trường hợp không triển khai dự án theo cam kết, khai thác gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, trực tiếp làm hư hỏng hạ tầng kỹ thuật, mất an ninh trật tự gây bức xúc cho nhân dân nơi có khoáng sản.

                                                            Đức Dũng

 

  • Từ khóa