Thứ 7, 16/11/2024, 10:57[GMT+7]

Hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp Thẳng thắn - Trung thực - Thiện chí

Thứ 5, 09/08/2012 | 16:28:32
1,277 lượt xem
Nằm trong chuỗi các hoạt động nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, mới đây UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị đối thoại giữa ngành Ngân hàng với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các kiến nghị, vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp liên quan đến vay vốn tín dụng đã được trả lời khá cụ thể, chi tiết thể hiện tinh thần trách nhiệm cao và thiện chí chia sẻ khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp.

Ảnh Thành Tâm

Trả lời kiến nghị của nhiều doanh nghiệp cho rằng lãi suất quá cao và khó tiếp cận vốn vay, ông Đinh Ngọc Thạch- Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thái Bình cho biết, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế tính đến 30/ 6/ 2012 của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn đạt 21.860 tỷ đồng. Trong đó cho vay đối với 4 nhóm lĩnh vực ưu tiên gồm: phát triển nông nghiệp, nông thôn chiếm hơn 9.000 tỷ đồng; cho vay phục vụ xuất khẩu chiếm 820 tỷ đồng; cho vay với các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đạt 2.470 tỷ đồng và cho vay với khối doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 8.000 tỷ đồng.

Trong điều kiện phải thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát góp phần ổn định kinh tế vĩ mô thì mức doanh số cho vay như trên là khá lớn, tăng tới 6,1% so với 31/ 12/ 2011, trong khi đó mức trung bình toàn quốc chỉ tăng 0,76% và cao hơn nhiều so với một số tỉnh trong khu vực như Hải Dương, Hưng Yên. Trước việc rất nhiều doanh nghiệp sản xuất khó khăn, hoạt động cầm chừng, thậm chí phá sản, giải thể, lượng hàng tồn kho lớn, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện giảm mặt bằng lãi suất cho vay khoảng 5%/ năm, từ 18- 20%/ năm vào thời điểm những tháng đầu năm xuống mức trần 15%/ năm như hiện nay. Đồng thời điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với các hợp đồng vay cũ từ 19-20%/ năm xuống còn 15% với số tiền khoảng 15.000 tỷ đồng, chiếm gần 70% tổng dư nợ. áp dụng mức lãi suất trần cho vay 13%/ năm đối với 4 nhóm lĩnh vực ưu tiên là nông nghiệp- nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Phát biểu tại hội nghị, một số doanh nghiệp cho rằng lãi suất cho vay tuy đã giảm nhưng vẫn ở mức cao cần tiếp tục giảm hơn nữa, ông Đặng Thanh Bình- Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chia sẻ: Lãi suất huy động cũng như cho vay phụ thuộc rất nhiều vào nền kinh tế và mục tiêu của Chính phủ. Dự báo mức lạm phát chung cho cả năm 2012 khoảng 7%, như vậy với mức lãi suất huy động 9%/ năm như hiện nay thì người gửi tiền chỉ thực lãi khoảng 2%/ năm. Nếu tiếp tục hạ lãi suất huy động thì người gửi tiền sẽ quay lưng với ngân hàng và chuyển sang tích trữ các ngoại tệ khác. Chỉ khi lạm phát giảm thì lãi suất huy động mới giảm theo và khi đó mới có điều kiện hạ lãi suất cho vay. Còn trước đề nghị của các doanh nghiệp kéo dài thời hạn cho vay, ông Bình phân trần: Cơ cấu dư nợ phụ thuộc chủ yếu vào cơ cấu huy động vốn, nếu phần lớn lượng vốn huy động là ngắn hạn thì ngân hàng không thể tăng mức cho vay trung và dài hạn. Tuy nhiên thực tế tại Thái Bình thì dư nợ ngắn hạn của các doanh nghiệp chỉ chiếm 32,6% tổng dư nợ (tương đương 3.485 tỷ đồng), còn lại dư nợ trung và dài hạn chiếm tới 67,4% tổng dư nợ (tương đương 7.195 tỷ đồng).

Cũng tại hội nghị, ông Đinh Ngọc Thạch- Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết, không chỉ các doanh nghiệp SX- KD gặp khó khăn mà bản thân các ngân hàng cũng đang gặp khó khăn cần sự chia sẻ của doanh nghiệp và các ngành chức năng. Cụ thể là tỷ lệ nợ xấu, nợ quá hạn đang ở mức khá cao, tính đến cuối tháng 6, toàn tỉnh có 85 doanh nghiệp có nợ xấu với số dư 2.255 tỷ đồng, chiếm tới 22,2% tổng dư nợ cho vay khối doanh nghiệp. Ngoài ra, trên địa bàn hiện có 125 doanh nghiệp còn nợ đọng kéo dài với số dư 778 tỷ đồng. Việc xử lý số nợ trên hiện đang rất chậm và gặp nhiều vướng mắc. Một số doanh nghiệp lợi dụng khó khăn để chây ỳ, không hợp tác với ngân hàng trong việc thanh toán vốn. Cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với các doanh nghiệp thiếu đồng bộ, nhất là cơ chế phối hợp trong xác nhận quyền sở hữu tài sản doanh nghiệp…

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phạm Văn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Từ đầu năm tới nay, đây là lần thứ 3 UBND tỉnh tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Điều đó chứng tỏ khó khăn của các doanh nghiệp đang nghiêm trọng nhưng cũng chứng tỏ các ngành chức năng vào cuộc rất tích cực. Yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thái Bình khẩn trương chỉ đạo các TCTD trên địa bàn rà soát và thực hiện hạ lãi suất về mức trần 15%/ năm đối với các món nợ cũ còn lại. Phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng giúp doanh nghiệp hoàn thiện thủ tục cần thiết để được nhận hỗ trợ về lãi suất và các khoản hỗ trợ khác theo quy định của Trung ương, phấn đấu không để doanh nghiệp nào trong diện mà không được nhận hỗ trợ. Giao Sở Công Thương chủ trì tổ chức đánh giá, rà soát lại lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp và đưa ra giải pháp tháo gỡ, đồng thời đề xuất cơ chế hỗ trợ cụ thể, nhất là cơ chế liên quan đến vay vốn và hỗ trợ lãi suất. Quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ, thủ tục xin vay vốn, đặc biệt là thủ tục về đất đai; trường hợp hồ sơ đã hợp lệ chỉ còn vướng mắc về thủ tục hành chính thì UBND tỉnh sẽ trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ. Ngoài ra, bản thân các ngân hàng cần tiếp tục cải cách thủ tục hơn nữa nhằm tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp trong quá trình vay vốn…

Vũ Mạnh

  • Từ khóa